Sẽ có cuộc cách mạng mới đối với tam nông
Sẽ tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương về tam nông | |
Thủ tướng chủ trì 'hội nghị Diên Hồng' về tam nông | |
Thực hiện Nghị quyết về tam nông: 200 tổ chức, cá nhân và 11 DN nhận Bằng khen của Thủ tướng |
Sáng ngày 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức.
Cùng dự có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng… và hơn 500 đại biểu tại đầu cầu truyền hình Hà Nội cùng với gần 100 đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố. Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng để tìm ra giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành cắt băng khai mạc Triển lãm quốc gia giới thiệu thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông" |
Cuộc cách mạng đối với nền nông nghiệp Việt Nam
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, Nghị quyết số 26 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.
Báo cáo tóm tắt những thành tựu đã đạt được sau 10 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết 26, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát vui mừng cho biết, nền nông nghiệp có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất; tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng.
Trong giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt trung bình 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm. Hiện đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên; trong đó 5 mặt hàng: tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD/năm. Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn. Hiện cả nước đã có 3.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 chỉ tiêu/xã; 53 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, số lượng DN nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% DN cả nước) lên 7.033 DN năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng). Nhiều DN đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.
Có được thành công này có phần đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng trong suốt 10 năm qua. Theo đó tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng trưởng với tốc độ cao hơn mức bình quân của cả nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 9/2018, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng tăng 13% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng 24% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả trên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, khu vực tam nông của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế lớn cần phải khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, một số mục tiêu đề ra đến năm 2020 có thể không đạt, nếu không có những giải pháp đột phá và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp Trong thập kỷ tới hay một vài thập kỷ ngắn tới đây, Việt Nam đứng ở đâu? Chúng ta đứng trong tốp 15 nước về nông nghiệp được không?... Phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng. Phải nhận diện thật rõ cơ hội và thách thức trong bối cảnh và tình hình mới để đề xuất định hướng chiến lược rất quan trọng. Thế giới đang chuyển mình, châu Á đang cạnh tranh từ bán buôn đến bán lẻ, chúng ta phải đặt ra lợi thế so sánh để có thể thành công. Vì vậy, phải sớm khắc phục tồn tại, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay; đặc biệt cần khắc phục cho được sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Muốn vậy phải đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 vào nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ cho nhà đầu tư, DN, hợp tác xã, hộ nông dân khi đầu tư làm ăn trong nông nghiệp. Điểm cần lưu ý nữa, phải đặt vấn đề thị trường trước khi sản xuất để hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá. Muốn vậy phải thay đổi tư duy, cách làm, sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Đi liền với thị trường, với sản xuất là vấn đề vốn. Thời gian tới, hệ thống ngân hàng tiếp tục cung ứng lượng vốn tín dụng với cơ chế cần thiết vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn; có chính sách phù hợp với các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đặc biệt khó khăn. Quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. |
Tìm giải pháp đột phá cho tam nông
Tại hội nghị, các địa phương cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý trong việc triển khai Nghị quyết 26, trong đó nổi bật là cần đặt người nông dân vào đúng vai trò chủ thể trong mọi quyết sách; xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng, tạo mối liên kết giữa DN với nông dân; đẩy mạnh mô hình kinh tế hợp tác… Trong quá trình này, DN, HTX, hộ nông dân là chủ thể thực hiện, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cùng lãnh đạo các Bộ, Ngành tại Hội nghị |
Để đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững, Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương Cao Đức Phát đề xuất, cần thực hiện các biện pháp đồng bộ, trong đó, đổi mới cơ chế, chính sách, trọng tâm là chính sách đất đai; tổ chức lại sản xuất, trọng tâm là phát triển DN; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ tiên tiến và công nghệ cao là các khâu đột phá, then chốt… Thời gian tới, sẽ phải tận dụng cơ hội của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản cũng như tổ chức lại thị trường trong nước phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.
Kết luận hội nghị, không nhắc lại nhiều thành tích đã đạt được mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục. Đó là đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp; số dân làm nông nghiệp còn khá cao; số DN trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN (7.600 DN) trong đó đa phần là DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao. Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực, tuy nhiên chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn.
Trước những bất cập nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. “Chúng ta đang nói tập trung làm nông nghiệp, nông thôn mà nông dân chúng ta có tinh thần ỷ lại thì sẽ không bao giờ thành công. Cần khắc phục tinh thần tự ti, ỷ lại, chờ đợi của một bộ phận nông dân”, Thủ tướng nói. Vì vậy, thời gian tới, Đảng, Nhà nước ta phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: 4 giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết 26 Trong thời gian qua, triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Khởi đầu chính sách triển khai Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong quá trình triển khai, NHNN cũng đã đề xuất với Chính phủ bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp. Đơn cử, sau một quá trình thực hiện, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 thay thế Nghị định 41 với nhiều ưu đãi về mức cho vay không có tài sản đảm bảo (TSĐB), chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp qua mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chính sách xử lý rủi ro cho khách hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng… Để triển khai hiệu quả các Nghị định của Chính phủ, NHNN ban hành các Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ đơn thuần triển khai các chính sách của Chính phủ, NHNN chủ động ban hành nhiều chính sách về khuyến khích đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn như quy định áp trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 6,5%/năm. Bên cạnh đó, để khuyến khích các TCTD cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, NHNN còn thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn vốn thông qua tái cấp vốn cho các TCTD và ưu tiên TCTD nào có tỷ trọng cho vay lĩnh vực này cao được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn. Đặc biệt, trước yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cuối năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 55 trong đó nâng mức cho vay không có TSĐB đối với một số đối tượng khách hàng cá nhân hộ gia đình; bổ sung đối tượng khách hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được vay vốn không có TSĐB tối đa 70% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh… Bên cạnh chính sách tín dụng của Chính phủ, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các chương trình tín dụng đặc thù theo chỉ đạo Chính phủ như cho vay chương trình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết 30 của Chính phủ… NHNN cũng ban hành nhiều văn bản pháp lý cho hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô nhằm phát huy tốt vai trò thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, NHNN, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng đều qua các năm và tăng cao hơn so với mức tín dụng của nền kinh tế. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 26 dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng gấp 5 lần góp phần tích cực trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn và cải thiện nâng cao đời sống của người nông dân. Đặc biệt, doanh số cho vay nông thôn mới từ năm 2010 đến nay đạt 4,6 triệu tỷ đồng, dư nợ hiện nay khoảng 900 nghìn tỷ gấp 4 lần so với cuối năm 2010... Để có những giải pháp tập trung hơn nữa tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp nông thôn, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục có 4 giải pháp cụ thể quán triệt tới toàn bộ hệ thống TCTD. Một là sẽ tiếp tục phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn bộ hệ thống về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 26. Hai là, NHNN chỉ đạo toàn bộ TCTD ưu tiên tập trung cho vay vốn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ba là, NHNN đã có các văn bản gửi tới các UBND tỉnh về phối hợp triển khai Nghị định này. Vì vậy, thời gian tới, đề nghị các tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp với hệ thống ngân hàng triển khai nội dung mới, đột phá trong Nghị định 116… Bên cạnh đó, thời gian tới NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ ngành nhất là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình tín dụng đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Bốn là, NHNN tiếp tục chỉ đạo hệ thống TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá thủ tục cho vay nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của người dân, cũng như DN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. |