Nhân tố quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô
Trước thềm năm mới, chia sẻ những niềm vui với NH Việt, họ cũng đưa ra một vài kiến nghị rất đáng chú ý.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam:
Đã có sự thay đổi trong tư duy về kinh tế vĩ mô
Bà Victoria Kwakwa |
Điều mà ai cũng thấy là việc Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Khoảng 3-4 năm về trước, những bất ổn kinh tế vĩ mô thường xuyên xảy ra và lúc đó, một cảm nhận chung là không có những quan tâm đủ cần thiết đối với vấn đề này.
Nhưng đến nay thì mọi người đều cảm nhận được đã có một sự thay đổi thực sự trong tư duy về tầm quan trọng của việc ổn định kinh tế vĩ mô của tất cả các nhà hoạch định chính sách, thể hiện ở những nỗ lực đưa ra trong suốt thời gian qua để đạt được mục tiêu này.
Kết quả thu được là đáng khích lệ: Lạm phát được kiểm soát tốt và duy trì ở mức thấp; thị trường ngoại hối ổn định hơn; cân bằng vĩ mô được cải thiện…
Nên tôi cho rằng việc thay đổi trong tư duy và đi kèm với đó là những hành động để củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là điều rất quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã thể hiện được và đó chính là nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Một điểm thú vị nữa là xuất khẩu của Việt Nam đã được đa dạng hóa với sự phát triển cả thị phần và kim ngạch xuất khẩu. Chúng ta cũng thấy hàng hóa xuất khẩu hướng nhiều hơn đến các mặt hàng công nghệ cao như điện tử, điện thoại. Những mặt hàng này trong 5 năm qua chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng hàng hóa xuất khẩu.
Hay về giảm nghèo, chúng ta thấy tỷ lệ nghèo giảm mạnh trong những năm qua. Trong vòng 5 năm qua đã có trên 6 triệu người thoát nghèo. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em cũng liên tục giảm. Cùng xu hướng tích cực đó, tỷ lệ trẻ còi xương đã giảm từ 29,3% xuống còn 24,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đi học mầm non đạt 95%.
Bên trong sự thành công của ổn định mà tôi đề cập ở trên thì CSTT chính là nhân tố quan trọng góp phần đạt được những kết quả đó. Nên đánh giá chung thì CSTT thời gian vừa qua là đúng đắn, hiệu quả và đã đóng góp rất lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Song hành với đó, tái cơ cấu hệ thống NH đã đạt được những thành quả bước đầu, đặc biệt trong xử lý các NH yếu kém. Công tác thanh tra giám sát đối với lĩnh vực NH đã có những cải thiện trong khi các nỗ lực tăng cường khả năng điều tiết và hoàn thiện khung khổ pháp luật cho hoạt động của Công ty VAMC cũng được thúc đẩy…
Việc thay đổi trong tư duy và đi kèm với đó là những hành động để củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là điều rất quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã thể hiện được. |
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam:
Tỷ giá nên được điều hành uyển chuyển
Ông Phạm Hồng Hải |
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có rất nhiều bất ổn như năm 2015 vừa qua, giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Trung Quốc suy giảm tốc độ tăng trưởng, rủi ro từ việc Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất…thêm vào đó là những bất ổn địa chính trị tại rất nhiều quốc gia trong khu vực thì có thể nói, NHNN đã hết sức kiên định theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN đã đạt được những thành công rất lớn trong việc điều hành CSTT. Nợ xấu từng bước được giải quyết đã tạo niềm tin cho các NH đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó giúp tín dụng toàn hệ thống lên khoảng 18%, góp phần không nhỏ cho tăng trưởng GDP ở mức 6,7%.
Lạm phát được kiểm soát tốt ở mức 0,6%, mức thấp nhất trong 15 năm qua (mức lạm phát thấp có một phần nhờ vào giá cả hàng hóa thế giới giảm mạnh). Lãi suất VND tiếp tục giảm, giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Tỷ giá duy trì được sự ổn định tương đối trong bối cảnh các đồng tiền trong khu vực mất giá mạnh đã giúp tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào đồng nội tệ.
Thanh khoản trong hệ thống NH được cải thiện rõ rệt thể hiện qua việc các NHTM hầu hết đều áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm dưới trần quy định của NHNN thay vì trả kịch trần cộng thêm với khuyến mãi/thưởng như trước đây.
Thị trường vàng đã hoàn toàn được kiểm soát và không còn tạo tác động lớn đến thị trường ngoại hối.
Năm 2016 vẫn tiếp tục là một năm có nhiều biến động trên thị trường thế giới khi Fed bắt đầu vào chu kỳ tăng lãi suất, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc, giá cả hàng hóa thế giới nhiều khả năng vẫn tiếp tục giảm do cầu yếu của nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn cần nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tái cơ cấu hệ thống NH cần được làm quyết liệt hơn để lành mạnh hóa hệ thống NH. Tỷ giá nên được điều hành uyển chuyển nhằm tránh tác động đột ngột tới nền kinh tế.
Ông Nirukt Sapru, CEO NH Standard Chartered Việt Nam:
NH cần tư vấn thêm cho doanh nghiệp
Ông Nirukt Sapru |
Nhìn chung, chúng tôi rất ấn tượng với những thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong quản lý và phát triển kinh tế trong năm 2015. Những kết quả này đã giúp Việt Nam quay lại xu hướng tăng trưởng 6,5%. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tích cực nhất trong khu vực.
Mặc dù câu chuyện tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn nhiều vấn đề, triển vọng của Việt Nam vẫn tươi sáng và đầy hứa hẹn. Các chỉ số kinh tế cơ bản đang được cải thiện, cam kết mạnh mẽ để tham gia sâu hơn trong thương mại thế giới và một loạt các cải cách đang thực hiện, Việt Nam đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Những thay đổi gần đây liên quan đến lãi suất USD, nhu cầu yếu đối với hàng hóa cơ bản hay những điều chỉnh từ nền kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu, nhất là các thị trường mới nổi. Do đó, Việt Nam cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, trước sự biến động của thị trường, NHNN đã hành động thận trọng và kịp thời.
Cụ thể, NHNN đã giảm giá tiền đồng ba lần trong năm 2015, tổng cộng là 3%. Đồng thời, NHNN mở rộng biên độ giao dịch hai lần trong tháng 8, từ +/- 1% lên +/- 2% và sau đó lên +/- 3%.
Đây là một quyết định rất thích hợp vì mở rộng biên độ giao dịch bảo đảm cho NHNN có thời gian để giảm thiểu các biến động ngoại hối. Những điều chỉnh trong chính sách ngoại hối cũng góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam so với các nền kinh tế ASEAN khác.
Trong bối cảnh mức lạm phát trong nước dự báo sẽ tiếp tục thấp, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ tiếp tục các chính sách điều hành chủ động, linh hoạt trong năm 2016.
Bên cạnh đó, chúng tôi thấy các NHTM cần hỗ trợ tư vấn thêm cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để giúp họ có thêm cơ hội tận dụng quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.