Ngân hàng chia phí người dùng thẻ
Thu phí ATM: Hãy nhìn rộng hơn | |
Thu phí đang trong phạm vi biểu phí | |
Ngân hàng đầu tiên phát hành thẻ ATM ngay tại chỗ cho khách hàng |
Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) vừa gửi văn bản yêu cầu NHTM thành viên chia sẻ mức phí rút tiền mặt và thanh toán trên máy ATM từ ngày 1/8/2018.
Công ty tài chính cũng rút tiền ở ATM
Theo Napas, thị trường thẻ đang có sự mất cân đối, nhiều ngân hàng thời gian qua chỉ phát hành thẻ và trả phí chuyển mạch liên ngân hàng khi có phát sinh thanh toán mà không đầu tư hạ tầng máy ATM. Theo đó, ngân hàng phát hành thẻ sẽ phải trả cho ngân hàng có mạng lưới ATM 8.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm VAT) rút tiền mặt ngoại mạng thay vì hiện có 2.000 đồng/giao dịch.
Việc Napas tăng phí gấp 4 lần cho các thành viên, được lý giải là do một số công ty tài chính tiêu dùng vừa qua tham gia vào mạng lưới Napas, nhưng chỉ được phát hành thẻ nên mạng lưới ATM của NHTM sẽ chịu áp lực lớn. Riêng mức phí giữa các NHTM đã có đầu tư hạ tầng ATM được giữ nguyên như hiện nay là 2.000 đồng/giao dịch rút tiền ngoại mạng. Nhiều ngân hàng chưa đầu tư hạ tầng ATM đang lo lắng với mức phí đề xuất của Napas có thể phải tính toán lại hình thức đầu tư cho công nghệ rút tiền tự động.
Chia sẻ phí hạ tầng ATM các ngân hàng sẽ điều hòa lợi ích phí thẻ |
Mức phí 8.000 đồng/giao dịch rút tiền mặt được các ngân hàng có hạ tầng quy mô lớn tính toán một giao dịch rút tiền mặt ở máy ATM ngoại mạng hiện có chi phí xấp xỉ 9.000 đồng. Chỉ tính riêng các TCTD trên địa bàn TP.HCM năm 2017 bình quân mỗi tháng có hơn 110.000 món chuyển tiền (chiều đi) qua hệ thống bù trừ điện tử, xấp xỉ giá trị giao dịch 70.000 tỷ đồng/tháng. Điều đó cho thấy nguồn lợi rất lớn từ các TCTD chỉ phát hành mà không đầu tư mạng lưới ATM. Trong khi đó, công ty cổ phần thanh toán quốc gia lại đang kiểm soát số lượng từng giao dịch đến giá trị mỗi giao dịch rút tiền của một NHTM qua hệ thống thanh toán bù trừ điện tử.
Lãnh đạo các NHTM có quy mô hạ tầng ATM lớn cho rằng, việc Napas đứng ra điều phối phí chuyển mạch để ngăn chặn tình trạng một số NHTM thời gian qua phát hành thẻ ồ ạt, nhưng không đầu tư hạ tầng sau đó chỉ trả phần phí ngoại mạng rẻ mạt. Chia sẻ phí chuyển mạch rút tiền ngoại mạng giữa các NHTM với nhau sẽ làm tăng thêm lợi ích và công bằng hơn với người dùng thẻ.
“Đúng ra việc này phải làm từ lâu rồi, để các NHTM có vốn đầu tư mạng lưới hạ tầng ATM, hạn chế xảy ra tình trạng công nhân xếp hàng ùn ứ rút tiền ở các máy ATM khu công nghiệp mỗi dịp lễ, tết” – một lãnh đạo ngân hàng nói.
Những người ủng hộ phương án thu phí của Napas cho rằng, khi luật chơi được thiết lập nếu ngân hàng nào chỉ phát hành thẻ mà không đầu tư hạ tầng ATM sẽ không được khách hàng lựa chọn sử dụng thẻ. Các nhà phát hành thẻ không thể dựa mãi vào hạ tầng của các ngân hàng có đầu tư lớn, sau đó lại đẩy hết phí rút tiền ngoại mạng cho chủ thẻ như hiện nay.
HDBank không tăng phí rút tiền ATM Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của HDBank cho rằng: việc Napas đề nghị các ngân hàng chia sẻ phí ngoại mạng đối với các tổ chức chỉ phát hành thẻ mà không đầu tư hạ tầng ATM sẽ không ảnh hưởng nhiều, HDBank vẫn tiếp tục giữ mức phí hiện tại và cam kết không tăng phí khi tham gia vào Napas. Do đó, khách hàng sử dụng thẻ của HDBank sẽ không bị tác động của việc tăng phí chuyển mạch giữa các thành viên của Napas. Có thể các công ty tài chính tiêu dùng phát hành thẻ sẽ phải chịu mức phí mới theo đề xuất của Napas. Chủ trương của HDBank đối với đầu tư ATM là nhắm vào phục vụ các nhu cầu sử dụng thẻ trên thực tế và phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như dùng máy ATM để chuyển khoản, thay đổi mật khẩu… Từ đó khai thác hạ tầng ATM bằng những tiêu chí đo lường cụ thể để hạn chế tăng phí đối với người dùng. |
Không thể “ăn” trên đầu thẻ phát hành
Thực ra, một số quốc gia phát triển trên thế giới đã dùng một công ty chuyển mạch chung làm đầu mối xử lý toàn bộ, thậm chí mô hình công ty này đi lắp đặt máy ATM, POS… Lúc đó, sự đóng góp phí dựa trên các nguồn lợi của từng ngân hàng khác nhau. Theo đó, sự đóng góp của từng ngân hàng được tính trên cơ sở ngân hàng đó đang chiếm bao nhiêu thị phần thanh toán, có bao nhiêu máy POS, máy ATM và phục vụ cho bao nhiêu khách hàng. Hay nói cách khác, một NHTM hàng tháng thực hiện bao nhiêu giao dịch và giá trị thanh toán là bao nhiêu thì ngân hàng đó phải đóng góp tương ứng cho công ty chuyển mạch quốc gia đó.
Bên cạnh đó, các NHTM có thể đóng góp vào cho công ty chuyển mạch quốc gia bằng số lượng máy ATM, máy POS, số lượng khách hàng… Có những ngân hàng định hướng đầu tư hạ tầng mạng lưới ATM vẫn được khuyến khích. Nhưng có những ngân hàng có thế mạnh phát hành thẻ chỉ phát hành thẻ thì sẽ không được chia sẻ phần phí đầu tư hạ tầng máy ATM. Điều đó có nghĩa là ngân hàng nào phát hành bao nhiêu thẻ có sử dụng trên thực tế sẽ được công ty chuyển mạch chia sẻ phí, chứ không phải cứ phát hành thẻ rồi “ăn” trên đầu thẻ.
Các chuyên gia thanh toán cho rằng, dù các NHTM đầu tư hạ tầng mạng lưới ATM nhiều đến đâu vẫn chỉ để phục vụ rút tiền mặt, về lâu dài cần tính tới lợi ích thực chất của việc thanh toán “phi ngân hàng”. Điển hình, Vietcombank trong năm qua đã bắt đầu tạm ngưng đặt máy ATM ở một số khu vực đã có máy cà thẻ POS như siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi… khuyến khích người dùng thẻ thanh toán trực tiếp trên các máy POS. Một số ngân hàng khác đang đầu tư rất lớn vào các hình thức thanh toán “một chạm” trên internet như một hình thức tiết giảm chi phí đầu tư hạ tầng ATM để rút tiền mặt.
Chi phí hạ tầng ATM rất lớn Giám đốc Trung tâm Thẻ của một NHTMCP có Hội sở tại TP. HCM cho hay, đầu tư hạ tầng ATM khá tốn kém, nếu tính hết các chi phí để vận hành hệ thống mạng lưới ATM việc đầu tư thêm các máy ATM mới sẽ khiến các NHTM gặp khó khăn do mức phí thu được thực tế sau khi chia sẻ với tổ chức chuyển mạch và các ngân hàng đối tác thanh toán là không nhiều. Theo kế hoạch của Napas đến ngày thứ Sáu tuần này sẽ hết hạn nhận góp ý của các thành viên trong tổ chức chuyển mạnh thẻ. Theo đó chúng tôi ủng hộ đề xuất tăng phí rút tiền ngoại mạng tại máy ATM lên 8.000 đồng/giao dịch của Napas để bù đắp một phần chi phí đầu tư hạ tầng mạng lưới ATM. Th. Bình |