Nhận diện “khoảng tối” cổ phần hoá DNNN
Bộ Tài chính hướng dẫn tái cơ cấu DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa | |
Cổ phần hóa tránh 'dục tốc bất đạt' | |
Phải đề cao chất lượng cổ phần hóa là Nhà nước có lợi nhiều nhất |
Bối cảnh hội nhập mạnh mẽ cùng với những hạn chế trong tăng trưởng đã đặt ra yêu cầu cấp bách về xem xét lại cơ cấu và thể chế của nền kinh tế để thiết lập động lực mới. Trong đó khu vực DNNN là một trong ba động lực quan trọng, hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho tăng trưởng. Tuy nhiên, động lực này chỉ vận hành hiệu quả khi quá trình tái cơ cấu khu vực DNNN được tiến hành thực chất hơn. Vấn đề này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, tổ chức sáng ngày 6/11 tại Hà Nội.
Định giá tài sản DN là một nút thắt đối với CPH |
Chậm thay đổi cả lượng và chất
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, số lượng DNNN giảm dần, từ hơn 12.000 DN vào đầu những năm 90 đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 DN vào năm 2001 và đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 DN 100% vốn nhà nước, hiện diện trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN. Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, chúng ta chưa thể hài lòng với những kết quả đã đạt được, bởi hiệu quả hoạt động của DNNN so với DN thuộc các thành phần kinh tế khác vẫn luôn luôn là một chủ đề được quan tâm.
Theo đó, các DN 100% vốn nhà nước đang được giao quản lý và sử dụng khối lượng tài sản rất lớn, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Đồng thời, kết quả sắp xếp, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN còn chậm, chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, CPH, thoái vốn vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN, trong đó tâm điểm đang dồn vào các tập đoàn lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và các tổng công ty của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Cũng lo ngại, tình hình CPH DNNN diễn ra rất chậm trong vài năm trở lại đây, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) dẫn chứng, năm 2016 theo kế hoạch sẽ CPH 66 DN (trong đó có 15 DN CPH cùng công ty mẹ, 35 DN độc lập); tuy nhiên, 18/35 DN không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những DN bán được rất ít như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai…
Đến năm 2017, 69 DN được phê duyệt phương án CPH, nhưng chỉ có 48 DN báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và trong số này có 7 DN không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra. Trong đó có những DN bán được rất ít so với số cổ phần bán đấu giá công khai như Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3); Tổng công ty Sông Đà.
Còn trong năm 2018, tính đến tháng 10 vừa qua mới có 10% DN có kế hoạch CPH.
“Mặc dù kết quả gần đây cho thấy, DN bán vốn đều được giá trị cao hơn, tức là đã có sự thay đổi về chất. Tuy nhiên các DN chưa mời được cổ đông lớn, có tiềm lực tham gia. Có trường hợp đáng tiếc như GENCO 3, họ kinh doanh khá tốt nhưng cách làm không chuẩn”, ông Tiến tiếc nuối cho biết.
Đập tan các “khoảng tối”
Ông Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam lo ngại, nhìn chung quá trình CPH DNNN không chỉ chậm về tiến độ, mà việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo tài chính hoạt động… cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, còn hơn 500 DNNN đã CPH chưa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định.
Sau hơn 20 năm thực hiện CPH, thoái vốn DNNN, tính đến 31/12/2017, cả nước mới chỉ phê duyệt phương án CPH của 32 đơn vị sự nghiệp công lập và tỷ lệ thoái vốn nhà nước mới đạt khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại DN. Hơn nữa, ước hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu ngân sách nhà nước từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; vẫn còn tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà DNNN nắm giữ khi CPH.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của công tác CPH DNNN chính là việc xác định giá trị của đất đai tồn tại nhiều “khoảng tối”, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý, có nhiều trường hợp giá trị của đất đai không đưa vào ngân sách nhà nước mà bị chia đi chỗ khác. Theo ông, DNNN khi CPH phải tính toán, sắp xếp lại đất đai phục vụ cho sản xuất kinh doanh, còn dôi dư thì chuyển lại cho địa phương quản lý theo đúng quy định. Cho nên việc xác định đúng giá trị theo cơ chế thị trường và công khai minh bạch trong sắp xếp đất đai trước và trong thực hiện CPH là rất hệ trọng, có như vậy mới không gây thất thoát tài sản của Nhà nước và không để xảy ra những vụ việc tham nhũng phức tạp như trong thời gian qua.
“Đất đai là vấn đề đại sự, sắp tới Quốc hội nên xem xét lại quy định về chuyển quyền sử dụng đất theo mục đích cho linh hoạt. Chúng ta nên quy hoạch lại để sử dụng đất đai cho hợp lý, nhất là trong điều kiện đi dần vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vòng đời sản phẩm cũng như chu kỳ kinh doanh rút ngắn lại rất nhiều, DN không thể kinh doanh mãi một loại sản phẩm, dịch vụ, nếu quy định cứng quá sẽ gây khó khăn cho các DN, làm cho DN không thể chủ động, linh hoạt trong phát triển các ngành nghề mới”, ông Hồ khuyến nghị.
Ngược lại, theo các chuyên gia, khi đã tách đất đai ra khỏi tài sản của DN, việc định giá trị tài sản khác của DN cần tính tới một vấn đề là trong điều kiện hiện nay, nhiều DN có giá trị thực trên thị trường thấp hơn nhiều giá trị trên sổ sách. Do đó để CPH không quá khó khăn về khía cạnh này, cần có thái độ mềm mỏng, không nên tự định giá cao quá mà khó bán.