Quay lại kiểm soát doanh nghiệp: Thách thức với tiến trình thoái vốn Nhà nước
Ít ngày nay, chuyện bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco - người đã gắn bó với DN hơn 37 năm và góp phần lớn vào sự phát triển của một trong những đơn vị dược có thương hiệu và uy tín nhất trong ngành - có thể sẽ rút khỏi vị trí hiện tại đang được đồn đoán. Nhất là sau khi có thông tin đơn vị nắm phần vốn Nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ “can thiệp sâu hơn” vào DN này.
Nhà máy sản xuất đông dược của Traphaco được đầu tư khá hiện đại |
Quyết duy trì đặc quyền
Chuyện cổ đông nắm vốn Nhà nước can thiệp vào nhân sự DN không chỉ có ở một mình Traphaco. Còn nhớ những câu chuyện tương tự đã từng diễn ra ở một số DN lớn như Vinamilk hay Dược Hậu Giang.
Theo đó, những lãnh đạo chủ chốt làm nên thành công của DN đã phải nhường vị trí lãnh đạo cao nhất cho người khác. Mặc dù thực tế chứng minh, thành công của những công ty này là nhờ vào bản lĩnh lãnh đạo của các thành viên dầy dặn kinh nghiệm trong HĐQT, chứ không phải do vai trò của cổ đông nắm vốn Nhà nước.
Phát triển từ những bước đầu là tổ sản xuất nhỏ, đến thời điểm tiến hành cổ phần hóa vào năm 1999, xuất phát điểm của Traphaco khá thấp khi chỉ là một công ty với 300 nhân viên và vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 16 năm, hiện đây đã là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Việt Nam với 1.600 nhân viên và giá trị vốn hoá thị trường lên đến 2.500 tỷ đồng.
Thực tế, Traphaco đã đi qua những ngày tháng bươn chải thực hiện chiến lược phát triển với nhiều thời khắc khó khăn và tiềm ẩn đầy rủi ro, khi đó vai trò của cổ đông nắm vốn Nhà nước tại DN có thể coi là khá mờ nhạt. Nhưng chỉ cho đến khi Traphaco đứng trước các mốc chuyển mình tại kỳ đại hội lần này, vai trò “vốn Nhà nước” mới đột ngột được chú ý, khi có thông tin về khả năng can thiệp sâu hơn vào DN.
Có lẽ chỉ cho đến lúc này, nhiều người mới vỡ lẽ nguyên nhân của việc trùng trình thoái vốn Nhà nước tại Traphaco. Bởi theo Luật DN năm 2005, các cổ đông chiếm hơn 35% số cổ phần tại DN thì được quyền phủ quyết nghị quyết của ĐHCĐ về bất kỳ vấn đề nào.
Trong khi đó, từ khi tiến hành cổ phần hóa đến nay, tỷ lệ vốn của SCIC tại Traphaco giảm nhưng hiện được chốt cứng ở mức trên 35%. Trong suốt nhiều năm qua, Traphaco cũng không được huy động thêm vốn, có lẽ do những quan ngại pha loãng cổ đông và thay đổi tỷ lệ sở hữu tại DN?
Một minh chứng về “toan tính trói buộc” là năm 2014, 62% cổ đông của Traphaco, bao gồm cả 2 cổ đông lớn nước ngoài là Mekong Capital và Vietnam Holdings, đều thống nhất việc nâng tỷ lệ sở hữu của Traphaco lên 90% tại CTCP Công nghệ cao Traphaco (CNC). Tuy nhiên, tỷ lệ 62% đã không có quyền định đoạt nhiều hơn 35,6% của SCIC, khi cổ đông này phủ quyết kế hoạch.
Theo nguồn tin từ DN, nếu kế hoạch được thông qua, CNC trở thành công ty con với tỷ lệ vốn trên 90% thuộc công ty mẹ, Traphaco có thể tận dụng thuế ưu đãi dành cho DN công nghệ cao, được hưởng mức đóng thuế thu nhập DN chỉ 5% trong vòng 9 năm liên tiếp. So với mức thuế 22% khi đó, đây sẽ là nguồn vốn tích luỹ vô cùng có lợi cho DN.
Chính vì thế, việc “cổ đông Nhà nước” không thuận theo quyết sách có lợi trên có thể hiểu rằng, nếu tham gia cuộc chơi này, tỷ lệ sở hữu của “cổ đông Nhà nước” sẽ giảm xuống dưới 35%, đối mặt với việc mất quyền phủ quyết?
Cũng trong giai đoạn đó, Traphaco tiến hành chính sách cải tổ hệ thống phân phối mang tính bước ngoặt, xuất phát từ ý kiến của Quỹ đầu tư Mekong Capital. Để cải tổ toàn diện, Traphaco đã đối diện với một năm mà kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Các ràng buộc về bán theo giá niêm yết, chế độ thanh toán chặt chẽ hơn… đã ít nhiều tạo rào cản kinh doanh.
Nhưng chỉ 1 năm sau, khi thị trường đã kịp làm quen cung cách bán hàng mới, Traphaco bắt đầu hái quả với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong ngành. Sự tư vấn của NĐT ngoại được đội ngũ lãnh đạo Traphaco đánh giá rất cao vào thời điểm đó, rất khác với hành xử “bỏ mặc” của “cổ đông Nhà nước”.
Quản lý vốn hay hành chính hoá quản trị?
“Là Chủ tịch HĐQT, tôi luôn nợ các NĐT nước ngoài câu hỏi khi nào thì Nhà nước sẽ thoái vốn, vì bản thân tôi cũng không nắm được”, bà Thuận chia sẻ. Cho đến thời điểm đầu năm 2015, nhiều ý kiến vẫn dự đoán rằng Traphaco nhiều khả năng sẽ nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC.
Bởi nếu đối chiếu với Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, thì sản xuất dược phẩm không phải là 1 trong 4 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước phải quản lý và có DNNN hoạt động trong đó. Tuy nhiên, tới thời điểm cuối năm ngoái, không thuộc danh mục 10 DN lớn mà SCIC tiến hành thoái vốn, Traphaco lại nằm trong danh sách “giữ lại”.
Nhận xét về động thái can thiệp của cơ quan đại diện vốn Nhà nước như ở Vinamilk, hay có thể cả Traphaco sắp tới, một chuyên gia cho rằng việc làm này là “hành chính hoá” công tác quản trị DN. Trong khi đáng lẽ, các DN phải tuân thủ những nguyên tắc vận hành theo thị trường, mà không tuân theo quyết định hành chính của bất cứ ai cả. Bên cạnh đó, vai trò thúc đẩy phát triển hiệu quả đồng vốn của Nhà nước tại DN dường như lại chưa được cơ quan này phát huy.
Nếu bóc tách báo cáo tài chính trong 5 năm gần đây, có thể thấy chi phí bán hàng và chi phí quản lý trên doanh thu của Traphaco đang tăng dần với tỷ lệ khoảng 0,4 - 0,5%/năm. Tại sao áp dụng công nghệ, phương thức bán hàng mới mà chi phí quản lý tăng trong khi quy mô bộ máy không tăng? Điều này cho thấy cơ cấu quản trị DN có vấn đề, làm giảm lãi suất của cổ đông, và đẩy phần lãi này vào chi phí bán hàng và quản lý. Như vậy, kết quả chung là sẽ làm giảm lợi nhuận của các cổ đông.
Đó là vấn đề mà cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước cần phải lý giải được, tất nhiên bên cạnh đó là nỗ lực cải thiện tình hình của đội ngũ điều hành DN hiện nay. “Quản lý vốn Nhà nước phải thấy được điều đó, chứ không phải cứ thấy con số doanh thu, lợi nhuận ngày càng tăng thì cho rằng đó là DN đang hoạt động hiệu quả và cần áp sát để quản lý”, một chuyên gia tài chính bình luận.
Cũng cần nhắc lại là, mô hình quản lý vốn Nhà nước hiện đại mà chúng ta hướng tới hiện nay đều dựa trên nguyên tắc lãnh đạo công ty là những người hiểu rõ nhất họ cần gì và phải làm gì để thành công. Theo đó, cơ quan đại diện sở hữu vốn tham gia góp vốn, và có thể đưa ra lời tư vấn nếu cần, nhưng luôn giữ vững nguyên tắc không tham gia và can thiệp trực tiếp vào quản lý DN.
Hiện nay, SCIC đang nắm giữ vốn và tham gia quản lý ở trên 230 DN (trong đó có hơn 40 DN niêm yết), với vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách kế toán khoảng 17.000 tỷ đồng. Với con số này, khó có thể đảm bảo khi SCIC “can thiệp sâu hơn vào DN” thì sẽ làm tốt hơn những người đi lên từ chính DN...