Rút ngắn khoảng cách kỳ vọng
Nỗ lực từ chủ trương
“Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua NH, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt - TTKDTM” là mục tiêu chung được đặt ra trong Đề án đẩy mạnh thanh toán qua NH đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay, có 13 NH tham gia thực hiện nộp thuế điện tử 24/7 |
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, đối với dịch vụ thu ngân sách, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua NH. 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ NH. 70% công ty điện lực/nước chấp nhận thanh toán hoá đơn tiền điện/nước qua NH… 100% trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua NH; phấn đấu 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua NH. Tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua NH.
Tính từ cuối tháng 10/2017 đến nay, Tổng cục Hải quan đã ký kết hợp tác và triển khai thu thuế điện tử 24/7 với 13 NH. Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư 05/2018/TT-BTC hướng dẫn thí điểm về khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử với ô tô, xe máy, trao đổi dữ liệu điện tử thu nộp lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, có hiệu lực từ 16/3/2018 đến hết ngày 31/12/2019. NHNN cũng đã giao Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) nghiên cứu, xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam.
Hệ thống này sẽ giúp cho NHNN thực hiện giám sát tập trung các hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam, hình thành cổng thanh toán bán lẻ tại Việt Nam, đầu mối kết nối với các hệ thống bán lẻ khác trong khu vực và trên thế giới. Hỗ trợ xử lý các giao dịch thanh toán liên NH của các kênh thanh toán khác nhau như trên ATM/POS, internet, mobile, SMS…; các giao dịch ghi nợ, ghi có trực tiếp theo lịch đặt trước/định kỳ nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán của nhiều đối tượng như DN, cá nhân, các cơ quan Chính phủ… góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử trong các giao dịch thanh toán bán lẻ và thương mại điện tử…
Tham vấn ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, phần lớn đều cho rằng việc này đáng lý cần phải được tiến hành từ cách đây nhiều năm trước. Song thời điểm đó, phương tiện thanh toán phi tiền mặt chưa phổ biến như hiện nay do thói quen sử dụng tiền mặt của đại bộ phận dân chúng Việt Nam vẫn còn rất lớn. Những công ty, DN cung cấp dịch vụ công như điện, nước… cần phải có những động thái tích cực để hỗ trợ cho TTKDTM.
Hiện thực hoá bằng hành động
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt Nam hiện vẫn là một nền kinh tế nặng về tiền mặt, chủ yếu tới từ phía người dân. Các NH liên tục mở rộng phương thức TTKDTM, nhưng đối tượng tham gia thanh toán là người dân tiếp nhận, sử dụng đến đâu mới là yếu tố khó khăn nhất.
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, cho thấy: Tại nhiều quốc gia trên thế giới, gần như 100% chấp nhận thanh toán dịch vụ công qua chuyển khoản hoặc bằng séc. Ở Việt Nam, thường chỉ có DN mới sử dụng séc, còn không phổ biến với đại đa số dân chúng, đây cũng là điểm thiếu trong hệ thống tài chính của Việt Nam. Đơn giản như khi chúng ta không có tiền mặt, ở nhiều quốc gia chúng ta có thể rút séc ra trả, Việt Nam thì không làm được điều này nên vẫn chỉ có hai chọn lựa: một là tiền mặt, hai là chuyển khoản. Mà đã chuyển khoản, thì tất yếu phải có tài khoản NH. Đồng nghĩa với việc muốn đẩy mạnh thanh toán NH qua dịch vụ công thì trước hết phải thay đổi tư duy về thanh toán bằng tiền mặt của mỗi người dân.
“Mở tài khoản NH là khâu mấu chốt, từ đó khách hàng sẽ có những phương tiện như thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, các phương tiện thanh toán khác như QR code... Tất cả đều đòi hỏi một sự đồng bộ, chứ nếu chỉ kêu gọi thì tác động sẽ không thực sự lớn”, vị này bày tỏ. Đặc biệt các công ty, DN cung cấp dịch vụ công nên có những chương trình khuyến mãi để khuyến khích người dân sử dụng những phương thức thanh toán phi tiền mặt.
Trên thị trường, NHNN đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử hoạt động, trong đó có những cái tên đã trở nên quen thuộc với nhiều người dùng như là Momo, Bankplus, Ví Việt… Đơn cử như trường hợp Ví Việt của LienVietPostBank, theo chia sẻ của lãnh đạo NH này, Ví Việt có chức năng là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, phương tiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trên smartphone hay website. Từ tháng 1/2018, người sử dụng Ví Việt có thể thực hiện các dịch vụ NH online như: Gửi tiền tiết kiệm, truy vấn, sao kê tài khoản, tất toán sổ tiết kiệm, vay tiêu dùng cá nhân… Ví điện tử của NH này cũng đã kết nối thanh toán với nhiều đối tác như điện lực, cấp nước, công ty viễn thông, đại lý vé máy bay, nhà hàng, khách sạn, trường đại học, công ty bảo hiểm...
Một trong những giải pháp đặt ra trong Đề án cũng có đề cập tới việc phát triển thêm các sản phẩm thẻ NH đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường... với nhiều hình thức thanh toán: trực tuyến, qua ứng dụng di dộng, không tiếp xúc, thanh toán trường gần trên di động (NFC)... Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành khung tiêu chuẩn chung về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, làm cơ sở để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá.
Đối với thu phí cầu đường, giai đoạn 2015 - 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra quyết định áp dụng triển khai công nghệ RFID tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C cho hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC. Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Tổng công ty Viễn thông Viettel mới đây cũng đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kênh thanh toán, nạp tiền dịch vụ thu giá tự động không dừng VETC thông qua giao dịch và ứng dụng BankPlus của hệ thống thanh toán Viettel.
Vào đầu tháng 2 vừa qua, trạm BOT cầu Đồng Nai (Đồng Nai) với lưu lượng lớn nhất nước đã chính thức thu phí không dừng. Là một trong số những NH hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối thanh toán giữa trung tâm thu phí không dừng (ETC) và NH, ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết: Khách hàng có thể sử dụng tài khoản mở tại bất cứ NH nào, hoặc nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản thu phí giao thông theo đúng số thẻ Etag được dán cho phương tiện của mình. Đồng thời, mỗi phát sinh báo có giao dịch trên tài khoản thu phí của khách hàng đều được cập nhật ngay tức thì sang hệ thống máy chủ ETC của Công ty thu phí VETC, đảm bảo nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
“Để dịch vụ thu phí đường bộ không dừng triển khai hiệu quả, đẩy mạnh TTKDTM và hạn chế những bất cập trong việc thu phí thủ công trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cần có hướng dẫn cụ thể với nhà đầu tư và các cơ quan hữu quan về việc tham gia hệ thống thu phí đường bộ không dừng. Có biện pháp tuyên truyền rộng rãi về dịch vụ thu phí này cho chủ phương tiện, góp phần nâng cao nhận thức của người dân với dịch vụ này”, ông Lâm chia sẻ.