Nên mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%
Đánh giá cao Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng | |
Tiêu dùng tiếp tục phục hồi hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng | |
Hạ lãi suất, ổn tỷ giá: Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng |
TS. Trần Hoàng Ngân |
Nhìn lại những kết quả về kinh tế - xã hội năm 2017, ông có thể chia sẻ gì với Chính phủ?
Phải nói rằng, năm 2017 có nhiều thách thức trong đó có một số thách thức rất lớn. Đó là bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp khó lường; đặc biệt, địa chính trị Đông Bắc Á rất căng thẳng, chủ nghĩa dân túy bảo hộ mậu dịch của nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng tăng lên. Trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở, kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,7 lần GDP.
Thách thức nữa là nợ xấu ở mức cao nhưng chúng ta phải giải quyết trên cơ sở đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, đảm bảo an toàn quyền lợi tiền gửi người dân. Nợ công sát trần nhưng nhu cầu tổng vốn đầu xã hội thì rất cao và cần thiết...
Trên cơ sở các thách thức đó thì những thành quả chúng ta đạt được như trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này trong năm 2017 là rất đáng trân trọng.
Vậy những thành quả nào mà ông quan tâm đặc biệt nhất?
Thứ nhất, GDP tăng trưởng cao, có khả năng đạt 6,7% - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Thứ hai, chúng ta tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kéo giảm được lãi suất và cải thiện được cán cân thương mại và cán cân vãng lai. Cụ thể cán cân thương mại 10 tháng thặng dư hơn 1,2 tỷ USD và tăng dự trữ ngoại hối lên 45 tỷ USD.
Thứ ba, kỷ luật ngân sách đã chặt chẽ hơn và chúng ta tiết kiệm bội chi ngân sách 4000 tỷ đồng, từ đó kéo giảm bội chi ngân sách xuống dưới 3,5% GDP; nợ công từ 63,6% xuống 62,6% GDP.
Nhưng nhiều đại biểu cho rằng, nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Ông có đồng tình với nhận định này không?
Tôi đồng ý với ý kiến này và ngay trong báo cáo, Chính phủ cũng chỉ ra khá nhiều tồn tại và hạn chế. Nhưng tôi quan tâm tới 3 tồn tại hạn chế sau. Thứ nhất là, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu, cụ thể như quản lý đô thị, quản lý về tài nguyên, quản lý khoáng sản, đất đai, quản lý về trật tự xã hội thì vẫn còn khiếm khuyết nhất định. Thứ hai là, tính tuân thủ pháp luật còn yếu, trong khi bộ máy tổ chức còn cồng kềnh, nhiều tầng lớp, hiệu lực và hiệu quả còn thấp. Thứ ba là, khu vực sản xuất kinh doanh trong nước, cụ thể là DNNVV cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động, công nghệ máy móc còn lạc hậu.
Với những kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế mà Chính phủ đặt ra cho năm 2018, trong đó GDP tăng từ 6,5-6,7%, ông có chia sẻ gì?
Về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, tôi thống nhất với Chính phủ về mục tiêu tổng quát là phải tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô; phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, kiên định mục tiêu giữ vững bảo vệ lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự xã hội.
Đi vào cụ thể với mục tiêu GDP mà Chính phủ đưa ra 6,5%-6,7%, theo tôi nên mạnh dạn đặt mục tiêu 6,7% bởi vì dự báo mới nhất của IMF vào tháng 10 vừa qua có thay đổi. Nếu như IMF dự báo năm 2017 tăng trưởng kinh tế thế giới là 3,6% nhưng năm 2018 thì họ dự báo cao hơn là 3,7%; hay khu vực kinh tế các thị trường mới nổi cũng được dự báo 2018 tăng tưởng cao hơn 2017.
Mặt khác, tổng vốn đầu tư dự kiến năm 2018 là 33-34% GDP. Trong khi các yếu tố khác cải thiện mà vốn đầu tư tiếp tục lại tăng thì không có lý do gì GDP lại không bằng 2017, thậm chí phải cao hơn.
Vấn đề bội chi ngân sách tôi chưa đồng thuận là tiếp tục để bội chi tăng lên tới 3,7% GDP. Tôi nghĩ là phải kéo giảm dưới 3,5% GDP vì trong tổng chi ngân sách dự toán năm 2018 chúng ta dự toán chi ngân sách tới 1,5 triệu tỷ đồng nên chỉ cần tiết kiệm 1% của dự toán này sẽ tiết kiệm 15.000 tỷ đồng thì hoàn toàn có thể kéo giảm bội chi ngân sách từ 204 nghìn tỷ đồng xuống dưới 200 nghìn tỷ đồng để đảm bảo bội chi ngân sách.
Ngoài ra, trong mục tiêu về đảm bảo đánh giá về xử lý môi trường, xử lý rác thải đạt chuẩn trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo tôi phải đưa lên mức trên 90% thay vì 88% vì yếu tố môi trường rất quan trọng.
Ông có kiến nghị hay đề xuất giải pháp gì với Chính phủ để nền kinh tế đạt được hiệu quả và bền vững trong thời gian tới?
Theo tôi, chúng ta phải có gói giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV, trong đó làm sao triển khai nhanh Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua thì phải nhanh đưa vào cuộc sống.
Làm thế nào để DN Việt Nam có thể cải thiện được máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ thông minh? Như vậy, chúng ta phải có chính sách về tài chính, thuế, tín dụng, lãi suất để giúp DN Việt Nam tiếp cận với công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên tiếp tục có bàn luận sâu hơn, có gói giải pháp cụ thể hơn về phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Một đất nước có lợi thế trong lĩnh vực này nhưng đang bị đánh mất lợi thế so với một số nước trong khu vực về chất lượng sản phẩm nông nghiệp; giá cả trên thị trường thấp hơn các nước khác. Như vậy, vấn đề giải pháp, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp như thế nào thì Chính phủ phải có những giải pháp cụ thể hơn.
Vấn đề nữa phải là giảm chi thường xuyên. Trong phiên thảo luận hôm qua khá nhiều đại biểu nêu lên vấn đề này khi thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giai đoạn 2011-2016 đã cho thấy các đại biểu đã cùng chung nhịp đập với Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!