Nút thắt đã mở với nợ xấu
TIN LIÊN QUAN | |
Thúc đẩy mua bán nợ xấu theo giá thị trường | |
Xử lý nợ xấu: Cần sự tham gia tích cực của các ngành | |
Nợ xấu sẽ tăng, nếu... |
Ngày 21/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) với 86,35% đại biểu có mặt tán thành. Việc này sẽ được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017. Từ đây, những nút thắt về xử lý nợ xấu chính thức được tháo gỡ.
Theo phản ánh của các ngân hàng, để đem TSBĐ ra bán đấu giá mà không có thiện chí hợp tác của khách hàng hoặc chủ tài sản sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Tổng giám đốc một ngân hàng lớn “ví von”, nợ xấu như “cục máu đông”, khi chưa được đánh tan sẽ gây nhiều hệ lụy, gây tắc nghẽn cho nền kinh tế. Nợ xấu tạo ra một nguồn vốn không sinh lời, từ đó khiến sự tiếp cận vốn của DN khó khăn. Nợ xấu tăng, ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, mà đây chính là một trong những chi phí lớn nhất ảnh hưởng đến lợi nhuận của các TCTD, khiến cho lãi suất tiền vay của ngân hàng dành cho DN khó giảm được. Ngoài ra, nợ xấu cao còn ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách Nhà nước.
Theo nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng, những khó khăn pháp lý mà các TCTD gặp phải khi xử lý nợ xấu, thường là: Thứ nhất, các quy định về việc thu giữ và xử lý TSBĐ còn chồng chéo, bất cập dẫn đến việc xử lý TSBĐ bị kéo dài. Các TCTD không thể chủ động thu giữ nếu chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, chây ì, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSBĐ để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý. Theo đó, việc xử lý TSBĐ sẽ bị kéo dài thời gian xử lý, gây ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu;
Thứ hai, là những khó khăn đối với việc xử lý TSBĐ là tài sản gắn liền với đất nhưng quyền sử dụng đất là đất thuê trả tiền hàng năm hoặc TSBĐ là quyền sử dụng đất (đất ở) nhưng tài sản trên đất (nhà ở) không có giấy chứng nhận quyền sở hữu;
Thứ ba, thời gian tố tụng tại tòa, thời gian yêu cầu thi hành án phức tạp và kéo dài. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng dẫn tới việc xử lý TSBĐ kéo dài, gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ;
Thứ tư, về quyền xử lý TSBĐ là dự án BĐS. Trong thời gian tiến hành tố tụng, do Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm, đã tạo ra sự ỉ lại của một số khách hàng giữ lại tài sản và tiếp tục khai thác để sản xuất kinh doanh.
Và còn rất nhiều nguyên nhân nữa của việc chậm xử lý nợ xấu bắt nguồn từ cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực này chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả của việc xử lý nợ xấu, nợ có vấn đề. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, muốn xử lý nợ xấu hiệu quả cần phải có cam kết chính trị mạnh mẽ, đủ nguồn lực, khuôn khổ pháp lý thích hợp và cơ quan thực thi mạnh mẽ.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua sẽ cơ bản xử lý được căn nguyên những tồn tại hiện có đối với vấn đề này. Điều quan trọng là làm sao tạo ra chế tài bình đẳng trong quan hệ dân sự, pháp luật, góp phần đẩy mạnh xử lý nợ xấu của các NHTM.
Phát biểu tại một hội thảo xử lý thu hồi nợ có vấn đề do ngân hàng tổ chức gần đây, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh, xử lý nợ xấu là một phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế đất nước. |