Nỗ lực trấn an du khách
Thủ tướng chỉ đạo giải quyết sự cố hải sản chết bất thường |
Ảnh minh họa |
Khách huỷ tour…
Thông thường vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại các địa phương ven biển miền Trung, bắt đầu bước vào mùa du lịch biển. Đây cũng là thời điểm tập trung kinh doanh của các DN du lịch trên địa bàn. Thế nhưng, khác với sự tấp nập của những năm trước, năm nay du lịch biển ở miền Trung đang đứng trước rất nhiều khó khăn do “cơn bão” cá chết hàng loạt ở các địa phương...
Tại Hà Tĩnh địa phương được xem là gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề do cá chết hàng loạt. Ngoài việc hàng nghìn hộ ngư dân đang chịu cảnh tàu thuyền nằm bờ, do hải sản đánh bắt không tiêu thụ được, thì ngành du lịch địa phương cũng đang rất lao đao. Những năm trước vào dịp du lịch 30/4 và 1/5 trên các bãi biển như Xuân Thành, Thạch Hải, Thiên Cầm… luôn tấp nập du khách.
Bởi, Hà Tĩnh có 137km bờ biển với nhiều bãi tắm nước trong xanh, cắt trắng mịn màng, là điểm đến còn hoang sơ nên rất hấp dẫn những du khách thích khám phá. Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng từ việc cá chết hàng loạt, rất nhiều du khách đã huỷ tour, khiến những bãi biển này trở nên vắng vẻ đìu hiu.
Theo bà Nguyễn Thị Trâm, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, hiện tượng cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch biển ở địa phương. Nhiều đoàn khách tham quan đã huỷ tour vào dịp 30/4 và 1/5.
Trong khi, toàn tỉnh có khoảng 3,5 nghìn lao động trực tiếp và có trên 10 nghìn lao động gián tiếp phục vụ cho ngành du lịch biển. Do hoạt động du lịch bị ngưng trệ đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều người lao động.
Tương tự, ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch do việc cá chết hàng loạt đang diễn ra khá phức tạp Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Xa hơn một chút, ở những địa phương như TP. Đà Nẵng cũng bắt đầu có những dấu hiệu ngành du lịch phải chịu ảnh hưởng từ việc chết hàng loạt. Đại diện Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, hiện cũng đã có một số du khách hủy tour đến địa phương.
Trong thời gian tới, có thể lượng khách đến Đà Nẵng hay Quảng Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng thêm. Bởi, trong thực tế hầu hết du khách đến Đà Nẵng hay Thừa Thiên - Huế đều lựa chọn việc đi tắm biển và thưởng thức hải sản. Thế nhưng, trước việc cá chết hàng loạt ở các địa phương lân cận, du khách có tâm lý e ngại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành “công nghiệp không khói” ở Đà Nẵng.
Biển vẫn an toàn
Ứng phó với tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung, để trấn an du khách các cơ quan chức năng đã kịp thời kiểm tra, chỉ đạo các DN, cơ sở kinh doanh, hoạt động liên quan đến du lịch kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm phục vụ du khách. Khuyến cáo người dân không nên sử dụng hải sản không có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn...
Về phía các DN du lịch cũng đã chủ động làm việc với hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ ở các địa phương bị ảnh hưởng nhằm theo dõi sát diễn biến, có phương án điều chỉnh dịch vụ, thay đổi thực đơn của khách, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình đi tour. Hầu hết các món ăn liên quan đến hải sản, được thay thế bằng các món khác để du khách an tâm về chuyến du lịch của mình…
Mới đây, để tiếp tục trấn an người dân địa phương cũng như du khách, cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng đã tổ chức công bố kết quả lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển.
Ông Đặng Quang Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin của người dân về tình hình “cá chết dọc biển Đà Nẵng”, Sở Tài Nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra thực tế và lẫy mẫu nước biển khu vực bãi biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, tại các vị trí cách bờ biển khoảng 100m tại bãi tắm Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Non Nước, Bãi Rạng; cầu cảng Tiên Sa; cửa sông Phú Lộc; cửa sông Cu Đê.
Theo đó, kết quả so với giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước vùng biển ven bờ “Vùng bãi tắm biển, thể thao giới nước” của QCVN 10-MT:2015/BTNMT thì các thông số như, độ pH, DO (lượng oxy hòa tan trong nước), TSS (tổng chất rắn lơ lửng), NH4+ N (Amoni), Cr6+ (Crom 6), Pb (Chì), Hg (Thủy ngân), CN- (Xyanua) cho thấy, các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước.
Cũng theo ông Đặng Quang Vinh, kết quả phân tích mẫu nước biển vào ngày 27/4/2016 so với kết quả phân tích lượng nước biển trong năm 2015 cũng cho thấy không có sự biến động bất thường nào.
Trung tâm Kỹ thuật môi trường thành phố đã kiểm tra, thực tế trên bờ biển, đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng chưa xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt như các địa phương trong khu vực Bắc Trung bộ.
Để du khách lẫn người dân yên tâm, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã giao cho Trung tâm Kỹ thuật môi trường tiếp tục lấy mẫu phân tích chất lượng nước biển và lập kế hoạch quan trắc sinh học chất lượng nước biển trong thời gian 30 ngày tiếp theo để tình hình, công bố 2 ngày 1 lần trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Kỹ thuật môi trường kể từ ngày 28/4/2016.
Trước đó, tại Nghệ An, các cơ quan chức năng địa phương cũng đã công bố mẫu nước biển tại vùng biển Cửa Lò, được Trung tâm Quan trắc môi trường kiểm tra cho thấy nước biển vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, không có yếu tố nhiễm độc. Cũng như TP. Đà Nẵng, việc quan trắc này sẽ được cơ quan chức năng Nghệ An làm thường xuyên, góp phần đảm bảo an toàn cho du khách lẫn người dân địa phương.