Rộng cửa cho vốn vào nông nghiệp
Bệ đỡ vững chắc cho nền nông nghiệp hữu cơ | |
Sẽ có cuộc cách mạng mới đối với tam nông | |
Tái cơ cấu nông nghiệp: Chuyển biến tích cực và căn bản |
TS. Nguyễn Quốc Hùng |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN Việt Nam cho biết, đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12%, riêng tín dụng chảy vào nông nghiệp nông thôn (NNNT) tăng gần 15%, cao nhất trong các lĩnh vực. Nghị định 116 sửa đổi bổ sung Nghị định 55 về chính sách tín dụng phát triển NNNT chính thức có hiệu lực từ ngày 10/12/2018 sẽ tạo đà cho dòng vốn chảy mạnh hơn vào lĩnh vực này.
Theo ông, đâu là những thay đổi sẽ tạo đột phá đối với tín dụng NNNT?
Với chính sách khá cởi mở tại Nghị định 116, tôi nghĩ rằng sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân tiếp cận vay vốn. Có ba thay đổi lớn tại Nghị định này có thể tạo bước đột phá đối với tín dụng khu vực NNNT. Một là, nâng hạn mức cho vay không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với người ở ngoài vùng nông thôn, còn đối với người ở trong vùng sản xuất nông nghiệp thì được tăng gấp đôi so với hạn mức cũ lên tới 200 triệu đồng. Đây là hạn mức vay tương đối lớn đối với bà con nông dân nhất là vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Với mức tín dụng trên tôi nghĩ rằng sẽ hỗ trợ tích cực nhu cầu vốn cho bà con nông dân để sản xuất kinh doanh mà không cần tiếp cận “vốn đen”.
Hai là, người vay được ngân hàng cơ cấu lại nhiều lần khi gặp khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng do nguyên nhân khách quan bất khả kháng thay vì chỉ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ một lần như quy định trước đây. Sự thay đổi này xuất phát từ thực tế triển khai cho thấy hoạt động sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều rủi ro và có thể liên tiếp xảy ra. Vì vậy, nếu chỉ được cơ cấu lại một lần chưa thực sự tạo điều kiện cho khách hàng khắc phục khó khăn ổn định sản xuất. Do đó, đã sửa đổi, bổ sung quy định không hạn chế số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực trả nợ cho khách hàng. Bởi thời gian cơ cấu lại được hưởng chính sách này phù hợp với chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho khách hàng có thời gian khôi phục sản xuất.
Ba là, khách hàng trong và ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đều có thể được TCTD xem xét cho vay không có TSBĐ tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án. Đây có thể là quy định kỳ vọng tạo bước đột phá đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện các ngân hàng đã cho vay được hơn 40 nghìn tỷ theo chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 của Chính phủ.
Liệu những thay đổi chính sách trên sẽ đẩy lùi nạn tín dụng đen?
Phải khẳng định lại, chống tín dụng đen đòi hỏi nỗ lực của toàn xã hội, nhưng những chính sách cởi mở trên của ngành Ngân hàng sẽ góp phần giảm tín dụng đen.
Theo tôi, điều quan trọng, khi chính sách mới về tín dụng NNNT đi vào cuộc sống sẽ nâng cao trách nhiệm đối với các bên liên quan, tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn. Đối với ngân hàng khi cho người nông dân vay tới 200 triệu đồng không có TSBĐ thế chấp sẽ phải rất trách nhiệm theo dõi sát sao, quản lý dòng tiền đảm bảo an toàn, hiệu quả. Còn người nông dân, khi được đáp ứng đủ nhu cầu vốn phải sử dụng vốn đúng mục đích không được dùng vốn vay ngân hàng kinh doanh lĩnh vực rủi ro. Ngay cả các địa phương, cũng phải có trách nhiệm hơn đối với DN hoạt động tại địa phương.
Trước đây, đối với vấn đề khoanh nợ, Chính phủ sẽ phải chi trả hoàn toàn chi phí trên. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định 116, địa phương phải dùng nguồn ngân sách địa phương để chi trả. Trong trường hợp vượt ngân sách, địa phương trình Trung ương. Do vậy, để giảm nguy cơ phải dùng ngân sách địa phương dùng cho khoanh nợ, chính quyền địa phương phải quan tâm nhiều hơn, xem xét tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tại địa phương thế nào...
Một đối tượng nữa sang năm có cơ hội tiếp cận được nhiều vốn hơn trong thời gian tới đó là DNNVV. Sang năm tới, NHNN sẽ ban hành Thông tư hỗ trợ DNNVV theo Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng làm sao tạo điều DN tiếp cận vốn nhiều hơn, tạo cơ sở pháp lý tốt hơn để các ngân hàng mạnh dạn cho vay vốn đối với đối tượng này, góp phần đẩy lùi tín dụng đen…
Nhiều cơ chế hỗ trợ tín dụng như vậy, sang năm tăng trưởng tín dụng cao hơn năm nay không, thưa ông?
Đến giờ này còn sớm để đưa ra một con số chính xác đối với tăng trưởng tín dụng. Nhưng dù có nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng như vậy, nhưng tôi nghĩ tăng trưởng tín dụng sang năm tới cũng chỉ ở mức 14-15%, phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế cũng như giảm áp lực lạm phát.
Xin cảm ơn ông!