Việc tiếp thu, sửa đổi tiếp thu theo Nghị quyết XLNX là chặt chẽ
Việc ban hành Nghị quyết về XLNX bảo đảm tính hợp Hiến | |
Xử lý nợ xấu: Không ai muốn ốm để được uống sữa! | |
Kỳ vọng xây dựng hệ thống TCTD lành mạnh |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương |
Sau phiên thảo luận lần một vào ngày 7/6 vừa qua, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Nhất trí với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, tuy nhiên để Nghị quyết khi ban hành có hiệu lực, sát với thực tiễn, cụ thể hóa được chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, đại biểu Phương tiếp tục đóng góp thêm ý kiến.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương không đồng tình với phương án Nghị quyết XLNX chỉ áp dụng đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 31/12/2016, bởi theo ông, nợ xấu trước 31/12/2016 hay sau năm 2016 đều là nợ xấu, vì sao chỉ xử lý trước năm 2016 mà không xử lý sau năm 2016. “Nếu nợ xấu sau năm 2016 thì xử lý theo quy định nào” – đại biểu Phương đặt câu hỏi và cho rằng, nếu như vậy là cùng một Nhà nước, một chế độ, chính sách áp dụng pháp luật XLNX trước năm 2016 khác với XLNX sau năm 2016, đây là điều thiếu thống nhất và hết sức vô lý.
Góp ý về Điều 5 dự thảo Nghị quyết liên quan đến bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo theo giá thị trường, theo ông Phương, sửa đổi tiếp thu theo Nghị quyết là chặt chẽ. Còn những ý kiến đề nghị bán thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ nên thực hiện theo phương thức đấu giá để đảm bảo công khai minh bạch là không cần thiết. Vì làm như thế là thêm thủ tục hành chính rườm rà, kéo dài thời gian xử lý nợ.
Bởi lẽ giá bán là theo giá thị trường, Điều 306 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá; trường hợp không thỏa thuận thì thông qua tổ chức định giá. Như vậy việc bán tài sản bảo đảm là căn cứ vào hợp đồng thế chấp và công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hoặc thấp hơn.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 7), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đồng tình với việc thu giữ tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không bị kê biên trong vụ án hình sự. Trấn an những băn khoăn sợ ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về “Quyền bất khả xâm phạm về chổ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác...” đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, không phải lo về điều này bởi đã thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng và đúng quy định của pháp luật. Nghị quyết cũng đã điều chỉnh theo hướng minh bạch, đăng tải công khai thông tin, niêm yết văn bản, thông báo cho bên đảm bảo trước thời điểm thực hiện…
Vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án, theo đại biểu Phương, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, nhằm giải quyết những vướng mắc thời gian qua khi xử lý tài sản thế chấp là đúng đắn. Bởi theo ông, điều này sẽ gỡ nút thắt cơ bản cho TCTD, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của bên thỏa thuận bảo đảm; thực hiện vốn vay một cách có trách nhiệm, có hiệu quả; trường hợp rủi ro, vi phạm hợp đồng thì chấp nhận phải giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho TCTD theo hợp đồng thỏa thuận.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị xem lại điểm 1, Điều 18 là Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/1/2017. Ông cho rằng quy định như thế là bất hợp lý, bởi nợ xấu có thể kéo dài 5 năm; dài hơn 5 năm hoặc ngắn hơn. “Trường hợp sau 5 năm còn nợ xấu, pháp luật chưa hoàn chỉnh thì xử lý theo quy định nào?” - ông Phương đặt câu hỏi và theo ông Nghị quyết cũng có thể sau 2 đến 3 năm thì hết hiệu lực, nếu Quốc hội sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh nợ xấu.
Từ đó, ông đề nghị bổ sung vào Điều 18 khoản 13 hai nội dung: Một là, cùng với việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan chức năng có trách nhiệm bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý nợ xấu. Hai là, tổ chức cá nhân trong hệ thống ngân hàng để xảy ra nợ xấu thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều này sẽ nhắc nhở cán bộ ngân hàng phải có trách nhiệm trong thực hiện quy trình cho vay.