Những câu chuyện giải cứu doanh nghiệp
Có những câu chuyện giúp nông dân lúc khó khăn, gian nan, thách thức nhất, có những câu chuyện giải cứu doanh nghiệp ở bên bờ vực thẳm, hay nâng đỡ, tiếp sức lúc khởi nghiệp non bấy, chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Ấy là ân tình, là tầm nhìn vượt trội của BIDV đối người nông dân, và với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy hải sản ở miền Tây Nam bộ.
Giải cứu bên bề vực phá sản
Căn phòng làm việc bình dị, ấm cúng, đôi khi có tiếng cười cất lên thật sảng khoái tự nhiên giữa câu chuyện thân mật. Câu chuyện về những ngày gian nan, tưởng chừng không lối thoát, nhưng rồi cũng tai qua nạn khỏi bởi mối lương duyên giữa BIDV và doanh nghiệp cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ.
Trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ thành lập từ năm 1977, chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hóa chất và thức ăn thủy sản phục vụ nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ thời bao cấp kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường là một cuộc vặn mình rúng động.
Không thể làm ăn theo kiểu cũ, năng suất thấp, sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu, tiêu thụ sản phẩm chậm, kho chất đầy hàng hóa. Công ty có nguy cơ phá sản. Năm 1995, doanh nghiệp Phân bón và Hóa chất Cần Thơ làm một cuộc “lột xác” mới hoàn toàn, để có một diện mạo mới, sức sống mới.
Theo tỷ phú, doanh nhân thương mại điện tử Jack Ma là người sáng lập và chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử rất thành công của Trung Quốc thì: “Đừng bao giờ cạnh tranh về giá, thay vì thế, hãy cạnh tranh về dịch vụ và sự đổi mới”.
Đổi mới sẽ năng động hơn, sẽ có sức cạnh tranh hơn và tất nhiên giá cả sẽ giảm. Đổi mới bắt đầu từ con người, mà Ban lãnh đạo là số một, sau đó đột phá đổi mới đầu tư, mà đầu tư công nghệ mới là cơ bản. Doanh nghiệp Phân bón và Hóa chất Cần Thơ chủ trương đầu tư đổi mới công nghệ với “Dự án xây dựng nhà máy sản xuất Phân bón NPK bằng công nghệ hơi nước” đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là sự khác biệt! Đầu tư thì phải đi vay.
BIDV Cần Thơ cho vay thì mới đổi mới thiết bị công nghệ được. Lúc đó, chỉ cần 100 triệu đồng là có thể xây dựng được 1 nhà máy. Song cái cốt lõi là phải có tư duy: tiền để đổi mới công nghệ, chứ không phải có tiền để xây một nhà máy cũ. Công ty đem hồ sơ đi thương thuyết, cầu cạnh khắp nơi, song một số ngân hàng không tin. Kế hoạch đổi mới công nghệ có nguy cơ đút vào ngăn kéo, cũng nghĩa là công ty phá sản.
Ông Nguyễn Văn Hào - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ nói rằng: “Ngân hàng kinh doanh tiền tệ, nên không ai dám cho người làm ăn kém vay. Chúng tôi không làm ăn kém, mà chỉ thiếu tiền. Thiếu tiền để đổi mới dây chuyền sản xuất. Rất cần người có tiền nhận ra khát vọng của chúng tôi, và tin chúng tôi.”
BIDV nhìn thấy khả năng trả nợ, nhìn thấy hướng phát triển, và tin ở tương lai tốt đẹp gần của công ty hậu đổi mới công nghệ. Năm 1995, BIDV cho vay xây dựng xong nhà máy, thì năm 1996 bán hàng mua được 1 nhà máy thứ hai. Công nghệ đổi mới, sản phẩm chất lượng, mẫu mã mới, bán tưng bừng. Lãi quá trời! Vay và đầu tư đúng hướng có hiệu quả. Hoàn toàn không giống một số nơi khác ngân hàng rót vốn vào, mua công nghệ không hợp lý.
Đạm Ninh Bình và Hà Bắc là ví dụ sinh động về dùng công nghệ sai. Than càng ngày càng hiếm mà thiết bị công nghệ dùng than mắc lắm. Giá thành chi phí cao quá. Lỗ nặng, có nơi nguy cơ đóng cửa. Trong khi ở Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ vay tiền của BIDV mua thiết bị, sử dụng công nghệ cao – “Công nghệ sản suất NPK tạo hạt bằng hơi nước” thì vẫn khỏe.
Sản phẩm chính là phân bón hữu cơ, vô cơ, hóa chất (bột giặt, chấy tẩy rửa, xử lý môi trường...) và thức ăn cho thủy sản như cá có vảy và không có vảy: ba sa, cá tra, cá rô phi, cá diêu hồng... Thức ăn cho thủy sản cũng nhiều chủng loại: 36% đạm, 21%, dưới dạng viên và phải nổi.
Ở đồng bắc sông Cửu Long khác với miền Bắc, ở đây một hộ chăn nuôi lớn lắm có thể sử dụng 15 - 20 ngàn tấn thức ăn. Thường là 1,5kg thức ăn cho ra 1 kg cá. Muốn có 10 ngàn tấn cá thì phải có ít nhất 15 ngàn tấn thức ăn. Ông Nguyễn Văn Hào bảo: Một hộ thu hoạch 10 ngàn tấn cá là bình thường. Các khách hàng lớn của công ty như bà Thái Thị Kim Anh, ông Huỳnh Minh Cường, Trần Thanh Chắc,... thường tiêu thụ lượng thức ăn thủy sản rất lớn của công ty.
Ông Tổng giám đốc còn khẳng định: “Ngoài ra, Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ cũng sử dụng hầu hết các sản phẩm, dịch vụ mà BIDV Cần Thơ cung ứng như: Bảo lãnh. Thanh toán quốc tế. Tài trợ xuất nhập khẩu. Kinh doanh tiền tệ. Bảo hiểm. Chi trả lương cho CBCNV qua thẻ ATM. Thẻ tín dụng cho CBCNV...”.
Hơn 20 năm BIDV đồng hành với Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, đến nay doanh nghiệp vẫn là khách hàng truyền thống, khách hàng quan trọng. Ông giám đốc bảo: Lúc khó khăn, nghèo, lúc rất cần tiền mà không vay được, thì BIDV đến với mình. Bây giờ, có của ăn của để, phải biết ơn và tiếp tục song hành.
Hiện nay, sản phẩm của công ty mang logo có hình ảnh con cò bay ngang qua mặt trời đang đỏ rực đã đến Nhật, Úc, Trung Đông, châu Phi, và khu vực ASEAN... Có BIDV đồng hành, chắc chắn cánh cò sẽ tiếp tục bay xa đến nhiều chân trời mới nữa.
Vịn chắc để... khởi nghiệp
Tôi đã từng đến một số cơ quan, công ty làm ăn lẹt đẹt, công nhân thất nghiệp, sản phẩm ế thừa, nhưng phòng giám đốc, phòng khách to vật vã, trang trí đầu rồng, trạm bạc sơn son. Vì thế, tôi ngỡ ngàng có phần ngạc nhiên khi bước vào phòng khách của Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Vietfoods).
Một doanh nghiệp được mệnh danh là “Vua shusi” xuất khẩu chiếm 25% thị trường Nhật với kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD một năm, mà khá đơn sơ. Bàn ghế dường như từ thời thành lập doanh nghiệp năm 1997 đã cũ, phòng hơi chật. Có nghĩa là ở đây không màu mè, chạy đua theo những cái phù phiếm, xa hoa. Mộc mạc. Dân dã và chân thành, lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm đầu.
Ông Nguyễn Hữu Thanh, cùng với ông Phạm Ngọc Truyền, ông Minh - ba nhân vật tạo ra thế chân vạc, là thế hệ đầu tiên tạo nền móng vững chắc và phát triển của Vietfoods. Từ một công ty Nam Hải ban đầu bây giờ lớn mạnh thành nhóm công ty Nam Hải, Thanh Thế và Cổ Chiên. Hiện nay, ông Thanh đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhóm 3 công ty này.
Mối lương duyên nào để BIDV Cần Thơ và Nam Hải (Vietfoods) đồng hành suốt mấy chục năm?
Hơn hai chục năm trước, Việt Nam bị cuốn vào cơn bão khủng khoảng tài chính của khối ASEAN, nặng nề nhất là Thái Lan. Trong nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân rơi vào khủng hoảng, phá sản. Nước hoa Thanh Hương của ông Nguyễn Văn Mười Hai là một ví dụ. Thoát khỏi cơn khủng hoảng để đứng vững và phát triển chỉ có cách là đầu tư thiết bị công nghệ mới.
Doanh nghiệp Nam Hải của ông Nguyễn Hữu Thanh vừa thành lập, vốn liếng nhỏ nhoi, rất cần tiền để sản xuất kinh doanh. Muốn làm xuất khẩu thủy sản thì doanh nghiệp phải có nhà xưởng, đặc biệt là máy móc, cơ sở vật chất: Máy cấp đông. Kho trữ. Máy nén. Ba cái này hợp lại thành trái tim nhà máy. Nếu không, cá tôm mua về sẽ ươn thiu, thối rữa. Nhu cầu thiết bị bảo quản tôm cá được những người sáng lập Nam Hải nghĩ đến đầu tiên.
Nhập khẩu thiết bị, máy móc từ châu Âu và Nhật Bản là một hướng đi sáng suốt. Cái thời 1997 ấy, các công ty THHN tư nhân chưa được vay vốn. BIDV cũng chưa có tiền lệ cho tư nhân vay tiền. Trong khi đó, ông Thanh và ông Truyền đi gõ cửa rất nhiều ngân hàng, song đều bất lực. Vậy mà, dạo ấy Giám đốc BIDV Cần Thơ là ông Chung ký duyệt cho vay 400 ngàn USD là một quyết định táo bạo, có tính đột phá. Số tiền ấy, tính ra vàng thì không biết bao nhiêu?
Ông Phạm Ngọc Truyền kể: Thời đó, kinh tế thị trường với nước ta còn quá mới mẻ, ngân hàng cho vay rất dè dặt. Có tài sản thế chấp cũng khó. BIDV chỉ cho doanh nghiệp nhà nước vay, chưa cho tư nhân vay bao giờ. BIDV Cần Thơ dù nhìn thấy dự án có tính khả thi, nhưng lại không có thẩm quyền cho vay một số lượng tiền quá lớn.
Ông Chung và ông Thanh phải bay ra Hà Nội thuyết phục, giải trình để cho Hội sở hiểu được tính khả thi vay vốn, phát triển và trả nợ. Qua nhiều lần thẩm định, và niềm tin tăng dần, và có thể nói Nam Hải là DN tư nhân đầu tiên vay được tiền từ BIDV? Có ngoại tệ từ vốn vay trung hạn, ban lãnh đạo Nam Hải quyết định mua: Máy cấp đông của Đan Mạch. Kho trữ lạnh ngàn tấn. Máy nén của Nhật để chế biến, bảo quản thủy sản. Máy móc vẫn chạy tốt đến tận bây giờ.
Hiện nay, Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải xuất sang thị trường Nhật các loại tôm thẻ, tôm sú để làm shusi, nobashi. Làm shusi là làm công nghệ thực phẩm sạch. Chỉ có Việt Nam và Thái Lan làm shusi, đối thủ của mình là Thái Lan, còn Indonesia thì ít.
Tôm được Nam Hải xếp mỗi khay 20 con, hoặc mỗi khay 30 con, rồi đóng vào thùng xuất sang Nhật. Con giai tôi mang shusi từ Nhật Bản về, rất có thể là shusi có nguồn gốc Nam Hải của Việt Nam? Nếu đúng vậy thì tự hào và là niềm vui của người Việt nhân lên gấp đôi.
Năm 1997, khó khăn đầu tiên là khởi nghiệp, rồi Nam Hải vịn vào BIDV để phát triển. Năm 2013 được coi là năm tồi tệ nhất của làng tôm sú Việt Nam. Tôm sú bị bệnh chết từ nhỏ. Bệnh tôm từ Trung Quốc truyền qua. Năm 2014, tôm ở Thái Lan cũng bị bệnh, giảm 50% sản lượng. Nam Hải chủ động chuyển hướng sản phẩm từ tôm sú sang tôm thẻ.
Mùa tôm. Nhà nhà thu hoạch, người người thu hoạch, doanh nghiệp phải xuất tiền mua dự trữ để đủ làm cả năm. Tiền vốn thiếu nhiều lắm. Phải vay. Thời vụ đến không đợi người. Khoảng 10 ngàn hộ nuôi tôm phục vụ cho Nam Hải. Người của Nam Hải đi trực tiếp đến từng hộ để mua, chứ không phải như các doanh nghiệp khác mua qua đại lý. Số tiền huy động đột xuất tăng vọt. Tất cả đều phải vay từ ngân hàng.
Ông Phạm Ngọc Truyền bảo: Mỗi năm có một khó khăn riêng, khó khăn nào cũng được BIDV cho vay vốn hỗ trợ. Có những khoản vay lớn, người của Hội sở cũng vào để giải quyết. Ông Hoàng Huy Hà - Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng nhiều lần bay từ Hà Nội vào làm việc tại cái phòng khách nhỏ và bình dị này của Nam Hải. Có thể nói nhờ BIDV giai đoạn đầu thì mới đẻ ra một ông “vua shusi” là Nam Hải bây giờ. Đến lượt Nam Hải lại đồng hành có trước có sau... và luôn là khách hàng chính của BIDV.
Quan hệ giữa BIDV và Nam Hải là hình mẫu kết nối, hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo cho doanh nghiệp một chỗ dựa về tài chính vững chắc từ lúc khởi nghiệp đến đứng vững và phát triển.
Khi người nông dân khó khăn nhất
Great Salt Lake có nghĩa là Hồ muối lớn.
Khách du lịch đến nước Mỹ, nhiều người cất công lặn lội đến cái Hồ nước mặn này để... tham quan, chụp ảnh. Mặt hồ bao la, mênh mông, lúc bình yên khi rợn sóng. Vô vàn con chim các loại bay lên đáp xuống những vệt màu nâu trên mặt hồ. Vệt màu nâu chính là Artemia franciscana (còn gọi là Tôm mặn - Brine shrimp) khi trưởng thành thường nổi lên, và là thức ăn cho khoảng 5 triệu con chim các loại ở Great Salt Lake bao la.
Dường như những khách du lịch có tính phiêu lưu lãng mạn bay bổng đến tận trời xanh, chắc cũng không tưởng tượng nổi có một ngày con artemia lại nhập hộ tịch Việt Nam, được người nông dân nuôi đại trà ở nhiều nơi. Chúng là thức ăn cho cá, tôm, cua, và cá cảnh... góp phần cải thiện đời sống nhiều nông dân nghèo ven biển miền Tây Nam bộ, mặc dù hình ảnh những vệt màu nâu ở mặt hồ bao la và cả triệu con chim đáp xuống bay lên đẹp như tranh thủy mặc vẫn chỉ là khao khát, hứa hẹn một tương lai gần.
Có một nghề nuôi artemia nổi tiếng, nhưng mới mẻ ở Vĩnh Châu - Bạc Liêu và Vĩnh Châu - Sóc Trăng. Hiện nay đã và đang nhân rộng ra các nơi khác ở thành phố Bạc Liêu, ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Còn bên Sóc Trăng, bà con diêm dân nhân diện tích nuôi artemia tới 150 ha dọc ven biển 3 xã: Lai Hòa, Vĩnh Tân và Vĩnh Phước.
Artemia là một loài giáp xác dòng họ tôm, kích thước nhỏ, sinh sống ở môi trường nước rất mặn như hồ nước mặn, là ruộng muối. Tùy môi trường nuôi chúng có khả năng đẻ trứng lẫn đẻ con. Theo ông Cao Thành Văn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Vĩnh Châu: “Tỷ lệ đẻ ra con chỉ khoảng 2%, đẻ con càng ít càng tốt. Nhu cầu chăn nuôi cần trứng artemia nhiều hơn là cần con.
Chúng là thức ăn cho thủy sản như tôm giống, cua giống, ở giai đoạn nhỏ ăn tảo và chỉ ăn artemia. Trứng artemia có kích thước rất bé: 1g tới 300 ngàn trứng. Loại trứng này bảo quản trong môi trường đông lạnh, để được rất lâu.
Artemia có nguồn gốc từ Mỹ. Năm 1980, Đại học Cần Thơ nhập khẩu đem về Bạc Liêu thí điểm nhân giống, thuần chủng dần, và do điều kiện thời tiết, khí hậu, nước, bùn... con artemia thuần chủng ở Việt Nam chất lượng còn tốt hơn dòng giống ở quê hương nó.
Có một điều rất lạ: Trứng artemia để đông lạnh thì nó cứ ngủ hoài hết ngày nọ qua ngày kia, nhưng thả vào nước mặn ở điều kiện hợp lý là chỉ 20 tiếng đồng là nó nở con. Con artemia được nuôi, chăm sóc lại đẻ trứng..., cứ theo vòng tuần hoàn bất tận ấy, mà thu tiền.
Theo ông Cao Thành Văn thì Hợp tác xã Vĩnh Châu đầu tư, thu mua trứng của các hộ nuôi artemia ở Bạc Liêu. Sau đó, đem trứng artemia về chế biến thành thành phẩm, bảo quản, phục vụ nuôi trồng thủy sản. Không chỉ “làm mưa làm gió” ở Việt Nam, artemia của Vĩnh Châu mang thương hiệu “7 viên kim cương” đã vượt qua biên giới xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Nhật, Thái Lan.
Hàng năm doanh thu của Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu khoảng 30 tỷ đồng. Song điều lớn lao mang tính phát triển và nhân văn hơn là việc liên kết đầu tư, bao tiêu trứng artemia cho 300 hộ, với 400ha nuôi đã giải quyết việc làm cho khoảng gần 1000 người lao động. Người nông dân lam lũ trên cánh đồng muối đã biến thành hồ nuôi artemia và artemia đã trả lại ơn chăm sóc nuôi dưỡng nó bằng cái giá 1 kg tươi được 1 triệu đồng.
Cứ gần 3 kg trứng artemia tươi mới chế biến được 1kg trứng khô, bán cho đại lý cũng được 3,7 triệu đồng/kg. Nếu nuôi tốt thì 1ha có thể thu hoạch 100kg trứng tươi trong khi đầu tư chỉ mất 20 triệu đồng/1ha trong 6 tháng mùa khô, thu hoạch khoảng 3 tháng. Gió Tây Nam thổi phóng khoáng trên mặt hồ ao nước mặn, trứng nổi lên bị dạt vô một góc. Mang vợt vớt trứng artemia cũng có nghĩa là... vớt tiền, lòng vui rạo rực đã thấy mùa vàng no đủ.
Có vẻ như Hợp tác xã Vĩnh Châu - Bạc Liêu nuôi artemia dễ dàng, làm cái gì cũng thuận buồm xuôi gió. Song ít người biết để sát cánh cùng với người nông dân miền biển hơn chục năm qua lên bổng xuống trầm, có được mùa vàng artemia như bây giờ thì Hợp tác xã Vĩnh Châu cũng đủ những lao đao, gian nan vất vả. Mười bốn thành viên sáng lập từ những ngày đầu khởi nghiệp vẫn còn nhớ như in nỗi khốn khó thiếu vốn.
Ông Cao Thành Văn và ban chủ nhiệm đi gõ cửa nhiều ngân hàng, nhưng “họ chê HTX nhỏ - bé bé bồng bông” không cho vay. Hợp tác xã thì làm gì có tài sản cố định thế chấp. Tài sản chung của xã viên. Về sau thay đổi chính sách có thể cho HTX vay, nhưng đem tài sản của xã viên ra thế chấp. Làm ăn không tốt là không nơi nào dám cho vay. Ngân hàng không từ chối thẳng thừng mà chối từ rất khéo. Qua thẩm định tài sản thế chấp, qua đánh giá năng lực và tính khả thi mà... nhẹ nhàng, lặng lẽ “lui binh”.
Nhưng BIDV Bạc Liêu thì... cho vay. Chịu tìm hiểu, và cán bộ ngân hàng theo dõi thấy năng lực HTX tốt, hướng phát triển artemia rất triển vọng. Năm 2003 thành lập, đến 2006 được vay. Hiện nay vẫn vay, 1 năm vay mấy chục tỷ. Giao dịch với BIDV mười mấy năm lận. Dễ chịu lắm.
Tuy nhiên, các hộ cá nhân làm thủy sản vay ngân hàng rất khó. Thực tế nhiều năm qua, nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản rất... bấp bênh, không ổn định vì phụ thuộc vào thời tiết. Ông trời đỏng đảnh “hắt hơi xì mũi” là sóng lừng nổi lên, thuyền bè, lồng cá tan nát, đìa tôm ngập lụt. Dịch bệnh hàng loạt, tôm cá nổi trắng mặt nước. Tan nát cơ đồ. Cho vay vốn, mà vốn mất, tài sản thế chấp (ví dụ là cái thuyền) cũng tan, thì thu hồi nợ ra sao? Nếu nhà cửa người vay vẫn còn, có đến phát mại tài sản của người ta không? Phát mại thì phát mại, nhưng bán không ai mua đâu. Thanh lý tài sản khó lắm.
Trước đây có phong trào nuôi tôm rầm rộ, nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm, không may dịch bệnh chết hàng loạt. Cả vùng ai oán, xót xa như có đại tang. Ngân hàng khoanh nợ, rồi con nợ dây dưa mãi, cứ để nợ hoài. Vì thế, hàng năm Hợp tác xã artemia Vĩnh Châu vay BIDV hàng chục tỷ đồng, rồi đầu tư cho các hộ cá nhân.
Hiện nay, HTX đã có tích lũy, ăn nên làm ra, sản phẩm đi sang châu Âu, sang vùng Viễn Đông, nhưng vẫn phải vay tiền ở ngân hàng. Hoạt động sản xuất kinh doanh phải gắn với ngân hàng như một lẽ tất nhiên, thường niên, song đến mua vụ thu hoạch dồn dập không thể đủ tiền để mua 10 tấn trứng artemia trong 1 tháng.
HTX cần phải có một lượng tiền mặt rất lớn thu mua trứng artemia để chế biến, bảo quản, rồi bán rải rác quanh năm. Hơn chục năm rồi, BIDV Bạc Liêu đồng hành với người dân biển nuôi thủy sản cả những khi bình thường và cả những lúc thật khó khăn, thách thức.