Sai phạm và lãng phí đất trồng rừng
DN để mất rừng
Điển hình như vào tháng 7/2010, UBND tỉnh Đăk Lăk có quyết định cho CTCP Đầu tư xây dựng Tân Phú Hưng, trụ sở tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo khai hoang 371 ha đất để trồng cao su. Theo tiến độ trong dự án đầu tư, DN sẽ trồng hết diện tích cao su theo quy hoạch trong 2 năm 2010 và 2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, DN chỉ mới trồng được 26 ha cao su, hầu hết diện tích còn lại đều bị xâm canh, lấn chiếm...
Tương tự, vào tháng 12/2012, CTCP Cao su Phú Riềng Kratie, tại xã Cư M’lan, huyện Ea Súp cũng được chính quyền địa phương cho thuê đất, thuê rừng trồng thí điểm 100ha cao su. Thế nhưng, đến nay công ty vẫn chưa triển khai trồng cao su như kế hoạch đã cam kết với chính quyền.
Bên cạnh, việc giậm chân tại chỗ, một số DN nhận đất để trồng keo lai làm nguyên liệu giấy nhưng lại sử dụng đất theo mục đích khác. Trong đó, có thể kể đến trường hợp của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Lộc Phát ở huyện Ea H’leo và CTCP địa ốc Thái Bình Phát, có trụ sở ở Ea Súp thay vì trồng rừng như cam kết lại triển khai trồng… cà phê và sắn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đăk Lăk nhiều lần có văn bản yêu cầu 2 công ty phải khắc phục trồng lại rừng trên diện tích trồng cà phê, sắn sai mục đích, nhưng DN vẫn cố tình không thực hiện.
Ngoài ra, có thể kể đến trường hợp Công ty TNHH Anh Quốc ở huyện Ea Súp, nhận trồng thí điểm 100 ha cao su trên diện tích đất thuê. Tại dự án của DN này nhiều diện tích cao su sinh trưởng kém, tỷ lệ chết tương đối cao do bị ngập úng và chết khô do tỉa cành không đúng kỹ thuật, đầu tư chăm sóc chưa đúng mức.
Diện tích cao su bị cháy là 27ha, còn lại khoảng 30ha sinh trưởng kém, không có khả năng phục hồi do DN ngừng chăm sóc từ đầu năm 2014… Trước những sai phạm trên của các DN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk đã đề nghị UBND tỉnh tiến hành các thủ tục để thu hồi đất của các DN trên.
Nhiều DN nhận đất trồng cao su nhưng sử dụng sai mục đích |
Khó khăn thu hồi dự án
Thế nhưng, một số DN đang trong thời gian chờ UBND tỉnh xem xét hồ sơ, đã tự ý khai hoang trái phép. Cụ thể như, Công ty TNHH 27/7 ở huyện Ea Súp được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, thuê rừng hồ sơ thiết kế kỹ thuật cải tạo rừng của DN đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk thẩm định, trình UBND tỉnh Đăk Lăk xin chủ trương xử lý, tận thu gỗ thải trên diện tích cải tạo rừng.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ chính quyền địa phương giải quyết, DN này đã tự ý khai hoang trái phép hơn 38 ha trong diện tích quy hoạch cải tạo rừng khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép, đồng thời tiến hành trồng 24 ha cao su, 2 ha điều...
Tương tự, CTCP Bảo Ngọc cũng ở huyện Ea Súp tự ý san ủi 7 ha rừng. CTCP Xây dựng, thương mại Đại Hưng tự ý cày xới hơn 57 ha rừng và đất rừng trong diện tích quy hoạch cải tạo rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai.
Tình trạng nhiều DN được giao đất rừng, nhưng lại để mất rừng đang diễn ra khá phức tạp ở Đăk Lăk. Tuy nhiên, việc thu hồi dự án của các DN này lại đang gặp nhiều khó khăn. Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk cho biết: Sau khi rà soát các dự án, sở đã có báo cáo gửi lên UBND tỉnh các dự án sử dụng đất không đúng quy trình để tỉnh chỉ đạo cho các ban, ngành khác xử lý, thu hồi. Tuy nhiên, thực tế công tác thu hồi không hề dễ bởi liên quan đến vấn đề đền bù hay không đền bù diện tích cao su và rừng mà các DN đã trồng.
Còn theo ông Cao Quang Diễn, Trưởng phòng quản lý đất đai Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đăk Lăk, việc thu hồi các dự án và thu hồi đất đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là phải thanh tra lại các dự án trên để có kết luận chính xác, sau đó mới thu hồi. Thứ hai là sau khi thu hồi thì giao cho ai, khối tài sản mà các công ty, DN đã đổ ra trước đó phải xử lý như thế nào? Vì vậy đến nay chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề…
Trước thực trạng các DN tự ý thực hiện việc cải tạo, tận thu gỗ khi chưa có chủ trương hoặc triển khai trồng các loại cây không đúng với cam kết… dư luận đang mong các cấp chính quyền ở Đăk Lăk cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn.
Đồng thời có chế tài xử phạt mạnh tay đối với các DN cố tình vi phạm, có thể tính đến biện pháp thu hồi quyết định cho thuê đất, nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý rừng, đất rừng trên địa bàn...