Nâng cao giá trị gia tăng cho thanh long
Thanh long được giá, người trồng phấn khởi | |
Australia đồng ý về nguyên tắc nhập khẩu thanh long | |
Tỷ phú thanh long xuất thân từ mồ côi |
Từ đầu tháng 10/2018 đến nay, giá thanh long đột ngột quay đầu giảm xuống thấp, còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, thậm chí rớt thê thảm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg, khác hẳn với trước kia luôn dao động từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, lúc cao điểm có khi lên tới 24.000 - 25.000 đồng/kg. Mức giá xuống thấp kỷ lục như vậy nhưng người nông dân vẫn không bán được hàng do thương lái không chịu thu gom, trong khi phần lớn những hộ nông dân này lại không ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến xuất khẩu thanh long.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện đây đang là địa phương sản xuất thanh long lớn nhất cả nước cung cấp cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu với diện tích hơn 27.000 ha, cho sản lượng hơn 600.000 tấn/năm. Song điều đáng nói, hơn 80% sản lượng sản xuất ra hàng năm chủ yếu được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường này không tiếp nhận, người trồng thanh long sẽ rơi vào tình trạng rất khó khăn trong việc tiêu thụ. Thực tế, không riêng Bình Thuận, nông dân một số khu vực khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… cũng đang điêu đứng vì thanh long rớt giá và không tìm được đầu ra.
DN sản xuất chế biến cần nâng cao chất lượng cho sản phẩm mở rộng thị trường theo đường chính ngạch |
Trái ngược với tình trạng khó khăn về đầu ra khi xuất hàng theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, những hộ nông dân làm hàng xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGab, GlobalGab... theo chuỗi, bao tiêu đầu cuối với các DN chế biến xuất khẩu lại có được sự yên tâm, nhất là giá cả ổn định, không bấp bênh.
Chính vì vậy, các DN cũng chủ động trong việc đầu tư nâng cao giá trị cho trái thanh long xuất khẩu thu về lợi nhuận cao. Hiện nay, nhiều nhà máy đã nhập máy móc thiết bị sấy khô, công nghệ sản xuất rượu vang từ trái thanh long tươi từ Đức, Australia... để sản xuất hàng xuất khẩu và đã có được một số bạn hàng nhất định.
Theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 8/2016 xuất khẩu thanh long đạt 81,22 triệu USD, tăng 18% so với tháng trước và tăng 248,5% so với tháng 8/2015. Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu thanh long lớn thứ 2 của Việt Nam, đạt 11,64 triệu USD, riêng tháng 8/2016 đạt 476 nghìn USD, giảm 9% so với tháng trước nhưng tăng 195,2% so với tháng 8/2015. Lũy kế trong 8 tháng đầu năm nay, chiếm 2,1% tổng kim ngạch, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Thái Lan đang dần trở thành nước nhập khẩu thanh long lớn của Việt Nam. Đồng thời, trong tương lai không xa, Australia sẽ trở thành một trong các thị trường chủ lực cho xuất khẩu thanh long của Việt Nam... Tuy nhiên, trước mắt Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực mặt hàng thanh long, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 518,1 triệu USD, tăng 165,3% so với 8 tháng đầu năm ngoái.
Một số chuyên gia cho rằng, để nâng cao giá trị cho trái thanh long, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, quan trọng là người nông dân và DN sản xuất chế biến cần nâng cao chất lượng cho sản phẩm để đáp ứng theo yêu cầu của những thị trường khó tính, mở rộng thị trường theo đường chính ngạch thay vì xuất khẩu tiểu ngạch vào Trung Quốc giá cả bấp bênh, giá trị thu về thấp.
Để làm được điều này, các DN nên chú trọng vào tất cả các khâu, từ cây giống, công nghệ, quy trình chăm sóc, đến chế biến. Hiện, tại Việt Nam một số DN đang nghiên cứu thí điểm việc trồng những giống thanh long có sắc màu khác nhau, với vị ngọt khác nhau, chứ không đơn thuần chỉ là 2 giống thanh long ruột đỏ và ruột trắng như hiện nay.
“Quy hoạch vùng trồng thanh long Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” có mục tiêu chính là tạo nguồn hàng xuất khẩu, để trái cây thanh long trở thành nông sản mũi nhọn trong thu hút ngoại tệ, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bình Thuận cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chế biến xuất khẩu. Đặc biệt ưu tiên đối với các DN có công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng như nước ép quả, mứt, thạch, rượu vang thanh long...