Ngành điện tử tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Thay đổi tư duy là tất yếu
Kích thích dòng tiền tài trợ chuỗi cung ứng | |
Để doanh nghiệp tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu |
Trong những năm gần đây, với tiềm năng rất lớn cùng những chính sách thuận lợi về thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã đến đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, nhất là trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam. Trong 10 tháng năm 2018, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 27,9 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Tỷ lệ nội địa hóa của các DN điện tử nội còn rất nhỏ |
Nhiều tập đoàn lớn về điện tử đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam như Panasonic, Samsung, Nokia, LG... Đây cũng chính là cơ hội để các DN Việt Nam đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử. Sự hợp tác với các DN lớn giúp các DNNVV trong nước nhanh chóng nâng cao năng lực, tham gia mạnh mẽ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Các DN FDI kết nối với DN Việt Nam, hỗ trợ thiết thực về giải pháp công nghệ, quản trị DN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, ngày càng có nhiều DN Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Để trở thành một mắt xích trong đó, các DNNVV đã và đang đổi mới công nghệ cũng như quản lý để đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn. Tuy nhiên do các DNNVV Việt Nam còn hạn chế về vốn, công nghệ nên mới chỉ một số nhỏ đáp ứng được tiêu chuẩn. Mô hình chuỗi giá trị của Tập đoàn Samsung là một minh chứng.
Để tận dụng lao động giá rẻ và các DN bản địa, Samsung tích cực mở rộng hợp tác với các DN tại Việt Nam để sản xuất và cung ứng các sản phẩm hỗ trợ. Tính đến nay đã có 200 nhà cung ứng linh, phụ kiện tại Việt Nam. Tuy nhiên trong số đó chỉ có chỉ có 29 DN Việt Nam, còn lại vẫn thuộc về các DN FDI.
TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, từ kinh nghiệm hợp tác thành công này có thể khẳng định rằng, DN Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nếu tự tin và chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội để thiết lập quan hệ hợp tác tin cậy với tập đoàn đa quốc gia đang kinh doanh tại Việt Nam; Coi đổi mới, sáng tạo là định hướng lớn để đầu tư vào công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trình độ cao theo lộ trình thích hợp.
Trên thực tế, tỷ lệ nội địa hóa của các DN điện tử Việt Nam hiện vẫn còn thấp, mới chỉ ở khoảng 5-10%, chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Ông Jun Yanagi - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 1.600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó hoạt động trong khu vực sản xuất, nhưng tỷ lệ các linh kiện nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản mua từ các DN Việt Nam rất thấp.
Thời gian tới khi mà Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN được áp dụng hoàn toàn với việc hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà chế tạo từ các nước láng giềng cung cấp sản phẩm với giá thành thấp hơn.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), hiện nay Việt Nam mới chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng cho DN FDI nhưng chủ yếu là phụ tùng thay thế chứ chưa sản xuất được sản phẩm chính. Trong số đó, chỉ có 2% là DN lớn. Đặc thù của các sản phẩm linh kiện, phụ tùng ngành điện tử là cần công nghệ cao, trong khi đó, DN điện tử Việt Nam còn yếu về năng lực sản xuất, trình độ công nghệ. Vì thế, các DN công nghiệp hỗ trợ nội địa phải nỗ lực và cố gắng đổi mới về quản lý cũng như công nghệ sản xuất.
Ông Nguyễn Mại khẳng định, DN không có con đường nào khác là phải đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, xây dựng chiến lược kinh doanh, thương hiệu và tích tụ vốn để tăng năng lực sản xuất, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Với xu hướng hội nhập, đòi hỏi phải đổi mới tư duy mạnh mẽ để có cách tiếp cận đúng.
Bên cạnh đó, các DN cũng cần có sự hỗ trợ về các cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho các DN hỗ trợ phát triển; tạo điều kiện cho các DN ngành điện tử Việt Nam tăng cường liên kết với các Tập đoàn đa quốc gia. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.