Quy định thông tin tiền gửi được bảo hiểm
Được biết, đây là lần đầu tiên BHTGVN ban hành Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm. Xin bà cho biết đôi nét về quy chế này?
Đúng như vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc xin ý kiến các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG), Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội QTDND đến việc trực tiếp đi khảo sát về khả năng thực hiện quy chế tại một số NHTM có quy mô lớn và một số QTDND ở vùng sâu, vùng xa, cũng như làm việc, trao đổi trực tiếp với Tổng công ty Bảo hiềm tiền gửi Malaysia để tham khảo kinh nghiệm và xin ý kiến của NHNN.
Bà Phạm Bảo Khánh - Phó Tổng giám đốc BHTGVN |
Quy chế hướng tới đảm bảo việc quản lý, lưu trữ và báo cáo thông tin về tiền gửi và người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG được thống nhất, đầy đủ, phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN và qua đó, góp phần bảo vệ người gửi tiền tốt hơn.
Đối tượng phải thực hiện quy chế là các tổ chức tham gia BHTG, gồm NHTM, Ngân hàng Hợp tác xã, QTDND, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính vi mô.
Quy chế này chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2018.
Theo quy chế, các tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm báo cáo những thông tin gì, thưa bà?
Theo quy chế, tổ chức tham gia BHTG cung cấp cho BHTGVN các thông tin như sau:
Thứ nhất, về thông tin cung cấp định kỳ, tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp các thông tin về số dư tiền gửi được bảo hiểm theo khách hàng. Thông tin này được cung cấp theo định kỳ tháng.
Tiếp theo, tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp các thông tin tổng hợp như tổng số dư tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm, tổng số người gửi tiền được bảo hiểm... Các thông tin này được cung cấp theo định kỳ quý.
Ngoài 2 loại thông tin được cung cấp định kỳ nói trên, tổ chức tham gia BHTG còn có trách nhiệm duy trì tại tổ chức mình một số thông tin chi tiết liên quan tới tiền gửi của người gửi tiền theo mẫu quy định.
Bà vừa nhắc tới việc duy trì, vậy tổ chức tham gia BHTG phải duy trì thông tin như thế nào, thưa bà?
Các tổ chức tham gia BHTG phải lưu giữ tại đơn vị các thông tin cá nhân của người gửi tiền như tên khách hàng, giấy tờ cá nhân, số dư tiền gửi… Khi đến kiểm tra tại các tổ chức tham gia BHTG, chúng tôi có thể yêu cầu các tổ chức này cung cấp trực tiếp.
Việc duy trì hệ thống mẫu biểu thông tin báo cáo tại tổ chức tham gia BHTG và chỉ cung cấp trực tiếp cho các đoàn kiểm tra của BHTGVN tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, đồng thời giúp BHTGVN xác minh được dữ liệu liên quan đến tiền gửi được bảo hiểm, chủ động và đảm bảo tính sẵn sàng trước khi phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp giảm gánh nặng báo cáo cho các tổ chức đồng thời đảm bảo yêu cầu về bảo mật thông tin.
Theo bà, để thực hiện quy chế trên, tổ chức tham gia BHTG cần chuẩn bị những gì?
Trước tiên, tổ chức tham gia BHTG cần chuẩn bị sẵn sàng các dữ liệu về tiền gửi được bảo hiểm theo đúng yêu cầu định dạng tại quy chế. Ngoài ra, để thực hiện truyền thành công dữ liệu về BHTGVN, theo tôi các tổ chức tham gia BHTG cần chuẩn bị hệ thống công nghệ tin học và đảm bảo đáp ứng yêu cầu về đường truyền.
Cũng theo quy chế, tổ chức tham gia BHTG cần đăng ký thông tin liên hệ của người có thẩm quyền và người thực hiện cung cấp thông tin báo cáo để thuận tiện trong quá trình tra soát.
Với khoảng thời gian hơn 6 tháng kể từ khi quy chế ban hành đến khi quy chế có hiệu lực, các tổ chức tham gia BHTG sẽ có thời gian chuẩn bị dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin và truyền thử dữ liệu. BHTGVN sẽ có bộ phận hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của các tổ chức tham gia BHTG trong quá trình triển khai quy chế.
Đây là lần đầu tiên Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm được ban hành, vậy để triển khai quy chế đạt hiệu quả, BHTGVN đã có kế hoạch như thế nào?
Chúng tôi cũng nhận thức được đây là văn bản quy định về thu thập thông tin về tiền gửi được bảo hiểm lần đầu tiên được ban hành, việc truyền nhận dữ liệu với khối lượng thông tin báo cáo lớn và yêu cầu nhất định về công nghệ đòi hỏi phải có các biện pháp tổ chức thực hiện tương đối bài bản.
Để triển khai quy chế, chúng tôi đã chuẩn bị hệ thống công nghệ thông tin để tiếp nhận, lưu trữ và xử lý khối lượng thông tin báo cáo lớn từ các tổ chức tham gia BHTG. Dự kiến trước khi quy chế có hiệu lực, BHTGVN tổ chức chương trình tập huấn thực hiện quy chế cho các tổ chức tham gia BHTG.
Với hơn 6 tháng để chuẩn bị, chúng tôi dự kiến sẽ có 4 tháng để các tổ chức tham gia BHTG chuẩn bị hệ thống công nghệ tin học và truyền thử dữ liệu, 2 tháng còn lại sẽ chỉnh sửa hệ thống báo cáo, đường truyền để có thể đưa vào sử dụng chính thức.
Tại quy chế, có một số mẫu biểu liên quan đến phí bảo hiểm tiền gửi. Xin hỏi bà, việc nộp phí BHTG có gì thay đổi so với trước đây hay không?
Việc nộp phí BHTG vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành, hiện tại không có gì thay đổi.
Thưa bà, vậy việc ban hành một quy chế về việc báo cáo thông tin tiền gửi được bảo hiểm của các tổ chức tham gia BHTG có ý nghĩa như thế nào?
Chúng tôi muốn chia sẻ thêm rằng, nhiều tổ chức BHTG trên thế giới đều có quy định, hướng dẫn về việc thu thập thông tin về tiền gửi được bảo hiểm từ các tổ chức tham gia BHTG.
Ở Việt Nam, trước khi ban hành quy chế, chúng tôi đã thu thập thông tin về tiền gửi được bảo hiểm thông qua khảo sát định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên cách thu thập tạm thời qua khảo sát gặp khó khăn trong việc gửi, nhận, tra soát, chỉnh sửa dữ liệu, mất nhiều thời gian và hiệu quả mang lại không cao.
Quy chế này ra đời đã quy định rõ về cách thức thu thập thông tin, phương thức báo cáo, thời hạn gửi cũng như trách nhiệm của tổ chức tham gia BHTG, do đó các tổ chức tham gia BHTG sẽ luôn duy trì, đảm bảo tính sẵn sàng về số liệu tiền gửi khi chúng tôi yêu cầu cung cấp. Điều này sẽ giúp chúng tôi có những dữ liệu đầy đủ và kịp thời hơn. Những dữ liệu này là cơ sở để BHTGVN nghiên cứu đề xuất chính sách về BHTG cũng như xây dựng, diễn tập các kịch bản mô phỏng chi trả với mục đích thực hiện nhanh chóng khi phát sinh nghĩa vụ chi trả. Qua đó, BHTGVN góp phần thiết thực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền.
Xin cảm ơn bà!