Phía sau thành công của những nông dân phố núi...
Tây Nguyên, miền đất có khí hậu khắc nghiệt, địa hình trắc trở, nhưng ngược lại, thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho con người nơi đây những mảnh đất đỏ bazan màu mỡ, rất thuận lợi cho phát triển các cây công nghiệp, cây ăn quả... Mảnh đất ấy đã nuôi dưỡng lên biết bao nông dân tỷ phú mà khởi đầu chỉ từ những đồng vốn vay nhỏ của Agribank Gia Lai.
Agribank Gia Lai luôn là địa chỉ tin cậy của người dân phố núi |
Những nông dân “đại gia” phố núi
Băng qua những con đường mờ sương uốn lượn quanh sườn núi, đến với con đường đất đỏ ướt nhép, gập ghềnh, lầy lội sau những trận mưa sầm sập, chúng tôi gặp gia đình anh Nguyễn Hùng Huấn - một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của mảnh đất Chư Sê - Gia Lai. Mảnh đất Chư Sê cũng là nơi nổi tiếng trong nước và quốc tế với thương hiệu hồ tiêu Chư Sê.
Nhớ lại thuở ban đầu, anh Huấn cho biết, hành trang khởi nghiệp của anh chỉ là khát vọng vươn lên làm giàu, cùng với sự cần cù, chăm chỉ, sáng tạo và những đồng vốn vay từ Agribank Chư Sê - Gia Lai. Sau nhiều năm bền bỉ nỗ lực, giờ anh đã có trong tay hơn 30ha cao su, hơn 5ha hồ tiêu... Ước tính lãi thu về không dưới 2 tỷ đồng/năm. Đáng quý hơn là hàng tháng anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 7-8 nhân công chính, với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng.
Anh Huấn chỉ là một trong khá nhiều hộ nông dân từ nhiều năm nay gắn bó và đi lên từ nguồn vốn Agribank Chư Sê - Gia Lai. Hiện tại anh Huấn có dư nợ tại Agribank Chư Sê gần 7 tỷ đồng và trong tương lai sẽ tiếp tục gắn bó với Agribank để mở rộng sản xuất. Chia sẻ bí quyết trồng cây “mát tay”, anh Huấn cho biết, là nhờ thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi trồng và chăm bón theo phương pháp hữu cơ. Điều đó sẽ giúp cây có sức đề kháng tốt, phát triển bền vững, sản phẩm sạch và cho năng suất cao.
Đến với huyện Đức Cơ - Gia Lai, huyện miền núi giáp ranh với Campuchia, chúng tôi gặp anh Phan Thanh Sơn cũng là một trong những hộ nông dân rất thành công trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất đỏ Tây Nguyên. Ban đầu anh vay của Agribank Đức Cơ - Gia Lai 10 triệu đồng để lập nghiệp. Say mê và sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp đã khiến anh vượt qua những khó khăn trong sản xuất, vươn lên trở thành tỷ phú. Cho đến nay, anh vẫn duy trì thói quen thăm nom sát sao với vườn cây, tận tay chăm sóc từng gốc cao su, cà phê...
Anh hiểu tường tận về sức khỏe, mong muốn của từng loại cây trong từng thời điểm, để từ đó có hướng chăm sóc tốt nhất có lẽ vì vậy mà vườn cây của anh luôn xanh tốt và cho năng suất cao. Ngoài ra, anh Sơn còn ứng dụng kỹ thuật trồng trọt hữu cơ vào sản xuất để vườn cây của anh phát triển tốt. Anh thực hiện trồng đa canh và xen canh để tránh rủi ro.
Ngoài những sản phẩm chính là: cao su, điều, cà phê, anh còn trồng xen canh những loại cây ăn quả cho năng suất cao và giá tốt: bơ, sầu riêng, chuối... Đến nay anh có trong tay 20ha cao su, 25ha điều, 26ha cà phê, 5ha chuối và lợi nhuận hàng năm không dưới 3-4 tỷ đồng/năm. Hiện tại anh còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực xây dựng. Hiện anh Sơn tạo được công ăn việc làm thường xuyên hàng tháng cho 4-5 lao động, khi vào vụ mùa chính là 15 nhân công. Dư nợ của anh Sơn tại Agribank Đức Cơ hiện tại là khoảng 4,8 tỷ đồng.
“Tôi hoàn toàn hài lòng với những thủ tục vay vốn tại Agribank: nhiều ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp, thủ tục nhanh gọn. Và tôi tiếp tục đồng hành lâu dài cùng Agribank để phát triển sản xuất”, anh Sơn chia sẻ.
Phía sau những đại gia chân đất...
Anh Huấn hay anh Sơn chỉ là hai trong số rất nhiều người nông dân đại gia phố núi làm giàu bằng nguồn vốn Agribank. Phía sau những người nông dân đại gia ấy chính là Agribank - ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những người nông dân thành danh trên chính quê hương là minh chứng thuyết phục cho hiệu quả của những đồng vốn Agribank.
Anh Nguyễn Dự - Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lai, sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên và lẽ tự nhiên sâu trong trái tim anh luôn hướng về những người dân vùng đất giàu nắng gió ấy. Anh trưởng thành cũng chính từ những tháng ngày lặn lội tới tận vùng sâu vùng xa để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, cùng họ nuôi dưỡng và hiện thực mơ ước làm giàu, khát khao vươn lên đổi đời.
Cùng với anh Dự là đội ngũ cán bộ, nhân viên tận tâm với nghề, với người dân trên khắp bản làng xa xôi: anh Trần Văn Bảy, anh Cao Xuân Quang - Agribank huyện Đức Cơ (Gia Lai), anh Thân Hữu Mười - Agribank Chư Sê (Gia Lai)... Các anh đã dành hầu hết thời gian của mình cùng người dân phủ xanh quê hương bằng những vườn cây ăn trái, cây công nghiệp... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Lãnh đạo chính quyền địa phương bày tỏ, nếu không có những người cán bộ Agribank không quản ngại nắng gió nơi rừng núi chênh vênh hiểm trở của đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ sẽ không có nhiều “đại gia” phố núi của ngày hôm nay.
Nghĩa tình trên miền đất đỏ là như thế và dễ hiểu Agribank Gia Lai vì sao luôn duy trì đà phát triển tốt nhất trong số 23 tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Agribank Gia Lai vẫn là địa chỉ tin cậy của người dân nơi đây. Đến cuối tháng 6/2018, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương trên 5.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm, đạt 93,5% kế hoạch. Tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đến 30/6/2018 trên 7.000 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu rất thấp: 0,89%...