Ngành dệt may: Quyết giành lại thị trường nội
Những năm gần đây, hàng dệt may tiêu thụ nội địa tăng trung bình 10% - 15%/năm. Tiêu thụ nội địa hàng dệt may ước đạt trên 85.000 tỷ đồng. Mặc dù phải chống chọi không ngừng với hàng may mặc giá rẻ nhập trôi nổi từ Trung Quốc, Thái Lan và hiện tại là từ Campuchia, song sản phẩm may mặc của DN trong nước vẫn có vị trí nhất định, bởi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Các DN nội chủ động chiếm lĩnh thị trường trong nước |
Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trước đây, các DN chưa chú trọng tới việc nghiên cứu phát triển thị trường nội địa, vì vậy khi tiếp cận người tiêu dùng trong nước, sản phẩm may mặc gần như bị động trong việc sáng tạo thiết kế mẫu mã, chất liệu.
Vì vậy, nhiều phân khúc thị trường còn bỏ trống, tạo điều kiện cho sản phẩm ngoại xâm nhập. Hàng dệt may tiêu thụ trong nước ở phân khúc từ trung bình khá trở lên, thường là hàng có chất lượng tốt, còn thấp hơn là hàng được sản xuất từ các hộ gia đình, nhưng cũng theo tiêu chuẩn của DN hay tiểu thương ở chợ đặt hàng. Còn với phân khúc cao cấp, nhiều DN đã có dây chuyền sản xuất hiện đại, bộ phận thiết kế riêng và mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị phần.
Ở phân khúc này, hàng của một số DN mạnh trong nước như May 10, May Việt Tiến, Thái Tuấn, Dệt Kim Đồng Xuân, An Phước... gần như không có đối thủ. Hơn thế, nhìn vào các dòng sản phẩm may mặc cao cấp như Grusz của May 10, Merriman của Hòa Thọ, Mattana của Nhà Bè… có thể thấy DN đã khẳng định được thương hiệu và sự bứt phá trong việc tạo ra xu hướng mới của thị trường.
Tại thị trường bán lẻ lớn nhất cả nước như TP. Hồ Chí Minh, ngành thời trang mặc dù đang chịu áp lực sụt giảm sức mua, nhưng phần lớn cửa hàng thời trang được đầu tư hoàn chỉnh đều là của DN trong nước. Thực tế cho thấy, hàng may mặc Việt hiện nay đã có sự điều chỉnh phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Mọi đối tượng người mua trong nước đều được quan tâm đúng mức, và có dòng sản phẩm phù hợp riêng cho mình.
Ngoài ra, DN nội còn hướng đến sản phẩm dệt may dành cho gia đình là đồ dùng phòng ngủ (chăn, drap, gối…), đồ dùng nhà bếp… Tại nhiều hội chợ ngành dệt may, không chỉ DN lớn tự tin quảng bá sản phẩm, mà nhiều DN nhỏ, phát triển từ hộ sản xuất gia đình cũng đã tham gia với các sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng theo những xu hướng thời trang hiện đại.
Nhìn vào mức chi tiêu của người Việt Nam 10 năm trở lại đây, thấy đã có sự gia tăng đáng kể. Những người có thu nhập cao ngày càng nhiều, giới trẻ đi học tập, làm việc ở các nước khu vực và thế giới đông hơn. Điều này đang góp phần tạo ra nhu cầu mới về hàng dệt may.
Từ đây, nhiều DN ngành may đã bắt đầu hướng đến một ngành công nghiệp thời trang hơn là may và bán quần áo. Cụ thể, họ đã chọn mua nhiều bộ sưu tập mới nhất của những nhà thiết kế trẻ, mới nổi trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…) để sản xuất ra dòng sản phẩm thời trang hợp xu hướng, theo mùa.
Sản phẩm này không bán đại trà, mà chọn lọc, giới thiệu bằng các show trình diễn thời trang, để nâng tầm hàng may mặc lên cao như Dệt Gia Định hay Sài Gòn 2 từng thực hiện. Trong nước là nơi tiêu thụ sản phẩm với giá trị gia tăng lớn hơn so với thị trường nước ngoài. Và đó cũng chính là cơ hội cho các DN dệt may.