Nỗi niềm bảo hiểm y tế
Các đối tượng được thanh toán 100% chi phí BHYT | |
Bảo hiểm y tế và quyền lựa chọn |
Đầu tuần này, anh V.A.Q (44 tuổi, nhân viên ngành Ngân hàng) ký tiếp hợp đồng bảo hiểm sức khỏe toàn diện với Công ty bảo hiểm Bảo Việt Hà Nội. Mức đóng cho hợp đồng tái tục năm thứ tư của anh là trên 4,8 triệu đồng, với quyền lợi: nằm viện 60 triệu đồng, tối đa 60 ngày/năm và tối đa 3 triệu đồng/ngày; phẫu thuật 60 triệu đồng/năm; khám ngoại trú 6 triệu đồng, tối đa 10 lần/năm và tối đa 1,2 triệu đồng/lần.
Đây là mức đóng bảo hiểm bị tăng phí gấp đôi so với các năm trước, do năm ngoái anh nằm viện Vinmec dài ngày vì thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng, tổng chi phí trên 13 triệu đồng…
Ảnh minh họa |
Cùng mức đóng tương đương với bảo hiểm y tế của cơ quan nộp Bảo hiểm xã hội, khoảng 2,27 triệu đồng cho bậc lương 5/9 của anh Q, nhưng năm nào nhận thẻ bảo hiểm y tế xong, anh Q lại cất ngăn bàn làm “kỷ niệm”. Với anh, khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế không được lựa chọn bệnh viện phù hợp, không được chăm sóc chu đáo như bệnh viện tư, bỏ tiền mà như “đi xin”… “Tôi không tin tưởng sử dụng bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh”, anh Q. thừa nhận.
Thay vào đó, mấy năm nay ký hợp đồng bảo hiểm sức khỏe với Bảo Việt Hà Nội, cả gia đình anh Q luôn cảm thấy yên tâm, có bệnh là có thể đến bất cứ bệnh viện nào để thăm khám và điều trị… “Nếu mua theo nhóm lớn, phí hợp đồng tái bảo hiểm được tính trên tổng chi trả so với bồi thường thì ít phải tăng mức đóng hợp đồng bảo hiểm”, anh Q. cho biết thêm.
Trong vòng 8 năm trở lại đây, sản phẩm bảo hiểm chi phí y tế, bảo hiểm sức khỏe… được nhiều công ty bảo hiểm triển khai, bán cho cá nhân và cho nhóm lớn là cán bộ, nhân viên DN. Nhưng chỉ từ năm 2011, sau khi sản phẩm được triển khai mạnh thì doanh thu bảo hiểm gốc từ sản phẩm này mới tăng nhanh.
Gần đây, đa số các hợp đồng mới phát sinh đều do người mua được thuyết phục bởi các trường hợp người thân, bạn bè đã từng được hưởng lợi ích từ các dịch vụ y tế chất lượng cao mà hợp đồng bảo hiểm loại này đem lại.
Nhiều chị em phụ nữ chỉ phải bỏ ra khoảng 3,5 triệu đồng là đã có thể hưởng chi trả khoảng 35-55 triệu đồng từ bảo hiểm thai sản. Các hợp đồng bảo hiểm quốc tế ở mức cao có thể được chi trả cho các dịch vụ y tế trị giá hàng tỷ đồng…
Nhưng trong chính “dòng lũ” kinh doanh bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm như vậy, bảo hiểm y tế bắt buộc đối với người lao động lại không có sự cải thiện đáng kể nào về chi trả và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng của mình. Đầu năm học này, bảo hiểm y tế học đường còn đột ngột tăng mạnh, “gây sốc” cho nhiều phụ huynh. Trong khi đó, mức tăng mạnh của viện phí cũng đem đến quan ngại khả năng có thể tăng mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động và DN vào giai đoạn tới…
Nghịch lý là, bảo hiểm y tế bắt buộc có nhiều người tham gia hơn hẳn so với của các công ty bảo hiểm, nhưng sự phục vụ đối với khách hàng của mình lại kém hơn rất nhiều. Người làm công đang bị buộc phải đóng bảo hiểm y tế, dù họ không tin tưởng vào dịch vụ được hưởng từ khoản tiền họ và chủ sử dụng lao động phải đóng, trong khi có những lựa chọn phù hợp và tốt hơn thì họ lại không được sử dụng thay thế. Như vậy, ý nghĩa tốt đẹp của bảo hiểm, để cho người lao động có lưới chống đỡ rủi ro sức khỏe, đã không được trọn vẹn.
Triệt tiêu cạnh tranh thì mất động lực tăng chất lượng. Độc quyền bảo hiểm y tế qua “mệnh lệnh hành chính” chỉ đem đến những méo mó cho thị trường bảo hiểm, làm cho nguồn lực không đem lại hiệu quả mong muốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Cho nên, chỉ khi cơ chế thị trường được thiết lập thì lúc đó người lao động mới được hưởng lợi từ dịch vụ mình chi trả, với tư cách và quyền lực của người bỏ tiền, như trường hợp của anh V.A.Q là ví dụ.