Sản xuất sạch để mở rộng thị trường
Nâng cao giá trị gia tăng cho thanh long | |
Cần hướng tới sản xuất sạch |
Trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP
Thanh long là trái cây đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 28 nghìn ha trồng thanh long, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình với sản lượng gần 600 nghìn tấn/năm... Trên thị trường, thanh long Bình Thuận chủ yếu mới được tiêu thụ dưới dạng quả tươi. Trong đó, 15% tiêu thụ nội địa và 85% sản lượng được xuất khẩu.
Sản xuất sạch để xuất khẩu thanh long đến nhiều thị trường |
Thế nhưng, nghịch lý là sản lượng xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm 2 đến 3% tổng sản lượng, còn lại chủ yếu theo đường tiểu ngạch đầy may rủi. Chưa có nhiều thanh long xuất khẩu chính ngạch, bởi sản phẩm thanh long chưa đạt tiêu chuẩn mà các thị trường khó tính đưa ra.
Để xuất khẩu chính ngạch, thanh long phải được sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra nhiều tiêu chí về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của đối tác. Chính những điều này, khiến không ít doanh nghiệp, HTX, người trồng thanh long ngần ngại.
Để sản xuất thanh long theo hướng nông sản sạch, Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận đã xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm thanh long; Tạo điều kiện nông dân phối hợp sản xuất thanh long, nhất là sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP dễ dàng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, chỉ tính riêng tại huyện Hàm Thuận Bắc, nơi có hơn 9,1 nghìn ha thanh long, có trên 3,3 nghìn ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với 11 HTX, 213 tổ hợp tác/5.318 thành viên.
Mới đây, Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận phối hợp ngành nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc ký kết liên kết, sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị với các đơn vị gồm: Phòng Nông nghiệp & PTNT và Hội Nông dân huyện, Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka, Công ty TNHH Màu Xanh Vĩnh Cửu, Công ty phân bón Điền Nông Việt và 6 HTX: Hòa Lệ, Kim Bình, Hàm Phú, Liêm Bình, Thuận, Minh, Sông Quao... Việc ký kết nhằm đẩy mạnh sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn. Bên cạnh, Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ thanh long ngay từ trong nước.
Ông Phan Đình Khiêm - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận cho biết, tiếp tục triển khai mô hình liên kết chuỗi, cơ quan chức năng của tỉnh đã đi khảo sát và kết nối cung tiêu sản phẩm thanh long tại các tỉnh, thành phía bắc như, Cao Bằng, Hà Giang và TP. Hà Nội qua đó giúp các đơn vị liên kết, ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác.
Mở rộng thị trường
Có thể nói, việc thúc đẩy liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp góp phần tháo gỡ rào cản tâm lý ngại ngần trong tiêu thụ nông dân. Khi sản phẩm nông dân làm ra được tiêu thụ ổn định, họ sẽ mạnh dạn sản xuất thanh long an toàn đảm bảo tiêu chí xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tánh - Tổ trưởng nhóm thanh long VietGAP Thắng Lợi (xã Hàm Liêm - Hàm Thuận Bắc) chia sẻ, tổ thanh long VietGAP Thắng Lợi có 16 hộ/25ha. Việc liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân an tâm khi sản xuất thanh long đúng quy trình an toàn, sản phẩm cũng dễ dàng tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt cho xuất khẩu.
Trên thực tế, những năm gần đây việc xuất khẩu thanh long vẫn đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong khi, thị trường này có tính ổn định không cao, giá cả thường xuyên biến động. Có những thời điểm người dân thu hoạch đồng loạt, nguồn cung tăng lên. Trong khi, thị trường nhập khẩu lại nhập vào với số lượng nhỏ giọt. Điều này, khiến một số lượng lớn thanh long dồn ứ ở các cửa khẩu. Không ít lần bà con phải đổ bỏ thanh long vì không xuất hàng đi kịp, hoặc do giá quá rẻ...
Trước tình hình này, Bình Thuận đã đề ra hướng đi mới, nâng cao giá trị cho cây thanh long, mở rộng cánh cửa xuất khẩu chính ngạch. Đưa thanh long Bình Thuận vươn ra các thị trường xa, đến các thị trường mới, khó tính hơn.
Thực hiện chủ trương trên, gần đây ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, các doanh nghiệp, HTX ở địa phương đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc…
Mới đây nhất, tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ (Bộ Công thương Ấn Độ)... tổ chức Hội thảo xúc tiến tiêu thụ thanh long Bình Thuận tại thị trường Ấn Độ. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng, hướng tới mục tiêu mở rộng giao lưu, hợp tác liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản.
Đại diện Sở Công thương Bình Thuận cho biết, việc tổ chức hội thảo xúc tiến tiêu thụ thanh long lần này nhằm mục tiêu quảng bá, giới thiệu quả thanh long - sản phẩm xuất khẩu lợi thế của tỉnh, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm địa phương và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Bình Thuận và doanh nghiệp của Ấn Độ gặp gỡ, giao thương để tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác kinh doanh.
Đặc biệt tìm đường đưa các sản phẩm thanh long vào thị trường tiềm năng này. Trước đó, Australia cũng đã chấp nhận cho thanh long Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Đây là những tín hiệu vui, cơ hội giúp mặt hàng thanh long của Bình Thuận có thêm đầu ra mới, tránh xa việc phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.