Phân biệt thời gian XLNX sẽ tăng chi phí cho nền kinh tế
Việc tiếp thu, sửa đổi tiếp thu theo Nghị quyết XLNX là chặt chẽ | |
Xử lý nợ xấu: Không ai muốn ốm để được uống sữa! | |
Nên sớm ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu |
Phạm vi thời gian xử lý nợ xấu (XLNX) đang là một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất tại Dự thảo Nghị quyết XLNX của các TCTD. Vì sao nội dung này lại được quan tâm nhiều như vậy? Thời báo Ngân hàng trích dẫn một số nhận định của các Đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia NH xoay quanh vấn đề này.
TS. Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh
Không nên phân biệt thời điểm phát sinh nợ xấu
Hoạt động kinh doanh tiền tệ là hoạt động nhiều rủi ro: rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản, tác nghiệp, hối đoái, đặc biệt là rủi ro tín dụng. Nên khi có hoạt động tín dụng chắc chắn sẽ có nợ quá hạn, nợ xấu. Vấn đề ở chỗ tỷ lệ của nó là bao nhiêu %.
Hiện, Quốc hội đang đưa ra hai phương án. Một là chỉ XLNX tồn tại trước 31/12/2016. Hai là XLNX không kể thời gian nợ xấu phát sinh thời điểm nào. Tuy nhiên, đa phần các Đại biểu Quốc hội đều ủng hộ quan điểm đã là nợ xấu nên giải quyết theo Nghị quyết này đến khi có thể hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế liên quan đến việc đảm bảo công bằng cho cả người vay và người cho vay. Lúc đó, Nghị quyết về nợ xấu không tồn tại nữa thì sẽ xử lý theo luật. Bởi vậy, tôi ủng hộ việc không phân biệt thời điểm phát sinh nợ xấu được xử lý.
Đi đôi với biện pháp XLNX, cần có những biện pháp để ngăn chặn nợ xấu phát sinh |
Như đã nói ở trên, trong hoạt động kinh doanh tiền tệ chắc chắn sẽ xuất hiện nợ xấu, bởi luôn có những rủi ro, đặc biệt là rủi ro khách quan không mong đợi như: khủng hoảng tài chính tiền tệ, suy thoái kinh tế, thiên tai, lũ lụt, rủi ro thị trường… tất cả đều có thể làm tăng nợ xấu. Vì vậy, nếu chỉ giới hạn XLNX đến 31/12/2016 như có ý kiến đề xuất, thì liệu những năm sau khi phát sinh nợ xấu sẽ giải quyết như thế nào? Không lẽ lại phải lo ban hành nghị quyết khác? Như vậy, chi phí xây dựng sẽ rất tốn kém.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Bình
Nâng cao nhận thức của người đi vay
Nếu Nghị quyết này chỉ xử lý các khoản nợ xấu phát sinh từ 31/12/2016 trở về trước, theo tôi là bất hợp lý. Bất hợp lý ở chỗ một Nhà nước, một chế độ, một khoản nợ xấu giống nhau nhưng lại chỉ xử lý từ 31/12/2016 trở về trước. Về thời hạn hiệu lực của Nghị quyết, tôi cũng đã có ý kiến cần sửa đổi. Đơn cử, tại điều 18 trong dự thảo nghị quyết này, thời hạn hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm, tôi cho là chưa hợp lý. Nợ xấu có thể giải quyết trong thời hạn 5 năm hoặc là ngắn hơn 5 năm. Trong trường hợp chưa có điều chỉnh bằng pháp luật thì nghị quyết phải có hiệu lực cho đến khi kết thúc và có pháp luật điều chỉnh đưa ra.
Đối với việc giao TCTD xử lý tài sản bảo đảm theo quan điểm của tôi là đúng hiến pháp, không có gì là vi hiến. Bởi lẽ khi TCTD cho vay, người vay đã có cam kết. Và những cam kết này đều được thực hiện theo quy định của luật pháp. Cụ thể, tài sản người vay thế chấp có đầy đủ chữ ký của những người liên quan như vợ, chồng… được UBND xác nhận, và được công chứng thì văn bản này hoàn toàn phù hợp về pháp luật. Đồng nghĩa với việc TCTD có quyền giữ và thanh lý tài sản.
Có thể nói, Quốc hội ban hành nghị quyết là cấp bách, cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho xử lý kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Điều quan trọng là nghị quyết còn có giá trị là nâng cao nhận thức của người vay, kể từ nay những người vay phải có ý thức thực hiện đúng nguồn kinh phí của mình. Nếu như anh thua lỗ thì anh phải chịu để cho TCTD bán tài sản thế chấp dù điều đó là điều kể cả người vay và TCTD cũng không mong muốn nhưng phải chấp nhận. Còn giải pháp lâu dài phải có hệ thống luật và phải có điều chỉnh bằng luật.
Luật sư - TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh
Pháp luật đã có đầy đủ, không lo lợi dụng, làm bừa
Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc phân biệt thời điểm XLNX là không phù hợp. Dù trong thời điểm nào, phát sinh tại NH nào thì nợ xấu vẫn là nợ xấu. Nếu chỉ giải quyết những món nợ cũ thì nợ mới phát sinh xử lý như thế nào. Lúc đó chúng ta lại ngồi bàn cho giai đoạn tiếp theo sao? Những người làm trong nghề tín dụng hiểu rất rõ có cho vay có cấp tín dụng là chắc chắn có nợ xấu.
Hiện nay, cũng như hoạt động khác, kinh doanh NH đang bị điều chỉnh bởi các quy định pháp luật. Ai làm sai đều chịu xử lý theo pháp luật. Nhưng pháp luật cũng không thể nào với hết tới phạm trù về đạo đức. Nên nợ xấu phát sinh do rủi ro về đạo đức là không thể tránh khỏi. Pháp luật đã có đầy đủ không lo ai đó lợi dụng để làm bừa. Nhưng nghị quyết XLNX không phải liều thuốc thần tiên xử lý ngay khối lượng nợ xấu lớn như vậy, mà sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí thời hạn hiệu lực 5 năm vẫn là chưa đủ để giải quyết được triệt để nợ xấu.
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội
Không đảm bảo tính trọn vẹn của chính sách
Theo dự thảo, sau 5 năm Nghị quyết sẽ hết hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý đó là nợ xấu luôn đồng hành với quá trình phát triển kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào, không riêng Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta không thể xử lý một lần dứt điểm là xong. Như vậy, đồng nghĩa với việc chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý ổn định để có căn cứ xử lý những vấn đề liên quan đến nợ xấu phát sinh trong tương lai. Chính vì vậy, tôi đề nghị cùng với việc sửa đổi Luật Các TCTD thì bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc, mang tính ổn định về XLNX trong dự thảo Nghị quyết đó để có khuôn khổ pháp lý bảo đảm việc thi hành.
Tôi thống nhất các khoản nợ xấu được xử lý là các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian nghị quyết có hiệu lực thi hành. Vì nếu như chúng ta chỉ thực hiện đến hết năm 2016 thì có thể 43% nợ xấu sẽ không được xử lý và tính trọn vẹn của chính sách cũng chưa thực sự được bảo đảm. Tuy nhiên, nói như vậy không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ “bật đèn xanh” để nợ xấu phát sinh và sẽ xử lý bằng công cụ từ phía Nhà nước. Ngược lại, tôi đề nghị, đi đôi với biện pháp XLNX, chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn nợ xấu phát sinh.