Nới room và những kỳ vọng
Cửa đã thông
Nghị định 60/2015/NĐ-CP mới được ban hành ngày 26/6/2015 vừa qua đã bổ sung và sửa đổi một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể nắm giữ 100% cổ phần của một công ty đại chúng, trừ một số lĩnh vực có điều kiện đã có quy định tại các văn bản pháp luật khác. Đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thực hiện cổ phần hóa (CPH) theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chứng mà pháp luật về CPH không có quy định, thì cũng sẽ thực hiện theo quy định này.
Nới room cho NĐTNN góp phần thu hút vốn gián tiếp và trực tiếp |
Trong bối cảnh tiến trình CPH DNNN vẫn còn chậm, quy định mới này có thể coi là đã mở rộng cánh cửa hơn cho các NĐTNN khi nắm giữ tỷ lệ sở hữu tại các DN Việt Nam. Đặc biệt, nó cũng khuyến khích các NĐTNN tham gia nhiều hơn vào tiến trình CPH DN.
Theo Bộ Tài chính, đến hết quý I/2015 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 DN, trong đó CPH 4.237 DN. Giai đoạn 2014-2015, theo kế hoạch đã được duyệt thì cả nước sẽ thực hiện CPH 432 DN. Trong năm 2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167 DN và trong năm 2015, tính đến hết tháng 5 số DN được CPH mới chỉ dừng ở con số 43. Như vậy, từ giờ đến cuối năm còn 246 DN tiếp tục phải CPH thì mới có thể đạt được mục tiêu.
Nhưng CPH thành công đến mức nào thì kết quả cuối cùng phải nhìn vào việc số lượng NĐT mua cổ phiếu được chào bán. Thực tế, chỉ có 40% trong tổng số 100 triệu cổ phiếu được chào bán bởi 18 DN trong quý I được các NĐT mua. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, đó là một tỷ lệ thấp so với kỳ vọng.
Ông Ngô Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Luật Vilaf-Hồng Đức, một công ty có nhiều khách hàng là các NĐTNN muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, cho rằng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với NĐTNN là rào cản khiến nhiều NĐT ngần ngại.
“Các NĐTNN thường quan tâm đến việc Việt Nam chỉ cho phép NĐTNN mua 20% cổ phần tại các DNNN mà thôi. Với tỷ lệ như vậy không thực sự khuyến khích họ”, ông Tùng nói tại một cuộc đối thoại được tổ chức gần đây bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bản thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong nhiều lần phát biểu với các NĐT cũng thừa nhận rằng, giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN khiến mục tiêu CPH không đạt được chất lượng như mong muốn. Chất lượng ở đây hàm ý là mục đích thu hút nhiều hơn nguồn vốn gián tiếp từ bên ngoài và đi kèm với nó là cả kỹ năng quản lý và chiến lược kinh doanh mới.
“CPH để thay đổi quản trị của DN để sức cạnh tranh lớn lên”, ông Vinh nói và nhấn mạnh rằng cần phải bán trên 51% thì mới thu hút được NĐTNN.
Quyết định nằm trong tay doanh nghiệp
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ đầu tư VietFund Management, công ty quản lý quỹ đầu tiên hoạt động ở Việt Nam, cho rằng tiến trình CPH sẽ mang lại cơ hội đầu tư gián tiếp rất lớn cho các NĐT tư nhân tại Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh rằng thông tin nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài chắc chắn sẽ khiến các NĐT quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.
Từ phía cơ quan quản lý, Chính phủ có lý khi cần phải nắm giữ cổ phần chi phối tại những DN hoạt động trong những lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế hoặc an ninh quốc gia.
Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Viglacera là một DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư bất động sản. Đây không phải là lĩnh vực được cho là nhạy cảm với nền kinh tế hay an ninh quốc gia. Mặc dù vậy, khi thực hiện CPH năm 2014, Nhà nước vẫn nắm giữ tới 91,48% vốn điều lệ. Chỉ có xấp xỉ 8% lượng cổ phiếu được bán cho các NĐT bên ngoài. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Viglacera thất bại, khi chỉ có 1/4 lượng cổ phiếu chào bán được NĐT mua.
Quay trở lại tình hình CPH hiện tại, vẫn còn hơn 200 DN cần phải tiến hành CPH trong 6 tháng cuối năm. Đó là một áp lực rất lớn đặt lên vai các DN. Chính phủ cũng đã mở rộng hơn cánh cửa để DN có thể kêu gọi thêm nguồn vốn gián tiếp từ các NĐTNN vào tiến trình CPH. Vấn đề còn lại sẽ nằm ở chính quyết định của các DN để CPH đạt được mục tiêu cả về số lượng và chất lượng như mong đợi.