Quyết đẩy lùi hàng lậu, hàng giả
Diễn biến phức tạp
Thời gian qua, tại khu vực Tây Nguyên, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra khá phức tạp. Nhiều đối tượng gian thương, lợi dụng địa bàn hiểm trở, lực lượng chức năng mỏng đã trà trộn vận chuyển, buôn bán; xâm nhập vào thị trường tiêu dùng.
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2019, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh Đăk Lăk phát hiện 1.438 vụ vi phạm về hàng lậu, hàng giả, nhái và gian lận thương mại. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 6 vụ, tổng số tiền thu qua xử lý trên 35,2 tỷ đồng. Hàng hóa tịch thu chủ yếu là thuốc tân dược, thuốc lá điếu ngoại nhập, thuốc bảo vệ thực vật, giày dép, quần áo cũ, điện thoại di động đã qua sử dụng...
Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi |
Cùng đó, trong quý I/2019, Cục quản lý thị trường kiểm tra 269 cơ sở và phát hiện 211 vụ vi phạm hành vi buôn lậu, tiến hành xử phạt hành chính trên 2,2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa hơn 1 tỷ đồng.
Theo Cục quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk, một bộ phận người dân địa phương vẫn chưa nhận thức được việc sử dụng các mặt hàng đồ điện tử, điện gia dụng, quần áo đã qua sử dụng nhập lậu… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và an toàn của người tiêu dùng.
Do vậy, để giải quyết vấn nạn hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, ngoài sự kiểm tra, kiểm soát quyết liệt của cơ quan chức năng thì rất cần sự chung tay của người dân. Theo Cục quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk, người tiêu dùng cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động đấu tranh, tố giác khi phát hiện các cửa hàng, cửa hiệu, kho, bến bãi tập kết, buôn bán hàng lậu, không rõ nguồn gốc; kiên quyết nói không với việc sử dụng những sản phẩm hàng lậu trôi nổi, giá rẻ trên thị trường...
Cần phối hợp chặt chẽ để đấu tranh phòng chống
Gia Lai có Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tiếp giáp với Campuchia và tuyến quốc lộ 14 nối liền với nhiều tỉnh nên luôn là điểm nóng của tình trạng buôn lậu và hàng cấm. Các loại tội phạm này hoạt động với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Các đối tượng thường lợi dụng các đường tiểu ngạch, lối mở ở khu vực cửa khẩu để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm từ lãnh thổ Campuchia vào nội địa.
Cùng đó, chúng còn thiết kế, độ chế thêm các ngăn, hầm bí mật ở những vị trí khuất tầm nhìn trên xe ô tô để chứa hàng; Phương thức trao đổi, giao dịch cũng ngày càng tinh vi, khó nắm bắt. Các đối tượng lợi dụng đêm tối, địa điểm ít người qua lại, khu vực rừng giáp ranh với Campuchia để mua bán hàng hóa gây khó khăn cho lực lượng chức năng...
Trước diễn biến phức tạp trong lĩnh vực buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, mới đây, Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 và quý I/2019 trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai, trong năm 2018 và quý I/2019, các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 4.689 vụ vi phạm. Trong đó, có 1.323 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 3.344 vụ gian lận thương mại, an toàn thực phẩm, các điều kiện kinh doanh và 22 vụ liên quan đến hàng giả. Lực lượng chức năng xử phạt hành chính 3.718 vụ với số tiền phạt, truy thu và bán hàng hóa tịch thu trên 65 tỷ đồng; khởi tố hình sự 60 vụ, với 46 đối tượng; số còn lại xử lý tang vật do vắng chủ và đang xác minh chuyển tiếp sang quý II/2019.
Ông Nguyễn Thế Anh, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, đánh giá cao công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, cần tăng cường nắm bắt địa bàn, kiểm soát chặt chẽ những tuyến đường mòn, lối mở, kho, bãi tập kết... để chủ động tổ chức triển khai các giải pháp nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm trước khi lưu thông trên thị trường.
Cùng đó, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặc chẽ để nắm chắc tình hình, nắm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tác hại của việc tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc...