Phòng vệ thương mại: Muốn thắng phải chủ động
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung |
Bà đánh giá thế nào về việc một số DN ngành dầu ăn và thép đệ đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) yêu cầu sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trước sản phẩm nhập khẩu cùng loại?
Với vai trò là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho các DN về PVTM, Hội đồng tư vấn về PVTM rất hoan nghênh sự tích cực của DN ở cả khả năng nắm bắt pháp luật nội địa cũng như công cụ được phép trong WTO để bảo vệ ngành của mình trước sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu.
Với vụ việc của ngành thép yêu cầu khởi kiện chống bán phá giá (CBPG) đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là đơn kiện đầu tiên của ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra CBPG, nhưng nó có trở thành vụ kiện CBPG hay không còn phải phụ thuộc vào việc xem xét của cơ quan điều tra là Cục Quản lý cạnh tranh.
Theo bà, những khởi xướng về kiện CBPG như vậy có phải là tín hiệu cho thấy DN Việt Nam sẽ còn sử dụng nhiều hơn công cụ PVTM trong thời gian tới?
Sử dụng các biện pháp PVTM đã trở thành xu thế từ sau khủng hoảng năm 2008 ở các nước, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Việt Nam đã phải kháng kiện tại nhiều thị trường khi đối mặt với khoảng 50 vụ nên đã có kinh nghiệm. Đây là lý do để DN đặt ra câu hỏi tại sao có công cụ mà không biết cách tận dụng? Do đó, hai vụ việc nêu trên là dấu hiệu tích cực thể hiện sự chủ động của DN trong việc sử dụng các biện pháp PVTM. Tuy nhiên, mới chỉ có hai vụ việc thì chưa thể nói là khởi đầu cho một xu thế sử dụng nhiều hơn các biện pháp PVTM ở Việt Nam.
Nhiều chuyên gia lo ngại về những tác động trái chiều có thể đến từ các biện pháp PVTM của DN Việt Nam, đặc biệt với những đối thủ có nguồn lực mạnh. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Trong một vụ việc, cần xem xét đối thủ ở việc họ đưa ra lập luận pháp lý như thế nào, hoặc khả năng kháng kiện của ngành đó ra sao, chứ không xem xét năng lực sản xuất của ngành xuất khẩu ở nước bị điều tra. Ví dụ như ngành thép của Trung Quốc, có thể thấy DN nước này bị kiện ở nhiều thị trường, nên có thể hoàn toàn đưa ra lập luận và bằng chứng.
Nhưng với DN Việt Nam, nếu chúng ta khởi xướng điều tra thì sẽ là vụ kiện CBPG đầu tiên, nên sẽ khó khăn và bỡ ngỡ. Tuy nhiên, tôi hy vọng với sự hỗ trợ từ cơ quan điều tra và đơn vị cung cấp thông tin về thống kê số liệu, các DN thép có thể vững vàng trong vụ kiện này.
Trên thực tế, việc áp thuế CBPG cũng thường dẫn đến nguy cơ bị trả đũa lớn hơn. Nhưng nếu lo ngại bị trả đũa khi vụ việc của ngành thép được thông qua thì chưa có cơ sở. Vì để tiến hành điều tra cần phải xem xét lượng hàng Việt Nam xuất sang nước có yêu cầu khởi kiện có nguy cơ bị kiện hay không. Với Trung Quốc, đến thời điểm hiện tại tôi chưa thấy có quan ngại hay cảnh báo nào từ phía thị trường này đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang nước này...
Vậy bà có thể đưa ra một số lời khuyên cho các DN để việc sử dụng công cụ PVTM mang lại hiệu quả hữu ích?
Để các DN có thể khởi kiện, ngoài việc nâng cao khả năng nhận thức, hiểu biết về pháp luật nội địa và về PVTM trong WTO, DN cần có sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước như Thống kê, Hải quan về các thông tin, số liệu làm bằng chứng phục vụ cho đơn kiện.
Ngoài ra, bản thân DN cũng phải chủ động chuẩn bị về năng lực khác như tiếp cận những thông tin, đơn kiện, kinh nghiệm kháng kiện từ các thị trường khác để qua đó rút ra kinh nghiệm. Để tham gia vụ kiện tốn nhiều chi phí nhân lực, thời gian, tài chính và đưa ra lập luận xác đáng nhất cũng cần có sự liên kết giữa các DN...
Xin cảm ơn bà!
Việt Thúy thực hiện