Quyết định thận trọng và hợp lý
Nhân tố tích cực cho thị trường | |
Tính hợp lý của lãi suất chủ đạo | |
Giảm lãi suất là sự nỗ lực của ngành Ngân hàng |
NHNN vừa quyết định giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, đồng thời, điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Quyết định điều chỉnh đồng thời hai công cụ lãi suất gián tiếp và trực tiếp trên nhằm hỗ trợ cho các TCTD giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN khi có nhu cầu, qua đó đáp ứng đầy đủ nguồn vốn để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho DN. Việc giảm lãi suất điều hành mà không phải là trần lãi suất huy động của NHNN được đánh giá khôn khéo và cần thiết. Phóng viên
Thời báo Ngân hàng ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, NHTM về động thái này của NHNN cũng như tác động của nó đến thị trường.
Ông Võ Trí Thành |
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành:
Thận trọng là cần thiết
Tôi nghĩ rằng, trước sự quyết liệt thực hiện mọi biện pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng, là thành viên của Chính phủ chắc chắn NHNN không thể đứng ngoài. Nhưng NHNN đã rất khéo chọn thời điểm này khi đang có nhiều yếu tố thuận lợi để cho nhà điều hành thực hiện điều chỉnh hạ lãi suất. Xét yếu tố nội tại, lạm phát giảm, thanh khoản NH dồi dào. Áp lực từ các nhân tố bên ngoài đang giảm dần như mức độ phá giá đồng nội tệ của các bạn hàng Việt Nam đang giảm; mức tăng của hàng hóa trên thị trường thế giới không còn mạnh so với cách đây mấy tháng.
Việc sử dụng công cụ tiền tệ của NHNN ngày càng nhuyễn, thể hiện sự linh hoạt nhưng rất thận trọng |
Không chỉ khéo chọn thời điểm, cách chọn công cụ chính sách cũng cho thấy việc sử dụng công cụ tiền tệ của NHNN ngày càng nhuyễn, thể hiện sự linh hoạt nhưng rất thận trọng. Sự thận trọng thể hiện rõ khi NHNN không dùng biện pháp hành chính mà dùng công cụ thị trường với mức giảm nhẹ, đồng thời giữ nguyên trần huy động lãi suất và kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% (có thể điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế). Tôi cho rằng, sự thận trọng này là hợp lý và cần thiết. Vì sự nhạy cảm của thị trường này rất lớn nên bao giờ cũng cần thận trọng hơn một chút.
Để giảm lãi suất bền vững, theo tôi cần phải có các biện pháp căn cơ là ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh NH, xử lý nợ xấu, kỷ luật ngân sách.
Ông Quách Mạnh Hào |
TS. Quách Mạnh Hào - Đại học Lincoln (Anh):
Lãi suất phải đảm bảo mức hợp lý
Tín dụng là một lĩnh vực đặc biệt, nó không phải là hàng hóa thông thường để tuân theo lý thuyết “giá và lượng”. Trong "nhu cầu” tín dụng có yếu tố rủi ro và yếu tố rủi ro này tăng hay giảm lại tùy theo giá. Giá quá cao hay quá thấp đều dẫn tới rủi ro. Tín dụng cần một sự nhạy cảm và thực tiễn để biết khoảng giá nào là chấp nhận được và tối ưu cho nền kinh tế.
Nhìn vào kết quả điều tra của các TCTD gần đây, họ chỉ muốn tăng trưởng tín dụng ở mức 16,33%, nghĩa là họ không muốn tăng chứ không phải không thể tăng. Đó là bởi họ “cảm nhận” được mùi vị của rủi ro. Nhìn 6 tháng tín dụng tăng tốt, để hiểu rằng đó không phải là vấn đề giá. Bởi vậy, theo tôi cố giảm tiếp lãi suất hay hiểu cách khác là thực hiện chính sách lãi suất thấp để tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại rủi ro hơn là an toàn cho nền kinh tế.
Tôi lưu ý lại, nếu để giảm lãi suất tự nhiên thì tốt nhưng nếu giảm lãi suất một cách cố tình sẽ tạo ra tiền rẻ, khuyến khích vay mượn, chi tiêu. Tác động ngắn hạn sẽ là tăng trưởng kinh tế tốt. Tuy nhiên, lãi suất không thể thấp mãi, nó cần phải tăng lên khi lạm phát tăng trở lại. Khi đó thì vấn đề mới thực sự bắt đầu: do trước đó tiền rẻ bơm ra nhiều, bong bóng tài sản xuất hiện, vay muợn tiêu dùng xuất hiện… Do đó khi lãi suất tăng trở lại các vấn đề liên quan tới nợ xấu sẽ xuất hiện và câu chuyện sẽ giống thời kỳ 5 năm trước. Qua đó cho thấy, cả lãi suất cao quá cũng như thấp quá đều có rủi ro. Như vậy, lãi suất phải đảm bảo mức hợp lý thì mới dẫn tới phát triển bền vững. Mức hợp lý này phải phù hợp với mức rủi ro của thị trường chứ không đơn giản chỉ là san sẻ lợi nhuận giữa các ngành trong nền kinh tế.
Nhiều NH điều chỉnh cơ cấu danh mục, giảm cho vay trung dài hạn vào lĩnh vực bất động sản, giao thông vận tải |
Ông Nguyễn Đức Hưởng |
Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank TS. Nguyễn Đức Hưởng:
Cẩn trọng với bẫy thanh khoản
Điều hành chính sách tiền tệ đang phải thực hiện bài toán rất hóc búa. Đó là một mũi tên chính sách tiền tệ nhưng phải trúng tới 3 đích. Thứ nhất là kiểm soát lạm phát, thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô và thứ ba là góp phần tăng trưởng kinh tế hợp lý. Để giải quyết bài toán hóc búa này, chỉ riêng chính sách tiền tệ không thì vẫn chưa đủ mà cần phải kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và sự đồng bộ với các ngành chức năng khác.
Về phía mình, NHNN đang cố gắng hết sức để hỗ trợ DN Việt Nam phát triển. Việc giảm lãi suất trong giai đoạn này là hợp lý để dìu dắt DN đi lên. Cơ sở đầu tiên để NHNN thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất là Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua, sẽ giúp cho NH tiết kiệm chi phí hoạt động, lợi nhuận tăng lên từ đó có điều kiện để giảm thêm lãi suất. Trước mắt NH vẫn giữ ổn định lãi suất huy động như hiện nay vì nếu người gửi tiền thấy lãi suất giảm họ sẽ không gửi nữa, đầu tư vào lĩnh vực khác, đầu tư theo phong trào thì không chỉ người gửi tiền mà NH cũng gặp rủi ro vì có thể rơi vào bẫy thanh khoản trong tương lai.
Như đã nói ở trên, hiện nay giá vốn NH chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để hỗ trợ DN phát triển. Chi phí lãi suất chiếm tỷ trọng không nhiều trong cơ cấu chi phí của DN. Nút thắt lớn nhất hiện nay là môi trường đầu tư. Hiện nay các DN bị vướng mắc ở khâu trung gian với các thủ tục phiền hà, các chi phí không tên khác nữa. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện giảm giấy phép con theo hướng giao dịch một cửa. Tuy nhiên để chủ trương thực hiện hiệu quả thì không chỉ áp dụng theo hướng một cửa một chìa khóa mà còn là chìa khóa điện tử chứ không phải một cửa một khoá nhưng lại nhiều chìa. Chúng ta phải học các cơ chế quản lý DN của nước ngoài. Ví dụ, chỉ cần qua mạng là DN làm được hết tất cả các công đoạn thủ tục. DN chỉ còn nghĩ việc làm sao đầu tư nhiều lên, hiệu quả hơn cho sự phát triển của chính bản thân cũng như đóng góp cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Tùng |
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng:
Lãi suất tùy thuộc đo lường thị trường
Việc NHNN quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành là xu hướng điều hành càng ngày càng tiến bộ của cơ quan quản lý, giảm dần điều hành kiểu mệnh lệnh hành chính. Điều chỉnh lãi suất điều hành là công cụ cơ bản của chính sách tiền tệ mà rất nhiều quốc gia áp dụng. Công cụ này có tính chất gián tiếp và chắc chắn là tác nhân giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đối với câu chuyện lãi suất, ngoài chuyện định hướng của NHNN, thực ra bản thân các NH cũng mong muốn giảm lãi suất. Nhưng nếu không có tác động chính sách thì NH rất khó hạ. Vì lãi suất đầu vào không thể hạ thêm, còn tăng lãi suất cho vay thì không đành. Nếu muốn thêm vốn để cho vay, huy động đầu vào cao thì NH rủi ro. Do đó chỉ đạo có tính quyết đoán cao của NHNN, điều chỉnh chính sách cụ thể lãi suất cho vay sẽ hạ, đối tượng được hưởng trực tiếp ngay là các lĩnh vực ưu tiên.
Theo tôi, để thực hiện chỉ đạo trên, nhiều NH điều chỉnh cơ cấu danh mục, giảm cho vay trung dài hạn vào lĩnh vực bất động sản, giao thông vận tải, hoặc là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn để đầu tư sang cho vay các ngành khác, nhất là các ngành cần ưu tiên. Xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ đi xuống nhưng xuống thế nào cũng tùy tình hình thị trường. Như đối với các lĩnh vực ưu tiên chắc chắn lãi suất giảm xuống 0,5%/năm theo đúng chỉ đạo NHNN. Nhưng có thể NH lại tăng lãi suất những lĩnh vực không ưu tiên, tiềm ẩn rủi ro. Nên tính bình quân chung lãi suất sẽ không giảm được nhiều và phụ thuộc vào tín hiệu của thị trường.
Sau quyết định giảm lãi suất điều hành 0,25%/năm của NHNN và điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất (từ 7%/năm về 6,5%/năm) cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên, một loạt NH lớn, nhỏ đồng loạt công bố hạ lãi suất. LienVietPostBank là NH đầu tiên công bố giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm tức là thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa mới quy định… Trong khối cổ phần, còn có VPBank, Sacombank, Eximbank… nhập cuộc giảm lãi suất cho vay theo đúng quy định của NHNN. Đối với với khối NHTM nhà nước, cả 4 NH gồm BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. |