Lãi suất giảm: Tiền đề cho phát triển kinh tế
Đóng góp lớn của ngân hàng
Tốc độ tăng trưởng GDP cải thiện, lên tới xấp xỉ 6% trong năm 2014 và 6,03% trong quý I/2015, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định), đã cho thấy góc sáng hơn của bức tranh kinh tế. Ông cho rằng, để đạt được kết quả này có sự đóng góp tích cực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là hệ thống NH. “Vừa qua, có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thống đốc NHNN, ngành NH đã khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế”, ông Sơn khẳng định.
Ảnh minh họa |
Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận, vai trò của chính sách tiền tệ thể hiện rất rõ trong việc ổn định vĩ mô. Ông đánh giá cao thành công trong kiểm soát lạm phát. Đây cũng là tiền đề để hệ thống NH giảm lãi suất suốt thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy nguồn vốn tín dụng đi vào sản xuất kinh doanh.
“Thời điểm năm 2011, lạm phát lên đỉnh điểm, có lúc tới trên 18%. Rất ít các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng này”, ông Vinh nhớ lại. Khi đó, tình hình rất căng thẳng, DN đổ bể hàng loạt, thu hút đầu tư khó khăn... Nhưng đến cuối năm 2013, vĩ mô bắt đầu ổn định, chỉ số lạm phát giảm tốc rất mạnh, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra. Nhờ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, các chỉ số vĩ mô ổn định, xuất siêu liền 3 năm... “Năm 2014, vĩ mô ngày càng ổn định, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá hối đoái ổn định liên tục trong biên độ cho phép, cán cân thanh toán thặng dư do xuất siêu. Đây là thành công do điều hành”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Quan hệ tín dụng giữa NHTM và các khách hàng vay chứng kiến một loạt thay đổi trên thực tế. Trước đây, khách hàng “năn nỉ” NH để được vay, còn nay NH “năn nỉ” khách hàng để cho vay. Các NH đã có sự cạnh tranh lãi suất, nhiều NH tung ra gói lãi suất thấp. NH nào cũng chấp nhận giảm phần lãi của mình để tăng số dư tiền vay và tăng số dư tiền gửi. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, lãi suất giảm là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội 2015 và những năm tiếp theo.
Nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu
Tăng trưởng GDP phục hồi liên tục trong mấy năm trở lại đây, song một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và nêu lên tại kỳ họp Quốc hội này là sự yếu kém trong phát triển nông nghiệp. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức.
Tăng trưởng quý I/2015 không phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Dự báo về nông nghiệp đã xấu đi rất nhiều. Đó là thị trường xuất khẩu nông sản bị thu hẹp, tiêu thụ khó khăn… Việc hỗ trợ mua dưa hấu thời gian vừa qua chỉ mang tính sẻ chia mà thiếu một chiến lược lâu dài. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như cao su gặp nhiều khó khăn do giảm giá mạnh. Nhiều DN cao su cho biết, giá cao su lúc đỉnh cao là 150 triệu đồng/tấn, nay chỉ còn 25 triệu đồng/tấn…
Trong khi đó, gạo được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực lại đang đối mặt với 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, quá nhiều về sản lượng nhưng chất lượng kém, không đủ cạnh tranh với gạo xuất khẩu của các nước. Thứ hai, một số nước bắt đầu chính sách bảo hộ nông nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước gây khó khăn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam. Thứ ba, các nước tham gia xuất khẩu gạo tăng lên, trong khi thị trường thu hẹp.
“Có những nước trước đây chỉ nhập chứ không xuất, nhưng nay lại chuyển sang xuất như Ấn Độ và Pakistan, hay ngay cả Campuchia… nên gạo của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam trở thành vấn đề cấp bách”, ông Vinh nói.
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho biết, điều đáng lo hơn cả trong sản xuất nông nghiệp là chúng ta đang bán cái đang có chứ không phải bán sản phẩm mà thị trường cần; nông nghiệp vẫn trồng trọt theo kiểu tự phát nên người nông dân chưa hết chao đảo. Theo ông, bản chất của nông nghiệp hiện nay là do chúng ta chậm tái cấu trúc, nếu không đẩy mạnh hoạt động này thì khó khắc phục được những tồn tại hiện nay.