Niềm tin chiến thắng
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng |
Quá trình phát triển của Viettlel có những điểm mốc nào đáng nhớ, thưa ông?
Năm 2006, Viettel còn là một công ty rất nhỏ, cả doanh thu và lợi nhuận chỉ bằng 1/30 so với hiện tại. Nhưng Viettel đã có một ước mơ lớn. Đi ra nước ngoài để được cạnh tranh, được học hỏi những DN hàng đầu trên thế giới, để Viettel cạnh tranh hơn, để Viettel giỏi hơn.
Bên cạnh đó, vươn ra nước ngoài đầu tư cùng phát triển, để thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng, giữ gìn hòa bình, bảo vệ đất nước. Ban quản lý dự án đầu tư nước ngoài được thành lập vào năm 2006, lúc đó chỉ có 6 người và nhiệm vụ là đầu tư sang Campuchia.
Sau 10 năm, gia đình nước ngoài của Viettel đã là 10 nước, với dân số 230 triệu người, lớn gấp 2,5 lần dân số Việt Nam. Tại châu Á có 4 nước là: Campuchia, Lào, Đông Timor và Myanmar. Tại châu Phi có 4 nước là: Mozambique, Cameroon, Burundi và Tanzania. Tại châu Mỹ có 2 nước là: Haiti và Peru.
Số thuê bao của Viettel tại nước ngoài đã trên 35 triệu. Doanh thu là 1,4 tỷ đôla mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng hàng năm là trên 25%. Tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 người nước ngoài. Tổng số tiền Viettel đã đầu tư vào các nước này là 2,4 tỷ USD. Số tiền đã thu về là 1 tỷ USD. Những năm gần đây thu về khoảng 200 triệu USD/năm. Dự kiến năm 2017 sẽ thu là 250 triệu USD.
Tại 9 nước Viettel đã kinh doanh, thì chỉ trên 3 năm đều có lãi và đều nằm trong top 2 công ty lớn nhất. Cá biệt có những nước như Peru, Burundi thì sau 2 năm kinh doanh đã có lãi. Hiện nay chỉ còn hai nước lỗ là Cameroon và Tanzania, do mới đưa vào kinh doanh được 1-2 năm.
Đề cập đến lĩnh vực viễn thông là nói đến cơ sở hạ tầng, nhân sự và đặc biệt lại là ở nước ngoài?
Nếu như thời gian đầu, Viettel phải mất đến 3 năm để hoàn thiện các thủ tục, xây dựng hạ tầng, triển khai xong đội ngũ nhân sự quản lý và kinh doanh. Thì nay, con số ấy chỉ còn 1 năm. Điều này đã được thực hiện tại Tanzania - quốc gia có diện tích lớn gấp gần 3 lần Việt Nam và là thị trường thứ 9 của Viettel. Điều này cũng sẽ tiếp tục được thực hiện tại Myanmar, thị trường thứ 10 của Viettel. Quá trình đầu tư nhanh giúp chúng tôi tối ưu chi phí, giúp cho người dân nước sở tại sớm được hưởng một dịch vụ chất lượng cao, giá cả phù hợp.
Tại Việt Nam, Viettel lập kỷ lục của thế giới là trong 4 năm, từ nhà mạng thứ 4 vươn lên thứ nhất. Thì tại Campuchia - thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel chỉ mất 3 năm, tại Mozambique - thị trường nước ngoài thứ tư, Viettel mất 1 năm và tại Burundi - thị trường thứ 9 chúng tôi chỉ mất 6 tháng để có được vị trí số 1.
Đến nay, trong tổng số 9 thị trường đã kinh doanh, Viettel đứng ở vị trí số 1 tại 5 thị trường là: Lào, Campuchia, Đông Timor, Mozambique và Burundi. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của các thị trường đều đạt 20-30%, cao gấp gần 10 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành viễn thông trên thế giới.
Chúng tôi đầu tư vào công nghệ hiện đại, đầu tư vào hạ tầng bền vững, chuyển giao và đào tạo cho người sở tại, đặc biệt là xây dựng những thương hiệu riêng cho mỗi thị trường, để mỗi DN mà Viettel đầu tư là thương hiệu của quốc gia đó, là niềm tự hào của mỗi quốc gia đó. Trong số hàng ngàn tập đoàn toàn cầu thì Viettel là tập đoàn duy nhất có triết lý thương hiệu này. Các tập đoàn khác thì chỉ có một thương hiệu mẹ ở tất cả các nước.
Viettel là nhà mạng của mọi tầng lớp người dân |
Nói Viettel là nhà mạng của mọi tầng lớp người dân, từ thành thị đến những vùng sâu, vùng xa liệu có đúng, thưa ông?
Để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo không hề dễ dàng. Nó cần thời gian, thậm chí rất nhiều thời gian. Nhưng viễn thông có thể làm điều đó trong một thời gian rất ngắn. Đó là lý do tại sao chúng ta nhanh chóng xây dựng các đường cáp quang băng thông rộng.
Hiện nay, tổng số cáp quang của Viettel trên tất cả 10 thị trường bao gồm cả Việt Nam là 360.000 km, đủ để quấn 9 vòng quanh trái đất. Đó là lý do tại sao chúng ta không ngừng dành mọi nguồn lực có thể để đầu tư và kết nối thế giới với những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bởi vì chúng ta có niềm tin rằng, người nghèo thì sẽ không nghèo mãi nếu chúng ta cho họ một cơ hội, nếu chúng ta giúp họ có được thông tin, có được tri thức, được kết nối với thế giới thông qua viễn thông và internet. Khi họ giàu có hơn, họ sẽ trở thành khách hàng của chúng ta.
Xin cảm ơn ông!