Nhận thức đủ và đúng về xử lý tài sản bảo đảm
Hoạt động xử lý TSBĐ chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ | |
Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD dưới góc nhìn của pháp luật | |
Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD dưới góc nhìn kinh tế |
PHÓ THỐNG ĐỐC NHNN NGUYỄN KIM ANH: Phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ Thực tiễn xử lý TSBĐ của hệ thống TCTD thời gian qua cho thấy còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, bất cập từ nhận thức chưa đúng về quyền xử lý TSBĐ hợp pháp của TCTD nhận bảo đảm. Các khó khăn vướng mắc do các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, tạo những khoảng trống đến cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng của tổ chức, cá nhân liên quan. Trong khi đó, việc xử lý hiệu quả TSBĐ đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan. Đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận, thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ TSBĐ. Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh… |
Hơn 90% khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm (TSBĐ), tuy nhiên, các giải pháp xử lý như bán, phát mại tài sản… để thu hồi nợ lại đang gặp nhiều khó khăn. Vì sao việc xử lý TSBĐ của các TCTD khó khăn như vậy. Và làm thế nào để tăng khả năng thu hồi TSBĐ, giúp các TCTD đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Đó là những vấn đề băn khoăn trăn trở của các NH cũng như các nhà hoạch định chính sách với kỳ vọng sẽ được tháo gỡ tại Hội thảo: “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng” do Vụ Pháp chế (NHNN) và Thời báo Ngân hàng phối hợp tổ chức ngày 6/12 dưới sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam.
“Ám ảnh” xử lý TSBĐ
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết đến thời điểm này các NH mới xử lý được khoảng 13,91 nghìn tỷ đồng nợ xấu từ việc thu hồi TSBĐ trên hơn 493 nghìn tỷ đồng nợ xấu, cho thấy hiệu quả việc xử lý TSBĐ đang rất thấp. Nguyên nhân việc xử lý TSBĐ chưa được như kỳ vọng, theo Phó Thống đốc là do việc thực thi quyền xử lý đối với TSBĐ của các TCTD còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Toàn cảnh hội thảo ngày 6/12/2016 |
Thời gian xử lý TSBĐ bị kéo dài là nỗi “ám ảnh” đối với Vietcombank. Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cho biết: mặc dù là giải pháp cuối cùng và bất đắc dĩ mà NH này phải làm nhưng có đến khoảng 30% - 40% các trường hợp xử lý TSBĐ của NH này thông qua khởi kiện. Có những vụ việc thi hành án trải qua gần 30 lần giảm giá với thời gian xử lý lên tới 5 năm. Sau khi có quyết định của tòa án thì có tới 30% - 40% số TSBĐ phải “chờ” thêm hơn 2 năm mới xử lý dứt điểm được.
Việc xử lý TSBĐ của các TCTD gặp khó khăn có phải do quy định pháp luật chưa cho phép. Thực tế thì ngược lại. Quyền xử lý TSBĐ được luật pháp cho phép thông qua văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thời gian qua. Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2005, Luật Các TCTD, Luật Đất đai 2003, Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP đều quy định quyền của bên nhận bảo đảm được xử lý TSBĐ trong trường hợp bên được bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ…
Như vậy, có thể thấy các quy định pháp luật về quyền xử lý TSBĐ của các NH không thiếu, vấn đề khúc mắc lớn nhất ở đây, theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Long - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46) đó là hệ thống pháp luật Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển của nền kinh tế. Theo đánh giá của ông Long, hầu như nước nào cũng xảy ra khoảng trống pháp lý này nhưng tại Việt Nam thì khoảng cách quá xa, khiến cho quá trình xử lý TSBĐ của các TCTD vô cùng khó khăn phức tạp. Cán bộ thực thi vừa làm theo luật quy định vừa phải đi “nhờ vả”. Mà lẽ thường nhờ vả sẽ khó khăn hơn, hiệu quả thấp.
Một trong những vướng mắc lớn nhất của các TCTD hiện nay trong xử lý TSBĐ là thực hiện quyền thu giữ TSBĐ. Lãnh đạo một NH dẫn chứng, tại Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Người đang giữ TSBĐ có nghĩa vụ giao TSBĐ cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2017, TCTD khi xử lý TSBĐ không được thực hiện thu giữ tài sản mà phải yêu cầu Tòa án giải quyết. Với tình trạng quá tải tại hệ thống Tòa án, thi hành án còn nhiều bất cập như hiện nay, chắc chắn cửa ải xử lý TSBĐ tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với các NH.
Quyền xử lý TSBĐ thuộc về người cho vay
Mặc dù không phải đến thời điểm này, vấn đề quyền xử lý TSBĐ mới được đặt ra, mà theo TS. Võ Trí Thành, cách đây hơn hai năm, từng đề xuất cần phải có luật riêng để xử lý nợ xấu, trong đó liên quan đến TSBĐ. Từ đó đến nay vấn đề này vẫn lùng nhùng, chưa có một giải pháp thấu đáo được triển khai gỡ rối cho các NH.
Đối với vấn đề này nếu càng thiếu quyết liệt, càng để chậm bao nhiêu tác động bất lợi đối với toàn bộ nền kinh tế càng cao bấy nhiêu. Vì thế, ông tiếp tục kiến nghị cần phải có giải pháp đặc biệt đối với vấn đề xử lý TSBĐ nói riêng, xử lý nợ xấu nói chung. “Trước một hiện tượng kỳ dị, đặc biệt thì chúng ta cũng phải dùng biện pháp kỳ dị.
Trong trường hợp này chúng ta cần một luật chuyên biệt về xử lý nợ xấu”, ông Thành đề xuất. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Long cho rằng đối với những tình huống phát sinh đặc biệt phải có giải pháp tương xứng. Theo đó, cần phải xây dựng luật hoặc ít nhất nghị định riêng tập hợp vướng mắc xử lý nợ xấu thì mới giải quyết được.
Trước mắt trong khi chờ luật riêng dành cho vấn đề trên, ông Long cho biết, về phía C46 sẽ hỗ trợ tích cực các NH trong việc xử lý TSBĐ. Có hai đề xuất từ phía C46 để tháo gỡ khó khăn cho các NH đó là đối với những TSBĐ của đối tượng khách hàng có nợ nhóm 4 bất hợp tác, chây ì không trả nợ, các NH cần rà soát lại danh sách tiếp tục yêu cầu trả nợ. Nếu khách hàng vẫn cố tình không trả nợ, NH làm văn bản công khai đề nghị công an điều tra vào cuộc.
Hiện nay đối chiếu pháp luật hiện hành chỉ khi có dấu hiệu phạm tội, lừa đảo… cơ quan điều tra mới vào cuộc. Nhưng cơ quan điều tra cố gắng vận dụng quy định để hỗ trợ NH. Một vấn đề khúc mắc nữa các NH gặp phải đó là xử lý TSBĐ liên quan tài sản NH kê biên trong vụ án đang xét xử. Số nợ này theo ông Long đang rất lớn. Nếu để tồn số tài sản vô hình trong một thời gian dài sẽ rất lãng phí. Vì thế, C46 ủng hộ các NH xử lý TSBĐ trên để thu nợ nhưng với điều kiện là số tài sản đó không ảnh hưởng hoạt động điều tra chứng minh phạm tội…
Vấn đề mấu chốt để tăng hiệu quả xử lý TSBĐ theo đề xuất của các NH đó là thay đổi về tư duy, nhận thức đầy đủ và đúng về câu chuyện xử lý TSBĐ gắn với xử lý nợ xấu. Hiện nay, chúng ta luôn nghĩ rằng NH là người giàu có, còn người đi vay thì khó khăn. Vì thế chỉ có người đi vay được bảo vệ, còn người cho vay luôn ở thế yếu. Thậm chí có thể là tội đồ nếu thực hiện thu giữ nhà cửa của người đi vay đã sử dụng làm TSBĐ. Mà luật pháp quy định rõ khi người đi vay sử dụng TSBĐ thế chấp vay với số tiền ngang giá thì quyền xử lý TSBĐ thuộc về người cho vay.
Vì thế, tư duy người xây dựng luật pháp cần phải thay đổi. Còn nếu vẫn nghiêng về bảo vệ người chiếm dụng tài sản, vô hình trung sẽ tiếp tục khuyến khích con nợ chây ì, thậm chí càng chây ì càng có lợi thì sẽ không thể nào xử lý được TSBĐ. Đồng nghĩa với việc nợ xấu cũng khó có thể xử lý dứt điểm được.