Phác thảo tỷ giá 2017
Băn khoăn kiều hối giảm | |
Không nên tạo kỳ vọng quá lớn lên lãi suất |
Những dự cảm bên ngoài…
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra dự báo mức giảm giá của VND so với USD trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2 - 4%. Năm 2017, áp lực từ thị trường thế giới cũng được dự báo sẽ tiếp tục là yếu tố lớn nhất gây sức ép lên tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Một chuyên gia kinh tế chia sẻ, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới có xu hướng đảo ngược: Nới lỏng với lãi suất bằng 0, thậm chí lãi suất âm từng bước sang thắt chặt, tăng lãi suất nhằm hạn chế cung tiền, ngăn chặn lạm phát tăng. Theo đó, giá trị các đồng tiền chủ chốt trên thế giới sẽ biến động mạnh theo hướng tăng lên song mức độ tăng lại không đồng đều do sự khác biệt về vị thế, mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình trạng tài chính - tiền tệ… với sự nổi lên của USD ngày càng rõ rệt so với các đồng tiền khác.
Năm 2017, tỷ giá USD/VND dự báo sẽ biến động theo xu hướng tăng hơn so với mức tăng năm 2016 |
TS. Vũ Đình Ánh nhận định, vị thế thống trị của USD tiếp tục được duy trì và đẩy đồng tiền của các nước khác xuống giá. Đồng thời kiềm chế sự tăng giá trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Mặc dù nhiều đồng tiền xuống giá, thậm chí mất giá mạnh so với USD song các quốc gia sở hữu đồng tiền đó lại không, hoặc ít được hưởng lợi từ sự mất giá của tiền tệ. Điều này do thương mại quốc tế năm 2017 bị chi phối bởi sự phục hồi của chủ nghĩa bảo hộ.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, biến động tỷ giá hối đoái giữa VND và USD năm 2017 sẽ có phần phức tạp hơn. Khi từ đầu năm 2016, Việt Nam đã áp dụng cơ chế tỷ giá hối đoái trung tâm điều chỉnh hàng ngày dựa trên rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền mà Việt Nam có quan hệ thương mại và tài chính quan trọng nhất.
Năm 2017, khó khăn và thách thức cho kinh tế thế giới, và thách thức cho thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam còn lớn hơn là nhận định chung của phần lớn chuyên gia kinh tế. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC chia sẻ, sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường hiện nay đang hứng khởi và tin tưởng nền kinh tế Mỹ sẽ có sự tăng trưởng mạnh trở lại, dự báo lạm phát của Mỹ cũng cao hơn.
Cộng với việc Fed dự kiến tăng lãi suất từ 2 - 3 lần trong năm nay. Những điều này, theo ông Hải đều là bài toán khó cho các thị trường mới nổi, bởi chi phí vay vốn USD sẽ tăng lên. Như vậy sẽ không tạo nhiều dư địa cho NHTW ở các thị trường mới nổi trong việc cắt giảm lãi suất đồng nội tệ.
Còn theo Tiến sĩ, Luật sư Bùi Quang Tín, cũng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng CNY để đối chọi lại với chính sách hạn chế tự do hoá thương mại của Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ tác động khiến tỷ giá của Việt Nam tăng. Ngoài ra, một loạt sự kiện lớn khác sẽ diễn ra trong năm 2017 như Anh thực hiện quá trình Brexit, bầu cử Tổng thống Pháp, Đức... cũng sẽ khiến thị trường thế giới có những rung lắc nhất định.
…Tới tác động nội tại
Trong một bối cảnh bủa vây nhiều thách thức như vậy, câu hỏi đặt ra là tỷ giá của Việt Nam năm 2017 sẽ diễn biến ra sao? NHNN có những điều kiện gì để chủ động hơn trong việc điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết, nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu quan trọng?
Ông Bùi Quang Tín đồng ý với dự báo đưa ra của Vietcombank rằng tỷ giá có nhiều khả năng tăng trong năm 2017. Song vị chuyên gia này không đồng tình ở con số cơ quan này đưa ra. Ông Tín cho rằng, tỷ giá sẽ không tăng tới mức 4%, bởi có ba lý do.
Thứ nhất, tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng bù lại Việt Nam hiện đang nhập khẩu khá nhiều, phần lớn xuất khẩu đều lấy từ nguyên liệu nhập khẩu, nên NHNN phải cân nhắc khi tăng tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới vấn đề nhập khẩu. Thứ hai là vấn đề nợ công. Thứ ba, khi tỷ giá tăng sẽ tác động mạnh lên lãi suất, đẩy mặt bằng lãi suất đi lên, ảnh hưởng đến lạm phát.
Vị chuyên gia này bày tỏ sự tin tưởng vào việc NHNN có đủ công cụ, cơ sở để giữ ổn định tỷ giá. Mà điểm phải nhắc tới đầu tiên là dự trữ ngoại hối ở thời điểm cuối năm 2016 là trên 41 tỷ USD. Đây không phải là con số quá nhiều trong điều kiện thị trường biến động, nhưng nó cũng đủ cơ sở để có thể can thiệp khi cần thiết.
Cơ sở để giữ ổn định tỷ giá thứ hai là mục tiêu lạm phát. Mục tiêu lạm phát chỉ 4% thì không thể nào tỷ giá để tăng tới 4% được. Vì lạm phát quá cao sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế, trong khi tăng trưởng kinh tế năm nay Chính phủ đề ra là 6,7%. “Theo tôi, tỷ giá nếu có tăng sẽ chỉ ở mức 1,5% đến 2% là hợp lý để cân đối với lãi suất và mục tiêu lạm phát” - ông Tín khẳng định.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi thì cho rằng, năm 2017 tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ biến động theo xu hướng tăng hơn so với mức tăng của năm 2016. Rơi vào khoảng 1,8% đến 2%. Ở thời điểm hiện tại, chuyên gia này khẳng định NHNN có đủ những điều kiện cần thiết trong việc điều hành và bình ổn thị trường. Để hiện thực hoá mục tiêu này, bà Mùi cũng cho rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa CSTT với các chính sách kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt là chính sách tài khoá trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất thị trường. Bên cạnh đó từng bước làm tốt công tác phân tích dự báo, bám sát diễn biến thị trường trong nước và xu hướng thị trường quốc tế để có phương án và biện pháp xử lý phù hợp. Kết hợp với sử dụng công cụ truyền thông để ổn định tâm lý thị trường.
Năm 2016 đã có những biến động rất mạnh tác động từ thị trường quốc tế và khu vực nhưng thị trường ngoại tệ của Việt Nam hoạt động hết sức ổn định, biến động là rất nhỏ. Chúng ta đã kiểm soát được tình hình và chủ động xử lý được những biến động đó, không gây tác động bất ổn, mất lòng tin vào đồng Việt Nam. Giữ được sự ổn định tỷ giá có ý nghĩa quan trọng trong tạo lập niềm tin với cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vào sự kiên định của Chính phủ, của NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và giữ ổn định tỷ giá. Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng |