Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tài chính vi mô góp phần hạn chế tín dụng đen
NHNN làm việc với nhiều tổ chức tài chính vi mô tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam | |
Đoàn công tác NHNN thăm và khảo sát hoạt động TYM |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc với các tổ chức TCVM khu vực phía Nam tại NHNN chi nhánh TP.HCM |
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các tổ chức TCVM trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện được trong nhiều năm qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú biểu dương hoạt động cho vay đối với người nghèo và người thu nhập thấp, các tổ chức TCVM đã và đang thực hiện rất thiết thực, gần gũi; giải quyết được nhiều nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống cá nhân, hộ gia đình vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, hoạt động TCVM trở nên có ý nghĩa hơn khi đối tượng khách hàng chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn của các NHTM. Hoạt động của các tổ chức TCVM đã góp phần tích cực vào việc ngăn chặn tình trạng tín dụng đen.
“Năm 2019, NHNN xác định mục tiêu là “năm TCVM”. Do vậy trong năm nay các vụ, cục chức năng và hệ thống TCTD sẽ tích cực để hoàn thiện các nền tảng pháp lý đối với thị trường TCVM. Trong đó, đặc biệt phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của các chương trình, dự án TCVM do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ thực hiện”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo.
Trên cơ sở rà soát, báo cáo và tổng hợp các kiến nghị của các tổ chức TCVM, cũng như các ban, ngành, địa phương, NHNN sẽ nghiên cứu, xây dựng quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg (Quy định về hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ - PV) để trình Thủ tướng ban hành, nhằm chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức TCVM.
Song song đó, xem xét rà soát các yếu tố pháp lý cần thiết để tính toán đến khả năng chuyển đổi mô hình của một số quỹ TCVM trực thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trở thành các tổ chức tài chính độc lập, hoạt động TCVM chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn.
Đồng vốn của quỹ CEP giúp người dân phát triển kinh tế gia đình |
Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, hiện nay trên địa bàn có 2 tổ chức TCVM đã được NHNN cấp phép đang hoạt động với mạng lưới rộng khắp và khá hiệu quả. Trong đó, Tổ chức TCVM TNHH một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP), hiện đang có 17 chi nhánh tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM với tổng dư nợ cho vay (đến cuối tháng 4/2019) đạt khoảng 3.820 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED – thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM) cũng đang cho vay khoảng 50 tỷ đồng đối với hàng chục ngàn hộ gia đình khó khăn ở các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
TP.HCM hiện cũng đang chuẩn bị hồ sơ để cấp phép hoạt động đối với một tổ chức TCVM khác là Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting. Nếu các thủ tục về pháp lý của đơn vị này đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật thì sắp tới sẽ có thêm một số quỹ TCVM tham gia thị trường tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.
Chủ trương khuyến khích phát triển thị trường của lãnh đạo NHNN Việt Nam nhận được sự đồng thuận của các tổ chức TCVM. Theo đó, lãnh đạo các tổ chức kiến nghị, NHNN Việt Nam nghiên cứu bổ sung thêm một số đối tượng khách hàng mà các tổ chức TCVM được phép cho vay. Các tổ chức TCVM cũng kiến nghị NHNN Việt Nam nghiên cứu cho phép họ được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng hoặc làm đại lý thanh toán cho các NHTM nhằm thuận tiện hơn trong giao dịch vay vốn, gửi tiền.
Trong khi đó, NHNN chi nhánh TP.HCM kiến nghị NHNN Việt Nam sớm hướng dẫn trong việc xác định những tổ chức nào là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ thuộc đối tượng áp dụng Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg. Đồng thời hướng dẫn xác định mức vốn phù hợp của tổ chưc TCVM để chi nhánh có cơ sở xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký cho các chương trình, dự án TCVM có nhu cầu chuyển đổi và thành lập trong thời gian tới.