Những thách thức lớn cho ngành ô tô
VinFast công bố chính sách giá “3 không” cho toàn bộ sản phẩm | |
Tuần 26/10-2/11: Nhập khẩu ô tô giảm lượng, tăng giá trị |
Đã hơn một phần tư thế kỷ, Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô với những chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa, nhưng chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng từ 10-20%.
Xe ô tô sản xuất tại Việt Nam đắt hơn xe nhập ngoại 10-20% |
Về vấn đề này, ông Shinjiro Kajikawa, Phó giám đốc Toyota Việt Nam giải thích: “Do sản lượng nhỏ và tỷ lệ nội địa hoá thấp, thị trường ôtô tại Việt Nam chưa có sự ổn định”. Bên cạnh đó còn là những bất cập về chính sách.
Việt Nam đã có Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu cơ bản là hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô vào năm 2020; sản xuất một số chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số xe tải, xe khách và bước đầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ôtô thế giới giai đoạn 2021-2025.
Đến năm 2035, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng trong nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô khu vực và thế giới; đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước.
Chiến lược này đặt mục tiêu, ngành công nghiệp ôtô sẽ đóng góp 10% GDP và sản lượng sản xuất cụ thể cho từng năm. Nhưng thực tế cho đến nay, ngành này chỉ đóng góp 3% GDP và sản lượng sản xuất các năm chỉ được nửa mục tiêu.
Ông Lương Đức Toàn – Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết hiện nay, tổng số các DN sản xuất liên quan đến ô tô là 358 DN, trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe; và 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ sản xuất và lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng đơn giản như: thùng xe, nhíp lò xo, ống xả, ruột két nước…
Cùng với đó, việc sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô còn yếu, nhất là các sản phẩm của DN nội địa. Đã vậy, thị trường trong nước lại nhỏ, bị phân tán bởi nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất và lắp ráp ôtô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, các DN công nghiệp hỗ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận các chuỗi sản xuất ôtô ở nước ngoài.
Thực tế cũng cho thấy, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước vẫn chưa phát triển và tỷ lệ nội địa hoá còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Phó giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng, những bất cập về chính sách đã ảnh hưởng tới sự đầu tư lâu dài của các DN ở Việt Nam; và quan trọng là quy mô thị trường nhỏ làm chi phí khấu hao của máy móc lớn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, nếu thị trường sản xuất đạt ngưỡng 60.000 sản phẩm linh kiện một năm thì có thể các DN mới làm được.
Thực tế thì tỷ lệ nội địa hóa của ngành đến nay mới chỉ đạt bình quân từ 7 - 10%, một số dòng xe do Trường Hải (THACO) lắp ráp đạt tỷ lệ nội địa hóa 15 - 18%. Ngay cả dòng xe du lịch như Toyota Innova - dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất hiện nay - cũng mới đạt tỷ lệ nội địa hóa 37%. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hoá trên sản phẩm xe du lịch tại Thái Lan là 85%, tại Indonesia là 80%, tại Malaysia là 75%.
Theo tính toán của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), do tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 20% so với các quốc gia trong khu vực. Điều này khiến giá bán ô tô trong nước khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Thực tế đó cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ nội lực của DN và cả chính sách. Việc cần làm ngay là làm sao giảm được giá thành linh phụ kiện của các DN Việt Nam sản xuất để cạnh tranh được với DN nước ngoài. Muốn vậy, để đưa ngành công nghiệp ô tô phát triển, cần đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa và đặc biệt, cần xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút DN đầu tư vào ngành này. Các hỗ trợ các DN sản xuất trong nước cần rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ dài để các DN yên tâm đầu tư.