Ngành thép: Nỗ lực cạnh tranh trên sân nhà
Ảnh minh họa |
Có thể nói, sự ấm dần của thị trường BĐS và sự hồi phục của hoạt động xây dựng khiến cho thị trường vật liệu xây dựng tăng trưởng, tạo đà cho ngành thép đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình bán hàng trong quý I/2015 đã có sự tăng trưởng mạnh.
Quý I/2015, các DN thép thuộc VSA sản xuất đạt 1.272.557 tấn, tăng 17,7% so với quý I/2014. Tổng lượng thép tiêu thụ trong nước đạt 2,5 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng chiếm hơn một nửa, đạt 1.293.792 tấn, tăng 10,5% so với quý I/2014.
Riêng trong tháng 3, thép xây dựng tiêu thụ đạt 651.633 tấn, tăng hơn 160% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ 2014. Đây được cho là mức tiêu thụ cao nhất từ trước tới nay, tính trong một tháng. Theo đại diện VSA, sở dĩ lượng thép tiêu thụ trong nước tăng trưởng khá thời gian qua là do tình hình kinh tế vĩ mô ổn định cùng với thị trường BĐS có sự khởi sắc.
Mặc dù sản lượng thép tiêu thụ trong đà tăng khá nhưng theo VSA, các DN thép trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn như ảnh hưởng từ việc các FTA song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết với các nước. Ngay đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa Asean giai đoạn 2015-2018.
Theo đó, thuế suất nhập khẩu một số sản phẩm thép, quặng sắt, hợp kim... giảm xuống còn 0%. Bên cạnh đó, việc một số FTA Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán với một số nước có thị trường thép lớn với biểu thuế thấp sẽ khiến DN trong nước khó cạnh tranh.
Thực tế cho thấy, các FTA đã mở đường cho thép ngoại tràn vào thị trường trong nước. Theo Tổng cục Thống kê, lượng sắt thép nhập khẩu năm 2014 lên tới gần 11,5 triệu tấn, tăng 21,5% so với năm 2013, đạt kim ngạch 7,6 tỷ USD, chủ yếu đến từ Nga và Trung Quốc. Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong quý I/2015, lượng sắt thép các loại nhập khẩu là 2,88 triệu tấn, trị giá là 1,72 tỷ USD, tăng 30,7% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.
Tính riêng trong tháng 3/2015, lượng nhập khẩu sắt thép là 1,11 triệu tấn, trị giá 636 triệu USD, tăng mạnh 49,9% về lượng và tăng 42% về trị giá so với tháng trước. Nguồn nhập khẩu sắt thép của Việt Nam trong quý I/2015 chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Theo các chuyên gia ngành thép, các DN thép trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt nguồn thép giá rẻ từ một số nước, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc đang là nước sản xuất thép và xuất khẩu lớn nhất. Năm 2014 Trung Quốc đã xuất khẩu ra toàn thế giới tới gần 94 triệu tấn, trong đó xuất khẩu sang các nước ASEAN 23,9 triệu tấn sản phẩm thép các loại. Việt Nam cũng là một trong những thị trường nhập khẩu thép lớn của Trung Quốc.
Những năm qua, thép hợp kim của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước ASEAN được hoàn thuế về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh của thép Trung Quốc ở các nước ASEAN. Trong quý I/2015, nguồn nhập khẩu sắt thép của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 1,7 triệu tấn, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014. Việc nhập khẩu ồ ạt thép hợp kim giá rẻ chứa nguyên tố Bo từ thị trường Trung Quốc khiến các DN thép trong nước lao đao.
Do có mức giá rẻ nên thép nhập khẩu được tiêu thụ khá mạnh. Chính điều này là nguyên nhân mức tiêu thụ thép của các DN trong nước giảm. Không chỉ Trung Quốc, khả năng thép Nga tăng lượng nhập vào Việt Nam cũng rất dễ xảy ra khi nước này có lợi thế từ FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan Nga – Belarus - Kazakshtan.
Theo lãnh đạo VSA, trước những bất lợi về cạnh tranh, các DN sản xuất thép trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa để cạnh tranh ngay trên sân nhà. Để làm được như vậy, họ phải có những chiến lược cụ thể, xây dựng thương hiệu cũng như giảm chi phí tối đa đầu vào để giảm giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, các DN cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho. Các DN ngành thép cũng cho rằng, Bộ Công Thương và các ban, ngành liên quan cần vào cuộc có biện pháp giải quyết nhanh chóng, tránh tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.
Trong những tháng đầu năm, việc xuất khẩu của các DN còn đứng ở mức thấp. Tổng số thép xuất khẩu quý I/2015 mới đạt 92.000 tấn, tăng 11% so với quý I/2014 và đạt khoảng 8% so với tổng sản lượng thép tiêu thụ. |