Nhà băng lại tích cực chiêu mộ nhân tài
Maritime Bank có kế hoạch lên sàn và tuyển thêm 2.000 nhân sự | |
Nóng chuyện nhân sự chủ chốt tại các ngân hàng mùa ĐHCĐ | |
Nhân sự ngân hàng: Hứa hẹn làn gió mới |
Hàng loạt NH như Vietcombank, VietinBank, VIB, VPBank, Sacombank, ACB, HDBank... đã đăng tin tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí của năm 2018. Trong tháng 3/2018, VietinBank đăng tin tuyển dụng gần 900 chỉ tiêu cho 120 chi nhánh. Ngay sau đó, vào tháng 4/2018, NH này tiếp tục triển khai tuyển dụng bổ sung với gần 200 chỉ tiêu tại hơn 20 chi nhánh. Hay như Maritime Bank đặt kế hoạch tuyển thêm gần 2.000 nhân sự trong năm nay, tăng 40% số lượng nhân sự hiện nay.
Từ nay tới hết tháng 7/2018, OCB cũng thông báo tuyển gấp nhiều vị trí nhân sự toàn hệ thống. Tính đến hết quý I/2018, tổng số cán bộ nhân viên của NH này là 5.392 người, tăng 544 người so với cuối năm 2017. Trong tháng 6/2018, ACB thông báo tuyển 900 vị trí kinh doanh, chăm sóc khách hàng, vận hành... Còn riêng trong tháng 5/2018, Sacombank triển khai tuyển dụng gần 700 nhân sự làm việc tại hội sở, chi nhánh và phòng giao dịch toàn quốc. Ngay từ đầu năm 2018, Nam A Bank mạnh tay tuyển dụng hơn 1.000 nhân sự cho năm 2018...
Trong giai đoạn mà công nghệ dẫn dắt, nhân sự chất lượng cao là đòi hỏi bức thiết của NH |
Theo Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN), nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các NH trong năm 2018 là rất lớn. Cùng với việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm 2018, báo cáo kết quả điều tra cho thấy có tới 52,1% TCTD lên kế hoạch tuyển dụng thêm lao động ngay trong quý I/2018 và có tới 68,7% TCTD dự kiến sẽ tăng số lao động trong cả năm 2018. Không phải chỉ ở thời điểm này, nhu cầu nhân sự của ngành Ngân hàng đã tăng lên từ năm 2017. Đơn cử, chỉ trong năm 2017 nhân sự của NH này đã tăng thêm gần 6.500 người, nâng tổng số cán bộ, nhân viên lên tới 23.879 người. Hay như HDBank năm qua cũng tăng thêm 2.600 nhân sự, nâng tổng số lên 13.728 người...
Với tình hình kinh doanh khởi sắc, triển vọng tăng trưởng lạc quan, theo chuyên gia việc các NH mạnh tay tuyển dụng nhân sự nhằm chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng kinh doanh là điều dễ hiểu.
Trao đổi thêm với một chuyên gia tài chính - ngân hàng, vị này cũng đồng tình kết quả tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng tài sản của các NH khiến nhu cầu tuyển dụng nhiều hơn, nhất là trong vị trí lãnh đạo. Song chuyên gia này cũng nhìn nhận, vấn đề ở đây là tăng trưởng đó có thực sự thực chất hay không. Điều này ảnh hưởng tới rủi ro vận hành của mỗi nhà băng. “Tăng trưởng thực chất thì tuyển dụng thêm nhân sự là điều cần thiết, không những với cấp lãnh đạo mà cả cán bộ, nhân viên NH. Song nếu NH ham tuyển thêm người, đến khi thị trường đảo chiều thì nhân sự sẽ trở thành lãng phí”, chuyên gia này chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn mà công nghệ dẫn dắt, nhân sự chất lượng cao càng là đòi hỏi bức thiết của nhà băng. NH mong muốn có những cán bộ quản lý cấp cao, thông thạo, chuyên nghiệp về công nghệ. Lãnh đạo một NHTMCP cũng cho hay, các NH hiện tại đang có phong trào tuyển dụng chuyên gia về công nghệ thông tin trong vị trí lãnh đạo, có thể lấy ngay từ các NH khác để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, thực tế là việc đẩy mạnh công nghệ thông tin ở các NH Việt Nam không đồng nghĩa với nhân sự sẽ được cắt giảm. Với nhiều quốc gia khác trên thế giới, khi công nghệ càng được ứng dụng nhiều thì các dịch vụ được phân phối cho khách hàng trên nền tảng công nghệ sẽ càng chiếm ưu thế. Nhưng Việt Nam vẫn còn đang ở trong giai đoạn một thị trường phát triển, công nghệ chưa thể áp đảo sức lao động của con người.
Các nhà băng tại Việt Nam vẫn muốn phủ sóng rộng hơn mạng lưới của mình thông qua việc mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch. Chỉ riêng việc mở thêm phòng giao dịch, đồng nghĩa với việc phải tuyển thêm nhân sự tiếp xúc, giao dịch với khách hàng. Một chuyên gia tài chính nhận thấy, NH “tuyển thì vẫn tuyển, mà thiếu thì vẫn thiếu”. Quy trình phục vụ, sản phẩm vẫn chủ yếu dựa trên sức người, chỉ riêng mặt này cũng khiến các NH luôn luôn phải tuyển dụng thêm nhân sự. Đặc biệt nhiều trường hợp cán bộ NH không có nhiều kinh nghiệm, đào tạo hạn chế nên dù số lượng nhiều nhưng năng lực vẫn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao. Dưới áp lực về doanh số, nhân viên NH cũng phải đối diện với những rủi ro về nghiệp vụ hàng ngày, chưa kể tới có trường hợp không đáp ứng được yếu tố đạo đức, dẫn tới việc nhà băng luôn có nhu cầu tuyển thêm người.
Có một thực tế là năm 2017 nhiều nhà băng tuyển nhiều, nhưng nhân viên nghỉ việc cũng không ít, và dĩ nhiên NH sẽ phải tuyển thêm để bù lấp chỗ trống. Báo cáo thường niên của VIB cho thấy năm 2017 NH này tuyển dụng hơn 2.000 nhân sự mới thay thế. Nhưng tới cuối năm, số lượng nhân viên tăng thêm so với đầu năm chỉ khoảng 800 người, có nghĩa khoảng 1.200 người nghỉ việc. Hay như trường hợp Techcombank năm 2017 cũng tuyển mới gần 2.000 nhân sự nhưng cuối năm số lượng nhân viên chỉ là 8.249 người, chỉ tăng khoảng 900 người so với đầu năm.
Một điểm nữa cũng trở thành nguyên nhân khiến các NH tiếp tục tuyển thêm nhân sự, đó là khi các NH đặt mục tiêu bán lẻ là chiến lược kinh doanh. Bán lẻ tất yếu đòi hỏi phải có số lao động tương xứng. Những ứng dụng trên smartphone hay internet có thể làm hồ sơ vay, gửi tiền... vẫn đang ở bước đầu. Nền kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế tiền mặt, một bộ phận không nhỏ người dân chưa sử dụng thành thạo, tiếp cận được công nghệ nên tuyển dụng nhân viên với các NH vẫn còn cao.
Song ở khía cạnh khác, điều này có thể xung khắc về mặt quản lý. Khi đẩy mạnh bán lẻ, NH tại nhiều quốc gia có ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ thì số phòng giao dịch, cán bộ, nhân viên sẽ giảm đi, thay vào đó là các ứng dụng, sản phẩm trên được cung cấp trên nền tảng công nghệ số. “Nâng cao chiến lược bán lẻ, đáng lẽ phải tiết giảm được lao động đi, thì ở Việt Nam lao động lại tăng lên để đáp ứng nhu cầu”, một chuyên gia bày tỏ.