Nhượng quyền khai thác sân bay: Lo độc quyền tư nhân
Ảnh minh jhọa |
Lý lẽ được đưa ra là hiện vẫn còn có nhiều vấn đề khó xác định, giải quyết, chẳng hạn như định giá tài sản Nhà nước; cơ chế đấu thầu; năng lực tài chính và trình độ quản lý, khai thác của DN…
Có không ít câu hỏi đang được đặt ra mà chưa có lời giải, như mua lại nhà ga có dẫn đến chuyển sự độc quyền từ chủ thể này sang chủ thể khác? Nhà nước có cơ chế kiểm soát và chính sách gì để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời hỗ trợ cho DN khai thác kinh doanh hiệu quả, nhất là khi hàng không không chỉ là hình ảnh quốc gia mà còn ảnh hưởng lớn tới an ninh, quốc phòng, kinh tế… của đất nước?
Trong bối cảnh nền kinh tế mở, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và quốc tế, như với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải thực hiện những cam kết về mua sắm Chính phủ, thì không chỉ tư nhân trong nước mà cả DN nước ngoài cũng có thể tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng.
Khẳng định sở hữu tư nhân là một nhân tố giúp đầu tư và quản lý dự án hiệu quả hơn, song TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Chưa đủ!
Vì theo ông Thành, vẫn rất cần phải đảm bảo cạnh tranh, tránh độc quyền. Việc bảo vệ áp lực cạnh tranh là cần thiết, bởi vì chỉ có cạnh tranh và chịu áp lực cạnh tranh thì lợi ích của người tiêu dùng mới được đảm bảo tốt nhất và nguồn lực mới được phân bổ hiệu quả nhất. Và có cạnh tranh thì mới chọn được đối tác tốt, nhà đầu tư tốt, DN tốt.
Chuyên gia đến từ CIEM này đưa ra giả thiết: Nếu ví thị trường như một sân chơi và ở đó nếu có rất nhiều người chơi thì họ cần được tiếp cận cùng thông tin một cách đầy đủ. Khi đó, thị trường tự nhiên sẽ có cạnh tranh. Trong trường hợp sân chơi chỉ có một hoặc rất ít người chơi thì phải biết tạo áp lực cạnh tranh bằng các quy định điều tiết minh bạch, rõ ràng.
“Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, do một số điều kiện đặc thù như vị trí địa lý, tính độc quyền ở đó có thể rất cao. Nếu không tạo ra được áp lực cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi, việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả”, ông Thành phân tích.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư khi muốn tham gia vào sân chơi nhượng quyền cảng hàng không, điều kiện đầu tiên là phải được các tổ chức đánh giá độc lập công nhận đảm bảo các tiêu chí về nguồn lực, chuyên môn, và đây có thể gọi là điều kiện đầu vào.
Thứ nữa, trong quá trình thực hiện, nếu DN không đáp ứng được những yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng, có thể sẽ bị thay thế, và đó chính là điều kiện “đầu ra” quan trọng nhất.
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nêu quan điểm: “Cá nhân tôi hết sức ủng hộ việc bán, nhượng quyền khai thác sân bay. Vấn đề là bán cái gì, bán như thế nào, cho ai, với giá bao nhiêu… Hiện tại, có chủ trương ưu tiên nhượng quyền cho DN trong nước, nhưng về lâu dài có thể phải tiến tới việc cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Điều quan trọng là phải bàn bạc tìm ra hướng đi tối ưu nhất và đảm bảo việc bán, nhượng quyền sân bay này được thực hiện công khai, minh bạch”.
Thêm vào đó, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu cũng bày tỏ quan ngại khi hiện đang thiếu cơ chế, hành lang, thủ tục pháp lý cho vấn đề này. Vì vậy, dễ dẫn đến tình trạng vừa đi vừa dò, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, các nhà nhận nhượng quyền sân bay.
Cùng với đó là khó khăn thẩm định, đánh giá năng lực nhà dầu tư dự án sân bay. “Dễ có tâm lý đã là của tư nhân thì Nhà nước không quản lý giá, phí... Quản lý nhà nước phải hoàn toàn độc lập với chủ sở hữu”, ông Nam cho biết.
Do vậy, trước khi tiến hành nhượng quyền cảng hàng không cho tư nhân, Nhà nước cần quy định chi tiết điều kiện, trình tự thủ tục quản lý, cho thuê, nhượng quyền, bán sân bay địa phương và một số hạng mục công trình dịch vụ của các cảng hàng không, sân bay trung ương, đảm bảo yêu cầu duy trì quản lý Nhà nước hữu hiệu khi thực hiện xã hội hóa. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách kiểm soát hữu hiệu giá, phí độc quyền khi xã hội hóa cảng hàng không, sân bay.