Kiên định mục tiêu, tạo chuyển biến rõ nét về tăng trưởng kinh tế
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; cải tiến và công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh; tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, người đứng đầu; thực hiện ngay việc thiết lập kênh để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp để kịp thời tiếp thu, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết liệt thực hiện các giải pháp, bảo đảm tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực; chủ động theo dõi tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, kịp thời xử lý những bất cập của ngành, lĩnh vực quản lý; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp lớn; niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trước khi thoái vốn nhà nước, bảo đảm theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch và tránh thất thoát vốn nhà nước.
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt chức năng điều phối chính sách chung của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ tổ chức giao ban, phối hợp chặt chẽ với các Bộ trưởng các Bộ quản lý chuyên ngành, đề xuất kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, bảo đảm sự vận hành đồng bộ, hiệu quả chung của nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020...
Với NHNN Việt Nam, Chính phủ yêu cầu, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 báo cáo chính phủ, trong đó đề xuất các giải pháp cụ thể để xử lý nợ xấu thực chất. Đánh giá, phân tích cơ cấu, chất lượng tín dụng để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp. |
Bộ Tài chính quyết liệt chỉ đạo chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước; đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế; công khai thông tin nộp thuế của các doanh nghiệp lớn, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, tránh tập trung thanh toán vào thời điểm cuối năm.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải có giải pháp rõ hơn để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp; theo dõi sát giá dầu thô thế giới, chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp... Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa dịp cuối năm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia sản xuất các mặt hàng nông sản có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản; kiểm soát tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất trong nước, phòng chống dịch bệnh...