Phòng vệ thương mại còn lẻ tẻ
Quyết định 9990/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có hiệu lực thi hành từ ngày 24/1/2014. Để đảm bảo việc thu thuế được thống nhất và chính xác, ngày 23/1/2014, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 1230/BTC-TCHQ hướng dẫn hải quan các tỉnh, thành phố tiến hành áp dụng thuế chống bán phá giá theo chủ trương của Bộ Tài chính.
Thép không gỉ trong nước lao đao vì sản phẩm nhập khẩu
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số nhà sản xuất thép không gỉ nước ngoài xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn không gỉ có nguồn gốc xuất xứ từ Malaysia sẽ ở mức 14,38%, Đài Loan là 30,73%, Indonesia 12,03% và Trung Quốc là 6,99% (mức thuế suất trước đó là từ 0% - 10%).
Được biết, Công ty Bahru Stainless là DN Malaysia duy nhất xuất khẩu khoảng 7.000 tấn thép không gỉ cán nguội sang Việt Nam, ước tính khoảng 50 triệu RM (tương đương 15,2 triệu USD) mỗi năm.
Theo Hội đồng Tư vấn các biện pháp Phòng vệ thương mại quốc tế (VCCI), đây là vụ điều tra chống bán phá giá duy nhất trong năm qua do Việt Nam khởi xướng và có biện pháp đáp trả mạnh mẽ, sau khi nhận thấy ngành sản xuất thép không gỉ trong nước có nguy cơ bị thiệt hại đáng kể do cạnh tranh không lành mạnh của sản phẩm nhập khẩu.
Trước đó, một vài vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu tinh luyện, kính nổi cũng đã được Việt Nam khởi xướng song đã nhanh chóng khép lại do nhận thấy sự gia tăng nhập khẩu không phải nguyên nhân chính gây thiệt hại cho những ngành sản xuất này trong nước.
Việc có quá ít các vụ khởi kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu được cho là do các DN nội địa ít chủ động phối hợp và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng. Một số chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cho rằng, mặc dù các DN Việt Nam đã bắt đầu có ý thức về vấn đề phòng vệ thương mại nhưng thực tế cho đến tận thời điểm hiện tại, các hành động phòng vệ của DN trong nước vẫn hết sức yếu ớt và lẻ tẻ.
Điều này có thể chứng minh bằng con số cụ thể, nếu chỉ tính riêng trong vài năm qua, các vụ kiện có liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp mà DN và chính phủ các nước áp đặt với hàng hóa Việt Nam đã lên đến hàng trăm vụ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tiêu thụ, sản xuất của trong nước. Ngược lại, phía Việt Nam mới chỉ lên tiếng được một vài vụ việc khi nhận thấy thiệt hại đã nhãn tiền.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt cho biết, nền sản xuất trong nước gặp khó khăn không chỉ bởi sức cầu yếu mà chính bởi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của sản phẩm ngoại nhập cùng loại. Trong đó, phải kể đến khối lượng không nhỏ sắt thép nhập khẩu ồ ạt từ một số nước lân cận với mức giá rẻ hơn.
Dù chất lượng sản phẩm nhập khẩu không được đảm bảo nhưng với thị trường xây dựng khó khăn hiện nay, hàng nhập khẩu giá rẻ đã tạo áp lực rất lớn lên các DN ngành thép của Việt Nam.
Cái khó của DN sản xuất trong nước là sự liên kết chưa chặt chẽ để tạo thành tiếng nói đồng thuận. Cũng như, sự tham gia, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, hiệp hội, ban ngành trong việc bảo vệ cho nền sản xuất nội địa chưa đầy đủ.
Đó là chưa kể đến phần lớn DN Việt Nam vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, thậm chí thiếu hiểu biết về vấn đề phòng vệ thương mại, coi đó không phải là việc của DN mình. Chỉ đến khi thấy nguy cơ sụt giảm thị phần ngay trước mắt, DN mới nghĩ đến nguyên nhân đang vấp phải là sự cạnh tranh trực tiếp của sản phẩm ngoại nhập ngay tại sân nhà, mới có tiếng nói lên các cơ quan quản lý.
Một DN có quy mô lớn hoạt động trong ngành thép đưa dẫn chứng. Nếu chỉ tính riêng về lĩnh vực thép, Trung Quốc đang chiếm đến 50% sản lượng toàn cầu. Ở nhiều ngành sản xuất công nghiệp khác như may mặc, đồ chơi, đồ gia dụng… hàng Trung Quốc thậm chí còn “phủ sóng” đến 70 - 80% thị phần.
Trong khi Việt Nam là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, hành lang pháp lý, hàng rào bảo vệ còn lỏng lẻo nên không riêng gì sản phẩm thép mà nhiều sản phẩm khác đang dần bị chiếm lĩnh thị phần. Theo vị này, muốn sản xuất trong nước không bị đè bẹp thì việc lập hàng rào bảo vệ là hết sức cần thiết và đây cũng là biện pháp mà nhiều nước đi trước đang sử dụng rất hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, để công cụ phòng vệ thương mại có thể trở thành lá chắn hữu hiệu cho sản xuất trong nước, bản thân mỗi DN cần có bộ máy tư vấn pháp lý dày dạn kinh nghiệm để sẵn sàng ứng phó với những động thái cạnh tranh không lành mạnh từ nước ngoài.
Đây cũng là cơ sở, nền tảng để các cơ quan chức năng có thể vào cuộc. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương rất quan tâm và tích cực đồng hành với cộng đồng DN trong vấn đề cập nhật tình hình, nghiên cứu các trường hợp tương tự tại khu vực và thế giới để có thể tiến hành các biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn và ứng phó với các nguy cơ bán phá giá trên thị trường Việt Nam.
Bài và ảnh: Nhật Minh