Nhân lực sẵn sàng cho vận hội mới
Agribank Thanh Hóa: Giá trị một thương hiệu dẫn đầu | |
Agribank Bến Tre: Góp phần phát triển kinh tế địa phương | |
Lớn mạnh cùng đất Nam Tây Nguyên |
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển 30 năm qua, Agribank đã đưa ra những định hướng khác nhau cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với từng thời kỳ, góp phần quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Agribank.
Agribank ưu tiên thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu, trẻ hóa đội ngũ nhân viên và cán bộ quản lý |
Khởi đầu trong gian khó
Từ những ngày đầu thành lập (26/3/1988), Agribank đã tiếp nhận từ NHNN và một số đơn vị khác số lượng lao động đông đảo với trên 32 nghìn cán bộ, số lao động lớn nhất từ 4 ngân hàng chuyên doanh, nhưng chất lượng lao động không đồng đều. Toàn hệ thống Ngân hàng Phát triển nông nghiệp khi đó (tiền thân của Agribank) chỉ có 2 phó tiến sĩ, 10% cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng, 50% cán bộ ở trình độ trung cấp, còn lại là sơ cấp và chưa qua đào tạo, số người biết ngoại ngữ (tiếng Anh) ở mức giao dịch đơn giản không quá 10 người.
Trong bối cảnh ấy, song song với hoạt động tinh giảm biên chế, sắp xếp lại lao động, Agribank đã kịp thời đưa ra những chiến lược đào tạo phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ được coi là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách vừa lâu dài. Xác định chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, các hoạt động đào tạo được NH triển khai quyết liệt, đem lại hiệu quả rõ rệt.
Chỉ trong hai năm 1993-1994, NH đã đào tạo lại cho 7.000 nhân viên, cử 189 người đi nghiên cứu và học tập ở nước ngoài. Tất cả các giám đốc NH tỉnh, huyện, các kế toán trưởng và các trưởng phòng nghiệp vụ đều được huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành, được học luật cơ bản. Đồng thời, xác định trình độ ngoại ngữ của cán bộ là một trong những tiêu chí quan trọng giúp Agribank phát triển và hội nhập, Agribank khi ấy đã bồi dưỡng tiếng Anh cho hàng ngàn nhân viên. Đến năm 1995, trong tổng số 21.000 nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp đã có gần 4.000 cán bộ có bằng đại học, 47 nhân viên trình độ trên đại học. Đây cũng là tiền đề để Agribank vượt qua khó khăn, vươn lên khẳng định vị thế trong những giai đoạn tiếp theo.
Đến những bước ngoặt đột phá
Giai đoạn từ 1997-2006, hoạt động đào tạo tiếp tục là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng, trong đó Agribank đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực và đào tạo bao gồm cả vấn đề tuyển dụng và đãi ngộ để xây dựng và thu hút được một đội ngũ nhân viên tiên tiến tinh thông nghiệp vụ và trung thành với doanh nghiệp.
Một trong những bước đột phá trong chiến lược này là năm 2001, Agribank thành lập Trung tâm đào tạo. Agribank đã tiến hành đào tạo toàn diện từ lãnh đạo đến nhân viên trên mọi lĩnh vực hoạt động, công tác đào tạo đã được nâng lên một vị thế mới, đáp ứng đòi hỏi của toàn hệ thống. Các chương trình đào tạo hàng năm được thiết kế toàn diện, nội dung phong phú. Chương trình đào tạo kỹ thuật viên tin học, quản trị mạng, an ninh mạng, IPCAS giai đoạn 2... được thực hiện giúp cán bộ có những kỹ năng, kiến thức nền tảng, chuẩn bị cho bước ngoặt ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của Agribank.
Các chương trình đào tạo nghiệp vụ, đào tạo ngoại ngữ được quan tâm, thực hiện sâu rộng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phục vụ các hoạt động có liên quan đến tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo đại học tại chức và hoàn chỉnh kiến thức cao đẳng, đại học... được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ Agribank. Đến cuối năm 2003, số cán bộ có trình độ đại học trên hệ thống đã vượt con số 50%.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, Agribank triển khai các dự án đào tạo lớn: dự án “Tăng cường năng lực và thể chế” của Quỹ Phát triển Pháp (gọi tắt là dự án AFD III) trị giá 4 triệu EUR, dự án “Tài chính nông thôn II” trị giá 1,5 USD và “Tài chính nông thôn III” trị giá 3 USD. Các dự án đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới tư duy của những người tham gia vào hoạt động đào tạo.
Phải nói thêm rằng: hợp phần đào tạo trong nước của Dự án AFD III, ghi nhận thời gian đào tạo dài kỷ lục với 642 ngày và 67 chuyên đề đào tạo. Nội dung các chuyên đề đào tạo do Công ty tư vấn KPMG Singapore thiết kế và giám sát. Thực hiện giảng dạy là các giảng viên quốc tế đến từ Trường Quản trị kinh doanh Moore-Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ), Hội các chuyên gia tư vấn ngân hàng liên bang (Hoa Kỳ), Học viện Phát triển quản lý Singapore. Kết thúc hợp phần đào tạo trong nước, nhiều học viên được tham gia hợp phần đào tạo ở nước ngoài để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, sẵn sàng cho tiến trình hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn từ 2007 - 2017, Agribank có những thay đổi căn bản trong định hướng phát triển nguồn nhân lực. Song song với hoạt động đào tạo, công tác tuyển dụng cán bộ cho ngân hàng cũng rất được coi trọng. Hàng năm, Agribank đã tiến hành tuyển dụng những cán bộ có chất lượng tốt, phù hợp với hoạt động của Agribank. Những năm 2008-2009, trong bối cảnh chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hầu hết các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với việc cắt giảm nhân sự và lực lượng lao động trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm.
Trong thời điểm này, Agribank là một trong không nhiều doanh nghiệp tiến hành tuyển dụng với số lượng lao động lớn là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, được đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Đến nay, Agribank đã có số cán bộ lên tới hơn 37.000 người, trong đó trên 70% cán bộ có trình độ đại học trở lên, một con số ấn tượng, vượt xa con số 10% giai đoạn đầu.
Năm 2010, Agribank đã nâng cấp chuyển đổi Trung tâm đào tạo thành Trường Đào tạo cán bộ bổ sung những chức năng và nhiệm vụ mới, phù hợp với lộ trình phát triển của Agribank. Hoạt động đào tạo tiếp tục có những bước chuyển cụ thể. Agribank đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo, phù hợp với từng đối tượng lao động như Quản trị ngân hàng hiện đại; Kỹ năng quản lý và lãnh đạo; Quản trị rủi ro; Quản trị nguồn nhân lực; nghiệp vụ: Thanh toán quốc tế cơ bản, chuyên sâu… Tổng số người lao động được đào tạo đã tăng từ hơn 129 000 lượt người năm 2013 lên hơn 134.000 lượt người năm 2015...
Bên cạnh việc tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, Agribank đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Ngân hàng Việt Nam. Agribank đồng thời duy trì và phát triển tốt mối quan hệ với các cơ sở đào tạo trong ngành Ngân hàng. Ngoài ra, Agribank đã mời chuyên gia của các ngân hàng nước ngoài có uy tín và kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng đến trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ. Agribank lựa chọn những đối tác cung cấp dịch vụ đào tạo uy tín như: Học viện Ngân hàng; Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Ngoại thương Hà Nội, Khoa Quản trị kinh doanh - Đại học quốc gia Hà Nội… để tổ chức các chương trình đào tạo quan trọng.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu, Agribank đã triển khai xây dựng và thực hiện đề án về công tác cán bộ, viên chức giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp. Đề án đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay từ khâu tuyển dụng, xác định tiêu chuẩn người lao động đối với từng vị trí chức danh, mạnh dạn xây dựng phương án tuyển dụng lao động đào tạo theo hình thức chuyên sâu nghề nghiệp... Chủ trương của Hội đồng thành viên về luân chuyển, trưng tập người lao động được thực hiện hiệu quả, bổ sung nguồn nhân lực cho các chi nhánh tại địa bàn nông thôn để phát triển sản phẩm dịch vụ và tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Chính sách luân chuyển cán bộ để cải thiện năng suất lao động, đồng thời hạn chế những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng được đánh giá rất tích cực và cũng là một trong những điểm nhấn chính sách của Agribank trong thời gian qua.
Trong năm 2018, Agribank tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho tiến trình cổ phần hóa trong thời gian tới. Agribank ưu tiên thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu, trẻ hóa đội ngũ nhân viên và cán bộ quản lý, tạo sự đột phá về tư duy và kỹ năng lao động, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tập trung tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức bổ trợ cho cán bộ, dành ngân sách hợp lý cho hoạt động đào tạo... Agribank đã và đang chuẩn bị những hành trang vững chắc để sẵn sàng đổi mới, khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.