Nhiều giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất, tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen
Cần sự vào cuộc đồng bộ để đẩy lùi tín dụng đen |
Toàn cảnh Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang; Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú và đại diện các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo UBND và đại diện Sở, ban ngành 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, trên cả nước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ tín dụng ngân hàng, vừa qua, NHNN đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, như: điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho người dân, doanh nghiệp; trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP với nhiều điểm đột phá, tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hai ngân hàng Agribank và NHCSXH, tạo điều kiện cho việc phát triển lành mạnh, hiệu quả các Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn ngân hàng, đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay.
Bên cạnh đó, để thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, ngày 26/12/2018, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai trên toàn quốc về Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và các TCTD… Ngành ngân hàng cũng như các bộ ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đã đề ra hệ thống các giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm tăng khả năng cung ứng các sản phẩm tín dụng ngân hàng tới đại đa số người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng những nhu cầu vay vốn chính đáng phục vụ đời sống sinh hoạt, hạn chế tình trạng tiếp cận tín dụng đen.
Ngay sau Hội nghị ngày 26/12/2018, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai các nhiệm vụ hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có nhiều giải pháp để góp phần hạn chế tín dụng đen. Một số ngân hàng như Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày; NHCSXH đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…
Để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế xã hội cho khu vực, hiện toàn hệ thống có 495 chi nhánh, phòng giao dịch đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Dư nợ tín dụng cho khu vực Tây Nguyên đến cuối tháng 2/2019 ước đạt 325.750 tỷ đồng, chiếm 4,52% dư nợ toàn quốc; trong đó dư nợ phục vụ các nhu cầu đời sống đạt 42.282 tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp, nông thôn ước đạt 197.123 tỷ đồng. Riêng NHCSXH đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ tại khu vực Tây Nguyên đạt 16.353 tỷ đồng cho 525.000 hộ gia đình, chiếm 8,7% tổng dư nợ tại NHCSXH.
Ngoài ra, để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn, nhận diện rõ hơn về tình hình tín dụng đen, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng của ngành Ngân hàng, cuối tháng 2 vừa qua NHNN cũng đã thành lập Đoàn khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố có nhu cầu vay tiêu dùng lớn, hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp thời gian qua, để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trên cả nước nói chung và tại Khu vực Tây Nguyên nói riêng, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các hoạt động cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, tình hình tín dụng đen của khu vực thời gian qua diễn biến phức tạp (đặc biệt là tại Gia Lai), trong khi người dân chưa lường hết được tác hại mà vẫn tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi.
“Xuất phát từ thực tế trên, ngày hôm nay NHNN đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tại khu vực Tây Nguyên, khu vực được xem là trọng điểm của tín dụng đen đang hoạt động”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu rõ và nhấn mạnh: Hội nghị thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của ngành Ngân hàng trong việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, an toàn và hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đời sống chính đáng cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen trong thời gian tới.
Ngành Ngân hàng sẵn sàng, đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của NHNN. Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, để đạt được kết quả cao nhất, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. NHNN cũng kỳ vọng rằng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.