Nóng chuyện nhân sự chủ chốt tại các ngân hàng mùa ĐHCĐ
Nhân sự ngân hàng: Hứa hẹn làn gió mới | |
Nhân sự ngân hàng 2018: Thách thức chất lượng cao | |
Nhân sự ngân hàng sôi động trở lại |
Từ ghế chủ tịch...
Được đồn đoán từ cuối năm 2017 và bản thân ông Đỗ Minh Phú, khi đó đang là chủ Chủ tịch của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI kiêm Chủ tịch TPBank, cũng chia sẻ với báo chí là sẽ chọn ngồi "ghế nóng" của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Kết quả diễn ra đúng như vậy khi cuối tháng 4 vừa qua, ĐHCĐ của TPBank bầu HĐQT nhiệm kỳ mới 2018-2023, ông Đỗ Minh Phú đã thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI để "toàn tâm toàn ý" giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT TPBank.
Ông Đỗ Minh Phú đã thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI để "toàn tâm toàn ý" cho TPBank |
Tương tự như vậy, với việc đang nắm giữ vị trí chủ chốt ở cả ngân hàng và doanh nghiệp thì ông Dương Công Minh đã chọn từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty là Công ty cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần dụng cụ thể thao Bảo Long, Công ty cổ phần Phát triển Xín Mần, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt để làm Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Một trường hợp nữa là ông Đỗ Quang Hiển rời Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T làm Chủ tịch HĐQT SHB.
Tuy nhiên với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vị Chủ tịch của ngân hàng này lại nhường "ghế nóng" ngân hàng cho cấp phó của mình để chọn doanh nghiệp. Theo đó, ông Vũ Văn Tiền dù có tên trúng cử nhiệm kỳ mới 2018-2022 lại không làm chủ tịch HĐQT của ngân hàng này. Thay vào đó, ông Đào Mạnh Kháng, Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước, được bầu làm Chủ tịch.
Bởi ngoài làm lãnh đạo ở ABBank, ông Vũ Văn Tiền còn nắm giữ vị trí lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác, trong đó đáng chú ý là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco. Ông Tiền cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xi Măng Thăng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy An Hòa.
Một người khác cũng chọn con đường như ông Vũ Văn Tiền là ông Võ Quốc Thắng khi ông này đã rời ghế Chủ tịch HĐQT Kienlongbank để giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group.
Việc hàng loạt Chủ tịch HĐQT phải đưa ra quyết định chọn tiếp tục cống hiến cho ngân hàng hay doanh nghiệp là do các quy định tại một số điều khoản của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.
Chia sẻ với báo giới, ông Đỗ Minh Phú và ông Vũ Văn Tiền cũng khẳng định điều này. Bởi theo khoản 3 Điều 34 Luật các TCTD sửa đổi quy định: Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của TCTD khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Còn tại khoản 4 Điều 34 Luật các TCTD sửa đổi quy định: Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
... Đến ban điều hành
Ở cấp điều hàng của ngân hàng ghế cũng nóng không kém chủ tịch. Đơn cử như tại ABBANK, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Dương Thị Mai Hoa về làm Tổng giám đốc ABBank thay ông Nguyễn Mạnh Quân, người vừa mới được bổ nhiệm vào vị trí này chưa đầy 5 tháng trước.
Bà Dương Thị Mai Hoa cũng không xa lạ gì với giới ngân hàng khi từng giữ các chức vụ chủ chốt tại nhiều ngân hàng như Tổng giám đốc VIB (2011-2012), Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Bán lẻ VIB (2009 -2011).
Một ngân hàng khác là Kienlongbank cũng có sự thay đổi vị trí CEO khi bà Trần Tuấn Anh - Phó tổng Giám đốc giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc ngân hàng này thay thế ông Võ Văn Châu vừa mới lên làm Phó chủ tịch HĐQT.
Trong khi đó, Nam A Bank cũng bổ nhiệm chức danh quyền Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Tâm - Phó tổng giám đốc sau khi có quyết định chấp thuận từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của Bà Lương Thị Cẩm Tú theo nguyện vọng cá nhân.
Trước đó, SeABank công bố thông tin là ông Nguyễn Cảnh Vinh thôi chức Tổng giám đốc vì lý do cá nhân sau hơn 4 tháng đảm nhận ghế nóng. Việc điều hành được giao lại cho ông Lê Văn Tần – Phó tổng giám đốc SeABank. Nhưng chỉ ít ngày sau, ông Nguyễn Cảnh Vinh đã là người của EximBank với chức Phó tổng giám đốc thường trực của ngân hàng này.
Theo một chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc ghế nóng của các ngân hàng khá sôi động thời gian qua một mặt do sức ép và các quy định của Luật các TCTD. Cũng phải nhìn lại, dù Luật các TCTD có hiệu lực nhưng nếu lãnh đạo đang giữ các chức vụ chủ tịch, tổng giám đốc kiêm nhiệm thì Luật cho phép hết nhiệm kỳ mới thay đổi. Song có thể do việc Chính phủ, NHNN đang thúc đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2016-2020, cộng với dịp ĐHCĐ diễn ra nên các nhà băng muốn ổn định tổ chức luôn, để bắt tay vào hoạch định kế hoạch kinh doanh vốn đang khá gay gắt.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, áp lực kinh doanh, áp lực lợi nhuận và chia cổ tức... cũng có thể là nguyên nhân khiến lãnh đạo cấp điều hành của nhiều ngân hàng rời ghế nóng chỉ mấy tháng cầm cương.