Nợ xấu sẽ tăng, nếu...
Thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD | |
Xử lý nợ xấu: Không có vùng cấm cho các sai phạm | |
Cải cách để phục vụ khách hàng tốt hơn |
Ông Phạm Toàn Vượng |
Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng, thực tế triển khai tái cơ cấu ngân hàng vừa qua cho thấy, nếu thiếu sự đồng hành, chia sẻ và cùng tháo gỡ của các cấp, các ngành thì nợ xấu ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng có thể sẽ tiếp tục tăng.
Quyết định mang tính “hy sinh”
Tỷ lệ nợ xấu ở Agribank hiện ra sao, thưa ông?
Tính đến 31/5/2017, bằng nhiều biện pháp xử lý đồng bộ, tỷ lệ nợ xấu của Agribank hiện nay là 2,31%. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, chúng tôi là ngành dịch vụ, chia sẻ lợi ích từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; chất lượng tín dụng phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của người vay, sự ổn định, bền vững và phát triển của nền kinh tế rất lớn. Đặc biệt, Agribank luôn đồng hành với nông nghiệp, nông thôn và nông dân - lĩnh vực chịu khá nhiều rủi ro bởi thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh...
Cho đến nay, Agribank đã triển khai các giải pháp nào để xử lý nợ xấu?
Chúng tôi đã đưa nợ xấu về dưới 3% trước năm 2015 và hiện nay là 2,31%. Đây là kết quả phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban lãnh đạo NHNN và sự cố gắng nỗ lực của Agribank. Về giải pháp cụ thể, có thể nói Agribank đã thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Agribank chủ động phối hợp với các ngành, các cấp xử lý nợ xấu dứt điểm tồn tại, bắt đầu một chặng đường mới… |
Trước hết là xử lý nghiêm túc trách nhiệm các tập thể, cá nhân sai phạm; củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, quản trị, điều hành; chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, quy trình nghiệp vụ. Tháng 6/2013, Thống đốc NHNN đã có quyết định miễn nhiệm 4 ủy viên hội đồng thành viên. Về phía Agribank đã kiểm điểm và xử lý trách nhiệm 352 cán bộ. Từ tháng 11/2013 đến nay, Agribank đã chỉnh sửa và ban hành mới hàng trăm văn bản về cơ chế nghiệp vụ, quy trình quản trị điều hành, kiểm tra kiểm soát cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, tích cực áp dụng các giải pháp như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, đặc biệt là cho vay mới theo cơ chế cho vay hỗ trợ để khách hàng vượt qua khó khăn tạo nguồn thu nhập từng bước trả nợ. Thứ ba, đề nghị các cơ quan pháp luật hỗ trợ xử lý với các đối tượng cố tình chây ì, trốn tránh trách nhiệm trả nợ và những người có liên quan để xảy ra nợ xấu, bao gồm cả cán bộ Agribank.
Ông có thể nói rõ hơn về cơ chế cho vay hỗ trợ khách hàng?
Áp dụng cơ chế cho vay tháo gỡ khó khăn cho khách hàng là quyết định có nhiều sự hy sinh của Agribank, cũng như ngành Ngân hàng nói chung dành cho khách hàng. Nó không chỉ rủi ro đơn thuần về tài chính mà rất có thể dẫn đến rủi ro về sinh mạng chính trị của người đề xuất và phê duyệt cho vay. Khi doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khó khăn thì sự thành công trong cho vay mới là rất thấp, có thể chỉ vài chục phần trăm. Thành công thì khách hàng thoát khỏi khó khăn, ngân hàng thu dần được cả nợ cũ, nợ mới. Thất bại thì cán bộ ngân hàng rất dễ bị xử lý hình sự nếu không có sự chia sẻ và nhìn nhận thấu đáo của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trong thực tế vừa qua, Agribank đã hỗ trợ khá nhiều khách hàng vượt qua bờ vực của sự phá sản, tuy nhiên cũng đã có trường hợp vì giải pháp này mà cán bộ mắc vòng lao lý. Có câu 99 cái đúng không bằng một cái sai.
Mong được bắt đầu chặng đường mới
Ông dự báo như thế nào về tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới? Agribank có biện pháp gì hạn chế phát sinh nợ xấu mới?
Từ thực tế triển khai tái cơ cấu vừa qua, chúng tôi cho rằng nếu không có sự đồng hành, chia sẻ và cùng tháo gỡ của các ngành, các cấp, thì nợ xấu ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng có thể sẽ tiếp tục tăng. Về biện pháp hạn chế phát sinh nợ xấu mới cũng rất nhiều, Agribank đã quyết liệt trong khắc phục những nguyên nhân chủ quan làm nợ xấu phát sinh. Chính các biện pháp xử lý nợ xấu đã có cũng là một phần giải pháp hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Ngoài ra, chúng tôi còn áp dụng nhiều biện pháp khác như: Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ; luân chuyển cán bộ làm công tác tín dụng, luân chuyển người đứng đầu, quy định thời hạn giữ chức vụ tối đa đối với các lao động giữ chức danh chức vụ; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát, đặc biệt là kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm minh những trường hợp làm phát sinh nợ xấu, trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu.
Agribank đã khởi kiện ra tòa án dân sự các cấp 6.800 vụ, tổng giá trị tranh chấp là 41.763 tỷ đồng. Hiện đã có 3.328 bản án có hiệu lực pháp luật đang chờ cơ quan thi hành án các cấp xem xét thi hành (đến nay mới thu hồi được hơn 5.270 tỷ đồng). Số vụ việc đang được giải quyết tại tòa án các cấp là 3.472 vụ. |
Theo ông, ngành Ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng cần gì để đẩy nhanh xử lý nợ xấu?
Để giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu có nhiều nội dung phải bàn và phải làm liên quan đến hệ thống cơ chế pháp luật và hành lang pháp lý.
Đơn cử như kỷ luật một người lao động liên quan đến nợ xấu thôi cũng không đơn giản. Người được ủy quyền quản lý lao động thì chỉ được kỷ luật đến khiển trách. Muốn kỷ luật nặng hơn phải do người đại diện theo pháp luật quyết định và phải qua hội đồng với quy trình chặt chẽ. Trong khi đó, Agribank có hơn 40 nghìn lao động và một người đại diện theo pháp luật.
Để cách chức một giám đốc chi nhánh để nợ xấu tăng cao, đa số người lao động trong chi nhánh làm đơn bất tín nhiệm cũng làm phát sinh tranh chấp phải ra tòa tới 3 cấp xét xử, kéo dài vài năm chưa xong. Muốn đề nghị xử lý hình sự một giám đốc chi nhánh ký bảo lãnh khống, sai nguyên tắc gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng cũng mất 3 - 4 năm với hàng loạt văn bản. Muốn nâng giá khởi điểm của tài sản thế chấp để đấu giá nhằm tăng khả năng thu hồi vốn tránh thất thoát tài sản thì không được chủ tài sản và thi hành án chấp nhận...
Với giá trị tài sản bảo đảm còn lại là hàng triệu tỷ đồng theo sổ sách, Agribank mong muốn Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ một phần vướng mắc, khó khăn để ngành Ngân hàng, trong đó có Agribank chủ động phối hợp, đề nghị với các ngành, các cấp hỗ trợ xử lý nợ xấu và tài sản thế chấp, sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bắt đầu một chặng đường mới…
Xin cảm ơn ông!
Agribank tiếp tục được Fitch Ratings nâng hạng Fitch Ratings vừa nâng triển vọng Xếp hạng Nhà phát hành nợ (IDR) dài hạn Agribank từ “ổn định” lên “tích cực”, đồng thời, giữ mức IDR dài hạn cho ngân hàng ở “B +”. Triển vọng trên đã được nâng hạng theo sự nâng hạng của Triển vọng Quốc gia Việt Nam từ Ổn định lên Tích cực vào ngày 18/5/2017, dựa trên tăng trưởng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ của Việt Nam và sự cải thiện các chỉ số ổn định khác của Việt Nam. Bên cạnh tác động tích cực của nền kinh tế Việt Nam, để có được đánh giá tích cực này, ngoài việc đáp ứng được các tiêu chí đánh giá của Fitch Ratings, Agribank vẫn luôn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng tốt giữ vững vị trí NHTM hàng đầu Việt Nam; Có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, tiên tiến và năng lực tài chính cao; hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; Giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tính đến 31/5/2017, Agribank có tổng tài sản 1.052 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn 965 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế 781 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành Ngân hàng. Fitch Ratings đã đánh giá xếp hạng Agribank ở những hạng mục: Xếp hạng Nhà phát hành nợ dài hạn: “B +”, Triển vọng “Tích cực”; Xếp hạng Nhà phát hành nợ ngắn hạn: “B”; Sàn Xếp hạng Hỗ trợ: “B +”; Xếp hạng Hỗ trợ: “4”. Phương Thảo |