Những nghề “lạ” ngày Xuân
Ngẫm nghĩ trước mùa xuân | |
Chọn và thưởng thức hàng Tết hạng sang |
Vợ chồng chị Hòa - Phó giám đốc một DN về du lịch - năm nào cũng dành kỳ nghỉ phép dài đợt Tết âm lịch để đi du lịch nước ngoài. Nhà ở khu biệt thự hạng sang có bảo vệ tuần tra nên không lo về an ninh, chỉ có chú chó cưng Misa là phải xoay xở tìm chỗ gửi. Nhờ người quen mãi cũng ngại, gia đình chị tìm dịch vụ hỗ trợ.
Dịch vụ dọn nhà đắt khách dịp cuối năm |
Những năm gần đây, dịch vụ trông giữ động vật nuôi như chó, mèo… nở rộ tại các thành phố lớn. Đặc biệt là vào dịp Tết đến, khi các gia chủ về quê ăn Tết, phải tính toán chuyện thuê người chăm sóc vật nuôi, cho ăn mỗi ngày. Giá dịch vụ trông giữ thú cưng khá cạnh tranh, dao động từ 40.000 - 250.000 đồng/ngày, tùy “độ khó tính” của vật nuôi.
Ví dụ, chăm mèo sẽ có giá thấp hơn chăm chó, do mèo chỉ cần có không gian để chơi đồ chơi và ngắm cảnh, trong khi chó phải dẫn đi dạo mỗi ngày 2 lần. Bên cạnh đó, còn có những phòng VIP với giá cả triệu đồng/ngày để phục vụ chó mèo…
Vợ chồng anh Mạnh Chung - 32 tuổi, cán bộ kinh doanh của một DN sản xuất phân bón - mấy năm nay lên ở chung cư. Cứ độ cuối năm về quê sửa sang mồ mả tổ tiên là thế nào cũng đem về vài con gà sống. Từ chối thì không đành, nhận thì về không biết xử lý thế nào trong không gian chật hẹp của chung cư, nên chị vợ cầm thẳng ra chợ nhờ “làm lông”, cho tủ lạnh ăn sau.
Theo anh Thanh và chị Thảo - dịch vụ thịt gà thuê - ngày bình thường thì 15.000 đồng/con, ngày cao điểm (23, 28, 29 Tết) thì giá có thể lên tới 30.000 đồng/con. Vừa thịt gà, vừa bán gà mỗi ngày anh chị cũng để ra được tiền triệu.
Dịch vụ dọn nhà cũng là một trong những công việc “kiếm khá” ngày cuối năm. Dọn nhà có nghĩa là gột bỏ những điều cũ kĩ, không may mắn của năm cũ để đón một năm mới cùng nhiều điều hanh thông, may mắn. Tuy nhiên, cuối năm là lúc mà công việc bận rộn nhất, nên nhiều gia đình không có thời gian dọn dẹp nhà cửa. Vì vậy, họ thường thuê dịch vụ dọn nhà theo giờ và mức giá dao động từ 50.000 - 300.000 đồng/giờ, mà đôi khi trả giá cao nhưng vẫn không tìm được người làm.
Chị Nguyễn Phượng - chủ một cửa hàng bánh kẹo trên phố Nguyễn Lương Bằng - chia sẻ: Năm nào cũng thế, càng gần tết cửa hàng lại càng đông khách nên chị gần như không có thời gian để dọn dẹp nhà cửa.
Tuy nhiên, để nhà cửa vẫn gọn gàng sạch sẽ vào sáng mùng 1 chị đã chọn dịch vụ dọn nhà theo giờ. “Ngày tết tuy giá có cao hơn song cơ bản là nhà cửa được sạch sẽ, ngăn nắp mình cũng có thêm thời gian để bán hàng cũng như đi sắm tết”, chị cho biết.
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều “nghề lạ” xuất hiện vào dịp tết như nghề trông người ốm, đánh vecni bàn nghế, đánh bóng lư đồng, mài dao... Năm hết Tết đến, nhà nhà đều muốn có bộ lư sáng bóng, bày lên bàn thờ gia đình, nên công việc đánh bóng lư đồng trở thành công việc ăn nên làm ra. Chỉ cần mang bộ lư đồng ra phố Hàng Đồng (Hà Nội) là tất cả sẽ “sáng bóng như mới”…
Anh Nguyễn Lê Hưng (Vĩnh Hưng, Hà Nội) chia sẻ, năm nào cũng thế, có một thứ đã thành lệ là anh phải mang các đồ đồng trong nhà đi đánh bóng. Năm mới nhìn bàn thờ gia tiên sáng choang là thấy hạnh phúc, may mắn mỉm cười.
“Thợ chuyên nghiệp vừa có kinh nghiệm, vừa có kỹ thuật xử lý, chứ mình thì chịu. Hơn nữa, chi phí để đánh bóng cũng vừa phải... Kể cả gọi thợ nhận đến tận nhà để đánh bóng thì chi phí cũng chỉ cao hơn một chút”, Hưng cho biết.
Cũng thuộc nghề lạ, mới phát triển mấy năm gần đây là nghề gọt tỉa hoa quả. Những họa tiết dễ bắt gặp nhất trên trái dưa hấu có thể là hình long, phụng (theo quan niệm long phụng sum vầy), phúc-lộc-thọ (cầu một năm nhiều may mắn), hay đơn giản là các chữ Tài, Lộc… Hay một nghề lạ khác là trông nhà thuê, với giá dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/ngày dịch vụ trông nhà dịp tết cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho nhiều người.
Mức giá thuê cao hay thấp phụ thuộc vào số lượng ngày thuê, tùy thuộc vào mức độ phức tạp và rủi ro của khu vực nơi người thuê sinh sống. Nếu nhà nào ở nơi không đảm bảo an ninh, không có tường rào, nhà cửa dễ bị đột nhập hay còn gọi là khu vực “mở” thì giá sẽ cao hơn so với khu vực “tĩnh”.
Bên cạnh đó, những ngôi nhà có giá trị tài sản không cao thì phí dịch vụ sẽ thấp hơn so với nhà có giá trị tài sản “khủng” (như nhà cổ, nhà có nhiều đồ quý, hiếm…). Sở dĩ giá dịch vụ cao vì tính rủi ro cao, khi xảy ra sự cố phải đền bù thiệt hại về vật chất…