Những bước chuyển cho một hệ thống TCTD an toàn
Để tạo dựng lòng tin của công chúng | |
Bảo hiểm tiền gửi: Phát triển theo chuẩn mực quốc tế | |
Gia tăng niềm tin của người gửi tiền |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh |
Kể từ bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) với việc Luật BHTG chính thức được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ Ba thông qua, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2013 đến nay, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn, phát huy tối đa nguồn lực hiện có.
Với vai trò là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, BHTGVN đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ghi nhận về chặng đường 3 năm thực hiện Luật BHTG của BHTGVN khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Thưa ông, cùng với quá trình phát triển của hệ thống các TCTD, đặc biệt là đưa Luật BHTG vào cuộc sống, công tác quản trị - điều hành của BHTGVN đã đáp ứng được với những kỳ vọng mà NHNN đặt ra chưa, thưa ông?
Sau khi Luật BHTG được Quốc hội thông qua, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, BHTGVN khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG. Kết quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thành lập BHTGVN và quy định chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN, phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của BHTGVN.
Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Quyết định về cơ cấu tổ chức của BHTGVN, Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động BHTGVN; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về chế độ tài chính của BHTGVN. Các văn bản này đã tạo thành khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của BHTGVN.
Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý mới này, việc xây dựng các văn bản quản trị - điều hành của BHTGVN là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của BHTGVN. NHNN đã chỉ đạo BHTGVN rà soát xác định danh mục văn bản quản trị - điều hành cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. BHTGVN đã chủ động xây dựng kế hoạch ban hành các văn bản này.
Đến nay, BHTGVN đã ban hành 15 văn bản, đây là những văn bản quan trọng cần xây dựng ban hành trước phục vụ cho quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy của BHTGVN để từng bước hoạt động ổn định, đạt hiệu quả và là cơ sở để xây dựng các văn bản nghiệp vụ khác.
Dự kiến đến quý II/2016, BHTGVN sẽ hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quản trị - điều hành để triển khai Luật BHTG và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cùng với đó, cơ cấu tổ chức bộ máy của BHTGVN đã cơ bản hoàn thiện từ Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Ban điều hành đến các phòng, ban tại Trụ sở chính và các Chi nhánh BHTGVN khu vực theo Quyết định số 3090/QĐ-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc NHNN về cơ cấu tổ chức của BHTGVN.
NHNN đánh giá rất cao tập thể Hội đồng quản trị, Ban điều hành và toàn thể cán bộ của BHTGVN trong thời gian qua đã đoàn kết nhất trí đổi mới sáng tạo hoàn thành tương đối toàn diện những nhiệm vụ được giao, nhất là việc nhanh chóng ổn định cơ cấu tổ chức và xây dựng hệ thống văn bản quản trị điều hành mới.
Cùng với sự lớn mạnh về quy mô của hệ thống các TCTD, BHTGVN cũng đã có những bước chuyển tương ứng về quy mô và hiệu quả hoạt động |
Điều mà dư luận quan tâm chính là hiệu quả của hoạt động BHTGVN trong thời gian qua. Vậy ông có thể cho biết một số những điểm nhấn trong hoạt động của BHTGVN. Và là một nhà quản lý, ông đã hài lòng với những kết quả này?
Hiện nay, BHTGVN đang theo dõi khoảng 2,87 triệu tỷ đồng tiền gửi của các cá nhân tại các tổ chức tham gia BHTG thuộc đối tượng được bảo hiểm. Tính đến 31/12/2015 có 1.241 TCTD được cấp Chứng nhận tham gia BHTG.
Cùng với sự lớn mạnh về quy mô của hệ thống các TCTD, BHTGVN cũng đã có những bước chuyển tương ứng về quy mô và hiệu quả hoạt động. Từ số vốn điều lệ được Nhà nước cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng đến nay đã tăng lên 5.000 tỷ đồng từ nguồn tích lũy của BHTGVN.
Trong giai đoạn 2013-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng nguồn vốn là 25%/năm. Tính đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn của BHTGVN đạt 26.619 tỷ đồng, trong đó trên 99% nguồn vốn đã được đầu tư kịp thời, hiệu quả qua các hoạt động đầu tư: trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN, gửi tiền tại NHNN.
BHTGVN đã trở thành một cánh tay nối dài của NHNN trong việc giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ. Các hoạt động này đã được thực hiện thường xuyên đối với các TCTD tham gia BHTG. BHTGVN thực hiện giám sát định kỳ tháng, quý, năm đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Bên cạnh đó, BHTGVN thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với tổ chức tham gia BHTG, trung bình hàng năm thực hiện kiểm tra đối với 325 lượt đơn vị.
Ngoài ra, BHTGVN còn thực hiện kiểm tra đột xuất đối với những tổ chức tham gia BHTG yếu kém, có dấu hiệu rủi ro hoặc vi phạm quy định về BHTG được phát hiện qua công tác giám sát từ xa. Từ việc giám sát này, BHTGVN kịp thời đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết phù hợp hoặc báo cáo NHNN để có những biện pháp xử lý cần thiết giúp các đơn vị phòng tránh rủi ro có thể dẫn đến đổ vỡ, ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống.
BHTGVN tích cực tham gia quá trình thanh lý tài sản của các tổ chức tham gia BHTG thuộc diện phải chi trả nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi. Tổng số tiền đã thu hồi sau thanh lý chiếm khoảng 40% số tiền đã chi trả BHTG.
Như vậy, có thể khẳng định những nỗ lực nêu trên của BHTGVN trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống TCTD, đặc biệt là góp phần gia tăng lòng tin của nhân dân vào hệ thống tài chính ngân hàng và từ đó tác động tích cực tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế và an ninh xã hội.
Thưa ông, những kết quả hoạt động của BHTGVN đã rõ, tuy nhiên, trong dư luận xã hội, người dân vẫn cho rằng mức bảo hiểm chi trả của BHTGVN hiện nay vẫn chưa phù hợp với thực tế. Hoạt động của BHTGVN vẫn còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và việc thực hiện nhiệm vụ của BHTGVN. Với vai trò là cơ quan quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, NHNN nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Với vai trò là một cơ quan quản lý nhà nước, NHNN rất thấu hiểu những trăn trở của người dân, TCTD. Tuy nhiên một phần của những vấn đề này xuất phát từ hạn chế trong các quy định về tổ chức, hoạt động của BHTGVN, ví như BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước có đặc thù riêng biệt, nhưng chưa có quy định cụ thể về hình thức pháp lý, thiếu các công cụ thực thi chính sách...
Chính vì vậy, NHNN đang cùng các cơ quan chức năng xem xét, để có những tháo gỡ chính sách, cơ chế hoạt động cho BHTGVN thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn tài chính của các TCTD.
Hiện NHNN đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung làm rõ hình thức pháp lý nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong tổ chức hoạt động của BHTGVN. Theo đó, BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. NHNN thực hiện các quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với BHTGVN.
Cũng để tạo điều kiện cho BHTGVN có thể phát huy tối đa vai trò của mình, NHNN đã thường xuyên nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động của BHTGVN, cũng như kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ những vấn đề khó khăn không thuộc thẩm quyền của NHNN. Cụ thể: Để tạo điều kiện cho BHTGVN tiếp cận thông tin về TCTD, NHNN đã xây dựng và đang hoàn thiện để ban hành trong thời gian tới Thông tư về cung cấp thông tin giữa NHNN và BHTGVN.
Đồng thời, NHNN đang chỉ đạo BHTGVN phối hợp với Viện Chiến lược ngân hàng nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và là một cấu phần trong chiến lược đó. Chiến lược này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở cho sự phát triển bền vững của BHTGVN.
Về mức trả tiền bảo hiểm và phí BHTG, NHNN cũng đã giao cho các đơn vị liên quan của NHNN phối hợp với BHTGVN khẩn trương xây dựng dự thảo đề án trình Thống đốc NHNN xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về hạn mức bảo hiểm và khung phí bảo hiểm.
Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực, triển khai hiệu quả Dự án FSMIMS, đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng và hợp tác quốc tế cũng sẽ là những vấn đề trọng tâm mà NHNN sẽ chỉ đạo quyết liệt để BHTGVN nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động góp phần xây dựng hệ thống TCTD an toàn, lành mạnh.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!