Nghị quyết xử lý nợ xấu có hiệu lực: NH chủ động phối hợp thi hành án
Đảm bảo hoạt động ngân hàng trật tự có kỷ cương | |
Khẩn trương quán triệt, triển khai Nghị quyết xử lý nợ xấu | |
Nghị quyết Xử lý nợ xấu: Giải tỏa ách tắc dòng chảy vốn |
Đây là thực trạng thi hành án trong 6 tháng đầu năm 2017 được bà Phạm Thị Thanh Loan, Phó cục trưởng Cục Thi hành án TP.HCM đưa ra trong buổi tổng kết công tác thi hành án phối hợp với NH cuối tuần qua.
Tài sản bán không được
Theo số liệu của Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, đến cuối tháng 6/2017 mới chỉ thu hồi được gần 2.600 tỷ đồng trong tổng số tiền cần thi hành án trong lĩnh vực NH là hơn 29,3 ngàn tỷ đồng. Số vụ thi hành án liên quan đến NH chỉ chiếm 3,55% nhưng số tiền riêng lĩnh vực NH chiếm quá nửa trong tổng số tiền cần thi hành án ở TP.HCM. Con số tuyệt đối trong 6 tháng đầu năm 2017 thi hành án TP.HCM mới giải quyết xong 43 vụ liên quan đến tín dụng NH, trong khi cùng kỳ năm 2016 là 20 vụ.
Một số điều khoản trong Nghị quyết xử lý nợ xấu sẽ giúp các NHTM thu hồi nợ xấu nhanh hơn mà không cần qua tòa án và thi hành án |
Một đại diện ACB cho biết: NH khởi kiện khách hàng chây ì không chịu trả nợ vốn vay, tòa có thẩm quyền tuyên ACB được phép thu hồi tài sản đảm bảo nợ vay, nhưng do chấp hành viên của Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM ủy thác vụ việc về chi cục quận không phù hợp với nội dung yêu cầu thu hồi nợ của ACB về số nợ gốc, nên hiện ACB đang phải thực hiện thủ tục khiếu nại quyết định ủy thác của cơ quan thi hành án.
Liên quan đến khâu thi hành án, đại diện ACB còn cho biết, họ đang cầm trong tay một bản án chờ thi hành án để thu hồi vốn nhưng hơn hai năm qua Chi cục Thi hành án (Q. Tân Phú) vẫn chưa thực hiện thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản. Trong một vụ việc khác, ACB phản ứng cơ quan thi hành án ở TP.HCM dừng việc bán đấu giá (14/4) vừa qua liên quan đến NH, chỉ vì chấp hành viên muốn kiểm tra hồ sơ thi hành án, nhằm xác minh quy hoạch tài sản đang thế chấp là chưa phù hợp quy định pháp luật.
Rất nhiều thủ tục cản đường thi hành án liên quan đến tín dụng NH, như không thể phát mãi tài sản do chủ tài sản (huyện Hóc Môn) sử dụng vốn vay (Indovina Bank) xây dựng phòng trọ không phép. Thêm việc con nợ bán giấy tay cho nhiều người, nên thi hành án phải chờ tòa án xét xử vụ việc bán giấy tay xong mới tiến hành phát mãi cho NH thu hồi vốn.
Hoặc NH Bưu điện Liên Việt (LienViet Post Bank) có tài sản thế chấp là một căn nhà (Q. Phú Nhuận) đã bốn lần bán nhưng đến nay phải ngưng do thiếu thủ tục đo vẽ trong khi NH đã đóng tiền đo vẽ và thi hành án. LienViet Post Bank còn có một vụ việc (Q.1) hai năm nay chưa phát mãi tài sản đảm bảo nợ vay dù đã có bản án của tòa có thẩm quyền. Gần đây mới được chấp hành viên thông báo có kết quả thẩm định giá tài sản này trị giá 21 tỷ đồng và chuẩn bị thuê tổ chức bán đấu giá.
ACB… đã có quyết định cưỡng chế của chi cục thi hành án quận, huyện ở TP.HCM để NH bàn giao tài sản đảm bảo nợ vay đã được tòa xử thu hồi nợ cho NH nhưng vẫn không giao được tài sản làm người trúng thầu đấu giá chán ngán bỏ đi.
Kỳ vọng thi hành án nhanh gọn
Nguyên do các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng NH trong nửa đầu năm nay chậm được đại diện Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM lý giải do các chi cục thi hành án tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng liên quan đến tài sản đang thế chấp tại NH, dù khách hàng đã thỏa thuận bàn giao tài sản để cấn trừ nợ NH như những vụ việc liên quan đến một khách hàng của DongA Bank. Theo bà Phạm Thị Thanh Loan, tình trạng khách hàng của NH không hợp tác lệnh triệu tập của cơ quan thi hành án để được thực hiện thủ tục tự nguyện thi hành án cũng làm kéo dài công tác thi hành án.
Ngoài ra, những khó khăn về đấu giá tài sản vẫn tồn tại trong trường hợp liên quan đến người thứ ba hoặc chủ tài sản không hợp tác trong việc bàn giao tài sản cho người mua. Chưa kể hoạt động cưỡng chế giao tài sản cho NH thường được làm trong thời gian dài nên phát sinh nhiều chi phí NH phải chịu như chi phí cưỡng chế, chi phí thuê nhà cho chấp hành viên đi thi hành án cho NH. Không chỉ tốn kém chi phí mà kéo theo hệ lụy rất lớn là tiến độ xử lý nợ xấu chậm gây ảnh hưởng đến dòng chảy tín dụng vào nền kinh tế.
Theo các NHTM, các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng từ lúc có quyết định thi hành đến lúc xử lý thông thường mất hơn 2 năm, nhưng vẫn chưa thể xử lý được tài sản và thu hồi số tiền vốn vay của NH. Việc thi hành án chậm các bản án có hiệu lực của tòa cũng là một yếu tố cho con nợ chây ì, coi thường bản án của tòa.
Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, công tác phối hợp NH với thi hành án gần đây là một trong những hệ thống giải pháp để xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo nợ vay cho các TCTD theo Đề án xử lý nợ xấu của Chính phủ và NHTW. Theo phản ánh của các TCTD trong hai năm qua thi hành án ở TP.HCM đã có những thuận lợi hơn so với một số địa phương khác. Đặc biệt, các TCTD đã chủ động phối hợp với các chi cục thi hành án quận, huyện TP.HCM để giải quyết hồ sơ thúc đẩy tiến độ thi hành án. “Tôi tin rằng sau khi Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội chính thức có hiệu lực (15/8) những khó khăn sẽ được cải thiện, kỷ luật thị trường sẽ tốt hơn, trách nhiệm người trả nợ cũng cao hơn”, ông Cường nói.
Ông Hồ Quân Chính, Phó phòng Nghiệp vụ 1, Cục Thi hành án TP.HCM cho biết, Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội đi vào thực thi sẽ tháo gỡ được rất nhiều những vướng mắc trong hoạt động chuyển giao tài sản đảm bảo nợ vay của khách hàng cho NH khi khoản nợ đã quá hạn. Trong đó, điểm quy trình rút gọn của tòa án (trước đây chỉ các vụ dưới 500 triệu đồng) trong xét xử các án trong lĩnh vực NH sẽ giúp cho thi hành án giảm bớt công việc, như kê biên tài sản thế chấp nợ vay mất rất nhiều thời gian… từ đó thúc đẩy việc thu hồi vốn vay cho NH nhanh hơn. |