Phát triển nhờ bám rễ nội địa
Ảnh minh họa |
Doanh thu tăng nhờ nội địa
Là một trong những siêu thị tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mỗi năm siêu thị Tứ Sơn (An Giang) tổ chức hàng trăm chương trình phiên chợ và chuyến hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đưa về nông thôn.
Riêng trong năm 2014, DN đã thực hiện 19 phiên chợ và 7 chuyến hàng, với doanh thu trên 20 tỷ đồng, phục vụ cho 200.000 lượt người. Theo ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn, để đưa hàng Việt vào sâu thị trường nội địa thì DN đã thành lập riêng Ban hàng Việt để tuyển chọn hàng hóa đúng tiêu chí, định hướng hàng hóa do chính Việt Nam sản xuất. Theo đó, mỗi phiên chợ, chuyến hàng đều có khoảng 150 nhà sản xuất luân phiên cùng tham gia.
Bên cạnh đó, Tứ Sơn còn có ban kiểm soát chất lượng hàng hóa nên sản phẩm luôn đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, DN đã khai thác tốt tiềm năng thị trường và có được doanh thu, lợi nhuận cao từ chính thị trường này.
Ông Sơn cho biết trong năm 2015, siêu thị tiếp tục hợp tác với DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng hóa vào siêu thị lưu động nên rất được người tiêu dùng hưởng ứng. Với 20 phiên chợ và 15 chuyến hàng được tổ chức, DN này dự kiến sẽ đạt doanh thu tới 26 tỷ đồng.
Không chỉ với DN phân phối, mà việc khai thác tốt sân nhà cũng tạo thuận lợi cho DN sản xuất giành được chỗ đứng trên thị trường. Hiện thị trường dệt may Việt Nam đang bị chiếm lĩnh bởi hàng nhập ngoại giá rẻ, đặc biệt là tại nông thôn. Do đó, làm thế nào để khai thác tốt thị trường nội địa, giành lại thị phần là vấn đề “nóng” với các DN ngành dệt may, vốn yếu thế trên sân nhà.
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tăng cường liên kết và cung ứng nguyên vật liệu trong khối, các DN trong ngành đẩy mạnh khai thác mảng đồng phục để phục vụ thị trường nội địa.
Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu nội địa của trên 20 đơn vị trong Tập đoàn đạt 4.491 tỷ đồng. Trong đó, những đơn vị dẫn đầu đạt mức doanh thu cao như Tổng công ty Phong Phú đạt 1,2 tỷ đồng, Tổng công ty may Việt Tiến đạt 529,3 tỷ đồng, May Nhà Bè đạt 189,8 tỷ đồng, May Đức Giang đạt 95,35 tỷ đồng, May Hữu Nghị đạt 26,5 tỷ đồng, dệt 8/3 đạt 305 tỷ đồng, dệt may Huế đạt 208,5 tỷ đồng, dệt Vĩnh Phú đạt 197,5 tỷ đồng… Đáng chú ý, có nhiều DN đạt mức tăng trưởng nội địa lên tới trên 100% so với kế hoạch đề ra.
Giải bài toán chất lượng và niềm tin
Thị trường tiêu dùng nội địa được đánh giá là rất nhiều tiềm năng cho các DN sản xuất và phân phối. Đặc biệt, khi thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo nên sức bật cho DN Việt Nam yên tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, mẫu mã… đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, một bài toán đặt ra với các DN được ông Sơn chỉ ra rằng, hiện sản phẩm của DN Việt Nam còn không ít hạn chế, thua kém hàng ngoại về nhiều mặt, nhất là các đồ gia dụng, thực phẩm, công nghệ…
Dẫn chứng từ thị trường giày dép Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, đánh giá quy mô thị trường lên tới 5 tỷ USD, song hiện các DN vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng này, khi chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng.
Trước hiện trạng này, thời gian qua Hiệp hội đã vận động DN tích cực tham gia các hoạt động đưa hàng về nông thôn. DN cũng đã vào cuộc với tinh thần sáng tạo, mở rộng thị trường trong nước khi chủ động đầu tư mở các cửa hàng, siêu thị. Đặc biệt, có nhiều DN đã tham gia đưa sản phẩm chất lượng tốt, giá bình dân về bán cho các vùng nông thôn, vùng núi, hải đảo.
Song, hiện hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu uy tín, hoặc sản phẩm tốt. Việc không chú trọng xây dựng, bảo vệ thương hiệu khiến cho hàng hóa dễ bị làm giả, làm nhái. Chưa kể, tình trạng buôn lậu qua biên giới cũng đã làm ảnh hưởng đến uy tín và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc thúc đẩy hàng Việt vào thị trường nội địa cần được làm mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, Bộ sẽ cụ thể hóa các chương trình vận động, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.
Đặc biệt, cùng với hỗ trợ DN nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm, sẽ phối hợp với các địa phương kết nối tiêu thụ các sản phẩm của từng vùng miền cũng như các sản phẩm công nghiệp của địa phương.
Trong đó, sẽ tập trung vào ba nhóm hàng là hàng công nghiệp được sản xuất trong nước; hàng nguyên vật liệu bán thành phẩm mà trong nước sản xuất được và các sản phẩm nông sản.