Ngân hàng ô tô di động
Tìm hiểu lợi ích khi sử dụng ứng dụng ngân hàng di động MyVIB | |
Người nghèo sẽ được tiếp cận ngân hàng di động | |
Ngân hàng di động cho người dùng Ipad |
Trong tháng 11 vừa qua, Agribank tiên phong mở ra hình thức ngân hàng lưu động bằng việc thử nghiệm hàng loạt các điểm giao dịch trên xe ô tô chuyên dùng tại các xã: Minh Sơn (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) và Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Mô hình điểm giao dịch lưu động được Agribank thiết kế tương tự như một điểm giao dịch cố định. Theo đó, người dân có thể đến gửi tiết kiệm, tư vấn tín dụng, vay vốn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác giống như giao dịch tại các phòng giao dịch thông thường của Agribank.
Việc mở ra hình thức điểm giao dịch lưu động như kể trên tưởng chừng là một hoạt động nghiệp vụ cơ học và đơn giản. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt những cánh tay nối dài của các NHTM hiện nay thì những “ngân hàng ô tô” theo cách của Agribank lại chính là những giải pháp thiết thực, cụ thể và hữu ích.
Thực tế, từ những năm 2000, khi mà dự án Tài chính nông thôn I, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ được thực hiện tại Việt Nam, mô hình ngân hàng lưu động trên ô tô đã khá thịnh hành. Thời điểm đó, WB đã tài trợ 240 ngân hàng ô tô cho Agribank và BIDV. Mỗi xe ngân hàng lưu động lúc đó có thể di chuyển trung bình đến 62 địa điểm vùng sâu vùng xa mỗi tháng, mở thêm khoảng 2.000 tài khoản tiết kiệm mới với tổng trị giá 19 tỷ đồng, gần 2.000 tài khoản vay tổng trị giá 15 tỷ đồng và thu hơn 10 tỷ đồng tiền trả nợ.
Nhận thấy hiệu quả tích cực của ngân hàng ô tô, năm 2004-2005 Agribank đã chi thêm trên 110 tỷ đồng để mua 300 ô tô chuyên dụng từ Nhật Bản. Số xe này sau đó được đưa đến 29 tỉnh thành phía Bắc từ Nghệ An trở ra nhằm phục vụ cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi - những nơi người dân không có điều kiện tiếp xúc với ngân hàng.
Mặc dù những thống kê cho thấy rằng tính đến đầu năm 2017, toàn hệ thống ngân hàng đã có khoảng 2.800 chi nhánh, gần 7.300 phòng giao dịch, cùng với 1.166 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô trải rộng khắp cả nước, nhưng mật độ bao phủ có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Các TCTD như Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các công ty tài chính tiêu dùng tuy đã mở rộng khá nhiều phòng giao dịch để cung cấp các dịch vụ tài chính ở vùng nông thôn song tỷ lệ đáp ứng nhu cầu vay vốn và sử dụng các sản phẩm dịch vụ mới chỉ ở mức 30-35%.
Theo chủ trương của NHNN hiện nay các hoạt động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện được khuyến khích phát triển với mục tiêu tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Các chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM nếu mở ra tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được cổ vũ, khuyến khích. Tuy nhiên, thực tế do chi phí cao và khả năng kinh doanh kém hiệu quả nên rất ít ngân hàng chịu mở chi nhánh, phòng giao dịch tại các khu vực thưa dân cư và điều kiện kinh tế khó khăn.
Chính vì vậy, trong một chừng mực hữu hạn, việc mở lại mô hình ngân hàng lưu động trên ô tô như cách của Agribank chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho TCTD này. Bởi một mặt, việc di động trên ô tô sẽ khiến cho các chi nhánh ngân hàng tăng khả năng huy động vốn trên một địa bàn rộng và dân cư thưa thớt. Mặt khác các ngân hàng ô tô sẽ là những cánh tay nối dài, giúp các chi nhánh cấp huyện vươn tới các xã nghèo, vùng sâu vùng xa để tiếp cận nhóm khách hàng mà trước nay chỉ có thể vay vốn thông qua các TCTD phi chính thức.