Rộng mở hàng hóa sang thị trường Úc
Nhiều yếu tố thuận lợi
Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tìm hiểu nắm bắt thông tin về nhu cầu, tiềm năng thị trường Úc, VCCI Đà Nẵng vừa phối hợp với Công ty Tiến Thịnh International tổ chức hội thảo Giao thương Việt - Úc tại TP. Đà Nẵng. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xuất khẩu hàng hóa cũng như mở rộng đầu tư kinh doanh của DN trong nước sang thị trường Úc đang có nhiều yếu tố thuận lợi...
Thị trường Úc đang có nhu cầu nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam |
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong năm 2017 tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Úc đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2016. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Úc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái; Kim ngạch nhập khẩu từ Úc vào Việt Nam đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện, Úc đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 8 và bạn hàng nhập khẩu thứ 13 của Việt Nam.
Với nhiều yếu tố thuận lợi, thị trường Úc đang được đánh giá là một trong những thị trường mang lại nhiều cơ hội cho các DN nước ngoài nói chung trong đó có DN Việt Nam. Thực tế, quốc gia này hiện phụ thuộc khá nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, nhằm phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Trong khi, thu nhập bình quân đầu người của Úc khá cao, dẫn đến sức mua lớn. Đây là cơ hội thuận lợi rất lớn cho các DN Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng sang Úc.
Đặc biệt, theo Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Úc - New Zealand (AANZFTA), khoảng 96% thuế quan của Úc đã được loại bỏ vào năm 2010, phần còn lại sẽ được thực hiện vào năm 2020. Bên cạnh, việc 11 nước vừa ký Hiệp định CPTPP (tháng 3/2018), cũng được kỳ vọng tạo cơ hội lớn cho quan hệ hai nước Việt - Úc, trong đó có những giao thương về hàng hóa sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới...
Tại hội thảo Giao thương Việt - Úc vừa diễn ra tại TP. Đà Nẵng, ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Tiến Thịnh International cho biết, là công ty chuyên tư vấn xúc tiến thương mại cho nhiều DN Việt Nam khi đầu tư, làm ăn tại thị trường Úc, từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy những lĩnh vực người Việt đang có thế mạnh ở thị trường này có thể kể tới như, nhà hàng, cà phê, bán lẻ và xuất khẩu hàng nông, thủy sản...
Yêu cầu khắt khe về sản phẩm
Bên cạnh việc xuất khẩu hàng hóa, các lĩnh vực mà người Việt đang kinh doanh khá thành công ở thị trường Úc có thể kể đến như, F&B (dịch vụ chuyên cung cấp thức ăn và đồ uống), thịt bò, nông sản, lúa gạo, trái cây… Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, một số doanh nhân Việt Nam đã kinh doanh thành công tại thị trường này.
Đơn cử như trường hợp của bà Trần Thị Châu Loan, Chủ tịch HĐQT Nam Châu Sơn Group. DN đã thành công trong việc tìm hiểu các chính sách để mở cửa hàng phân phối thịt bò tại Melbourne và Việt Nam với thương hiệu Namlia Meats, ngoài ra bà còn nhập khẩu rượu vang Úc. Hay trường hợp Coco & Lucas’ Kitchen là công ty chuyên sản xuất thực phẩm đóng gói và đóng hộp dành cho trẻ em từ 3 đến 12 tuổi...
Ở chiều ngược lại, theo ông Gary Dawes - Cố vấn cấp cao Xúc tiến thương mại, Đại diện Hiệp hội New South Wales Business Chamber, mối quan hệ hợp tác giao thương Việt Nam - Úc trong tương lai rất thuận lợi. Bởi, chính phủ hai nước đã ký tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vào tháng 3/2018.
Trên thực tế, những năm gần đây thị trường Úc đang có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng sử dụng nhiều lao động, nhất là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như, may mặc, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, hạt điều...
Hiện, DN Úc cũng đang muốn kết nối kinh doanh với DN Việt Nam trên các lĩnh vực như, nông sản, hàng điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, lĩnh vực dầu thô, giày dép, F&B, thực phẩm...
Tuy có nhiều yếu tố thuận lợi, song thị trường Úc lại có những quy định rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Để thâm nhập, cạnh tranh được tại thị trường Úc, DN phải cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm chứ không phải bằng giá thành cạnh tranh...
Bởi vậy, trước khi đưa hàng hóa sang thị trường này, DN cần tìm hiểu kỹ các quy định về kiểm dịch, mức ưu đãi thuế quan và các chi phí liên quan. Trên thực tế, người tiêu dùng hàng thực phẩm Úc có thị hiếu hướng tới các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và sẵn sàng trả mức giá cao để được tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng tương xứng.
Để có thể mở rộng đầu tư kinh doanh và xuất khẩu vào Úc, ông Gary Dawes đưa ra khuyến cáo, DN Việt Nam cần tìm hiểu kỹ văn hóa của người Úc, khảo sát trước nhu cầu tiêu dùng của thị trường cũng như đảm bảo chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Chất lượng hàng thực phẩm xuất khẩu sang Úc cũng là một câu hỏi mà DN Việt Nam cần phải giải quyết trong tương lai gần, nếu muốn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường này.
Trên thực tế, có không ít DN Việt gặp thất bại khi giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường này. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra, do DN thiếu thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng cũng như gặp khó khăn trong việc quản lý chuỗi hàng hóa...
Hỗ trợ các DN trong nước, Bộ Công thương trực tiếp là Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tìm hiểu thông tin thị trường, đưa DN sang làm việc trực tiếp với các nhà nhập khẩu hoặc hệ thống cơ quan liên quan của Úc để tìm hiểu các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa... nhằm giúp DN trong nước tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn với thị trường đầy tiềm năng mà cũng không ít khắt khe này.