PVN lên kịch bản ứng phó giá dầu
Ảnh minh họa
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 ngành Công Thương sáng nay (31/12), Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, trong bối cảnh giá dầu đang giảm sâu, ảnh hưởng đến doanh thu và nộp ngân sách nhà nước, PVN đang lên các kịch bản ứng phó với diễn biến này.
Cụ thể, theo PVN, các tổ chức tư vấn uy tín trên thế giới dự báo giá dầu thế giới dao động 30-60 USD/thùng. Tham khảo các dự báo trên, tập đoàn nhận định năm 2016 tiếp tục là năm hết sức khó khăn do giá dầu dự báo thấp hơn giá kế hoạch (60 USD/thùng). Cũng theo tính toán của tập đoàn này, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng thì doanh thu giảm 5.400 tỷ đồng, nộp ngân sách giảm 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế giảm 560 tỷ đồng.
Ông Khánh cũng cho biết để ứng phó với tình trạng này, PVN đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế tối đa các tác động tiêu cực bằng việc kiểm soát giá thành từng mỏ để xây dựng các giải pháp kinh tế khả thi. Dự kiến giá thành khai thác dầu trung bình tại các mỏ ở trong nước năm 2016 là 27,4 USD/thùng, trong đó mỏ có giá thành cao nhất là mỏ Sông Đốc (58 USD/thùng), thấp nhất là các mỏ Cửu Long (Sử tử vàng - Sư tử đen giá thành 12,7 USD/thùng).
“Với giá thành tại các mỏ nêu trên, nếu xuất bán thì Nhà nước có nguồn thu ngân sách 18-20 USD/thùng. Trong trường hợp giá dầu xuất bán trên 45 USD/thùng thì việc khai thác dầu tại các mỏ sẽ đạt hiệu quả. Nếu giá dưới 45 USD/thùng, một số mỏ sẽ gặp khó khăn và nếu dừng khai thác thì Nhà nước không có nguồn thu, PVN lỗ phần chi phí bảo dưỡng mỏ”, ông Khánh nói.
Vì vậy, để đối phó với phương án này, PVN đã chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu thực hiện giải pháp: rà soát tổng thể chi phí từng mỏ, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành; cân đối sản lượng và giá thành từng mỏ; tăng cường công tác quản trị rủi ro, các phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đại diện PVN cũng cho biết, nguyên nhân khiến giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu và kéo dài do cung vượt cầu. Sản lượng hiện tại trên thế giới là 93-94 triệu thùng/ngày trong khi nhu cầu 90-92 triệu thùng/ngày; các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC tuyên bố không cắt giảm sản lượng để giữ vững thị phần; nguồn cung dầu từ Iran tăng do lệnh trừng phạt của các nước phương Tây được gỡ bỏ; nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc giảm và sự giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ...