Giảm lãi suất là sự nỗ lực của ngành Ngân hàng
Khi lãi vay được giảm một nửa | |
Chủ động giảm lãi suất | |
NHNN giảm các mức lãi suất điều hành |
Ổn định mặt bằng lãi suất 6 tháng đầu năm và động thái giảm lãi suất ngày 7/7/2017, ổn định tỷ giá, duy trì lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0% là cách điều hành phù hợp của NHNN để hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiện tại và tương lai, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP và gửi thông điệp ngành Ngân hàng đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên trong thời gian tới không nên đặt ra vấn đề tiếp tục giảm lãi suất.
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu về điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian qua.
Ông có đánh giá như nào về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN 6 tháng đầu năm?
Ông Nguyễn Trí Hiếu |
Tôi có thể khẳng định việc điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm là chủ động, linh hoạt và thành công. Điều đó thể hiện là mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng dòng vốn vào sản xuất đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên, mặc dù ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước và quốc tế. Việc điều hành phù hợp đã góp phần để nền kinh tế vượt qua được các cú sốc tác động từ bên ngoài như sự kiện Brexit, bầu cử tổng thống Mỹ, Fed tăng lãi suất…
Theo đánh giá của tôi, giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay đã là một thành công của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ. Lãi suất cho vay phổ biến của các TCTD khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn ưu đãi từ 4-5%/năm. Các mức lãi suất này tương đối phù hợp trong điều kiện của thị trường tài chính hiện nay .
Tôi đánh giá cao động thái giảm lãi suất của NHNN ngày 7/7/2017. Điều đó thể hiện rõ nét thông điệp ngành Ngân hàng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vì thực tế bối cảnh kinh tế vĩ mô khi mà kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu và diễn biến thị trường tài chính thế giới lãi suất đang chịu nhiều sức ép tăng mà NHNN quyết tâm giảm đó là một sự nỗ lực của ngành Ngân hàng.
Liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ và diễn biến lạm phát, NHNN đã tập trung điều hành các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD ổn định lãi suất, tiếp tục chỉ đạo các TCTD kiểm soát chi phí vốn, nâng cao hiệu quả kinh doanh để giữ ổn định lãi suất huy động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, mặc dù chịu áp lực tăng nhưng mặt bằng lãi suất của các TCTD vẫn được giữ ổn định, một số ngân hàng giảm với các lĩnh vực ưu tiên.
Còn xét về những tác động từ thị trường tài chính thế giới, việc Fed liên tục tăng lãi suất trong thời gian vừa qua đã tạo sức ép lên lãi suất tiền gửi USD và cả lãi suất VND tại Việt Nam. Hiện nay tiền gửi USD tại Việt Nam vẫn phải duy trì lãi suất bằng 0% cho tất cả các kỳ hạn trong khi lãi suất cho tiền gửi USD trên thị trường tài chính thế giới đang trong xu hướng tăng.
Tôi không loại trừ khả năng vào tháng 9 này với cuộc họp của Hội đồng thị trường mở Liên Bang (Federal Open Market Committee –FOMC) lãi suất Fed Funds O/N có thể tăng thêm 0,25%/năm. Fed cũng đang lên kế hoạch thu hẹp Bảng cân đối tài sản khổng lồ của mình, và điều đó sẽ tạo nên căng thẳng thanh khoản trong hệ thống tài chính của Mỹ và toàn cầu...
Trong bối cảnh toàn cầu này, NHNN vẫn giữ được sự ổn định tương đối của lãi suất VND và vẫn duy trì lãi suất 0% cho tiền gửi USD mà không tạo ra một sự “chảy máu ngoại tệ” ra các thị trường tài chính nước ngoài là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Thống kê đến 20/6 cho thấy, huy động vốn tăng 5,89% so với cuối năm 2016, trong khi tín dụng tăng 7,54%. Nếu tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới có ảnh hưởng đến huy động vốn và kéo theo những hệ lụy khác không thưa ông?
Như trên đã phân tích, các ngân hàng đang cạnh tranh với các thị trường khác bao gồm thị trường BĐS và chứng khoán để thu hút vốn huy động, đồng thời đang nỗ lực cho vay để kiếm lời và bù đắp những chi phí, trong đó có dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Trước những thách thức đó, NHNN đã tính toán để giảm lãi suất cho vay hiện nay là sự cố gắng để góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sản suất.
Tuy nhiên nếu tiếp tục giảm lãi suất là không khả thi, trừ trường hợp NHNN đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông thông qua hoạt động tái cấp vốn, chiết khấu với lãi suất thấp, mua vào một lượng lớn trái phiếu Chính phủ từ các ngân hàng thương mại. Nhưng rủi ro ở đây là bùng phát lạm phát, tạo bong bóng trên thị trường BĐS và chứng khoán. Và khi các ngân hàng “thừa tiền” và rộng tay cho vay thì nguy cơ nợ xấu chắc chắn sẽ trở lại.
Còn theo quan điểm thị trường, hiện nay thị trường kỳ vọng tỷ lệ lạm phát ở mức 4%. Với kỳ vọng lạm phát đó, lãi suất huy động cần phải ở mức 6% và lãi suất cho vay 9%, đây là mức lãi suất cho vay thị trường đang thực hiện. Muốn đẩy mức lãi suất này xuống sâu hơn, NHNN phải nỗ lực đẩy lạm phát xuống sâu hơn nữa, có nghĩa là phải thi hành một chính sách tiền tệ thắt chặt, điều mà tạo ra nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế. Tăng trưởng GDP 2016 đã thấp hơn 2015, nếu để tăng trưởng GDP 2017 xuống thấp hơn 2016 thì sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Trong lần này, NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay mà không giảm lãi suất huy động vì động thái giảm lãi suất của NHNN trên cơ sở tính toán và cân đối các yếu tố vĩ mô khác như cân đối huy động vốn và tăng trưởng tín dụng phù hợp; đảm bảo tính thanh khoản hệ thống; đảm bảo ổn định tỷ giá và tính toán cả kịch bản Fed tăng lãi suất trong tương lai trên cục diện tổng thể đạt được mục tiêu ổn định hệ thống và ổn định vĩ mô. Do vậy tôi có thể khẳng định kịch bản giảm lãi suất đợt này của NHNN là phù hợp.