Gỡ vướng cho tín dụng nông nghiệp công nghệ cao
NH đã sớm nhập cuộc
Liên tục có các chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian gần đây xung quanh việc đẩy mạnh cho vay vốn với các dự án sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), trong đó hệ thống NH dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay. Mới đây nhất, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Các bộ phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai gói tín dụng này.
Tài sản đảm bảo của các dự án NNCNC có giá trị rất thấp là trở ngại với NH |
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ về NNCNC, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, bộ đã rà soát các văn bản về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm căn cứ áp dụng các chính sách ưu đãi. Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 về tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.
Đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã cấp giấy chứng nhận cho 25 doanh nghiệp NNCNC. Bộ cũng đang phối hợp chặt chẽ với phía ngành NH để triển khai. Tuy vậy, đại diện ngành Nông nghiệp cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho rà soát các nội dung của luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao; giao Bộ KH&CN đưa quy chuẩn công nghệ cao, quy hoạch khu công nghệ cao… để thuận lợi hơn trong việc triển khai.
Thực tế thời gian qua ngành NH cũng đã cho vay NNCNC theo Nghị định 55/2015/NĐ - CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và theo như Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, thì cho vay NNCNC đã đạt dư nợ hơn 3.700 tỷ đồng, mức lãi suất thấp hơn 0,5-1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường hiện nay.
Các NH cũng đã đăng ký sơ bộ dành nguồn vốn để cho vay NNCNC như NH Bắc Á dành gói tín dụng tới 30.000 tỷ đồng; các NH Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LienVietPostBank… cam kết mỗi NH giải ngân 10.000 tỷ đồng. NHNN tiếp tục chỉ đạo các NH tăng cường cho vay đối với lĩnh vực này và cho vay với lãi suất thấp hơn các dự án thông thường từ 0,5 đến 1%/năm.
Cần rà soát, điều chỉnh để đẩy mạnh cho vay
Tuy vậy, NHNN cũng lưu ý, công nghệ sẽ ngày càng phát triển, nên hệ thống NH phải luôn bám sát DN nông nghiệp để đầu tư cho các dự án ý tưởng sản xuất công nghệ cao, sản phẩm mới sạch, phù hợp theo tiêu thức của công nghệ cao. Về lâu dài, ngành NH sẽ rà soát lại hướng dẫn cho vay theo Nghị định 55 và tính toán có thể điều chỉnh, bổ sung nghị định này phù hợp với cho vay NNCNC.
Theo ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank, cho vay NNCNC cũng đang gặp vướng mắc như công tác quy hoạch các địa phương, vùng tiểu vùng, cây con ngành nghề chưa rõ lắm; quy hoạch còn manh mún, lo ngại phát triển NNCNC mang tính chất tự phát nhiều, không có quy hoạch, trừ một số vùng như Củ Chi, Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, trong sản xuất NNCNC thường có diện tích đất lớn, nhưng ở một số địa phương, đất tính theo giá của UBND các tỉnh quy định ở mức thấp, nên mức cho vay không được cao. Ngoài ra, mặc dù dự án NNCNC có vốn đầu tư cho nhà kính lưới, thiết bị công nghệ cao lớn. Nhưng loại tài sản này có hai đặc điểm cơ bản trong quá trình triển khai là dự án có nhà kính lưới áp dụng cho vay đầu tư 30-40 tỷ đồng nhưng không may gặp rủi ro, toàn bộ tài sản này thanh lý chỉ có thể tính giá như bán sắt vụn…
Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Thái - Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, quan điểm của NH là quyền sử dụng đất thuê một năm không được thế chấp, nhà kính được đầu tư nhưng không được ghi nhận tài sản trên đất nên cũng không thể nhận thế chấp bằng cây rau được… Về cơ bản khách hàng không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) khác, NH khó cho vay, quy định này không chỉ với NNCNC.
Đề cập với vấn đề xử lý rủi ro trong cho vay NNCNC, ông Cát Quang Dương, thành viên HĐQT VietinBank cho rằng, nghị định của Chính phủ quy định chỉ được xử lý rủi ro phần lãi suất nhưng trong nông nghiệp khi gặp rủi ro là mất hết vốn. Vì thế, cần quy định rõ danh mục dự án NNCNC khi tiến hành xử lý rủi ro, trong đó có TSBĐ là sổ đỏ và TSBĐ trên đất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định tầm quan trọng của gói tín dụng cho NNCNC, nông nghiệp sạch để phục vụ chủ trương phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và trong bối cảnh tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang chững lại.
Hiện Chính phủ đã có hành lang pháp lý để thực hiện phát triển NNCNC nhưng để tạo ra khung khổ thống nhất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao NHNN ban hành Quyết định của Thống đốc NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện gói tín dụng này theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước khi sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của NHNN để cho vay lĩnh vực NNCNC đối với những dự án hiệu quả (dự kiến trong quý II/2017).
Theo thẩm quyền, Thống đốc NHNN sẽ xem xét cho NH tham gia chương trình được loại trừ dư nợ cho vay trong lĩnh vực NNCNC, linh hoạt trong quy định dự trữ bắt buộc để có thêm nguồn lực, nếu quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. NHNN chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay NNCNC từ 0,5 - 1,5% so với mặt bằng lãi suất cho vay.
Phía NHNN chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT giám sát định kỳ kết quả chương trình tín dụng cho nông nghiệp nói chung và NNCNC nói riêng. Bộ NN&PTNT khẩn trương tuyên truyền, tập huấn cho các đối tượng đi vay và cho vay theo Quyết định số 738 về tiêu chí xác định công trình, dự án NNCNC; phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ cao; nhanh chóng thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục giao dịch tài sản đảm bảo tại NHTM.
Để hỗ trợ các NH, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp để ban hành trong thời gian sớm nhất, không thể trì hoãn thêm.