Cần hướng tới sản xuất sạch
Bất an với hồ tiêu | |
Vốn ngân hàng hỗ trợ cây tiêu phát triển |
Nhiều thông tin trên thị trường cho biết tiêu đen có thể sẽ lên giá trong vài tháng tới do mất mùa ở Ấn Độ và dự báo Indonesia sẽ giảm lượng xuất ra. Đây là hai nước cung cấp chủ yếu mặt hàng này trên thế giới, sau Việt Nam. Theo dự tính của cơ quan quản lý Ấn Độ, vụ mùa năm nay sẽ thu hoạch được 35.000 đến 40.000 tấn, giảm mạnh so với 65.000 tấn năm ngoái.
Tạo ra sản phẩm sạch chính là hướng phát triển bền vững |
Ông Jojan Malayil, CEO của Bafna Enterprises (Ấn Độ) cho biết, những cơn mưa đầu mùa dường như đã ảnh hưởng đến giá cả và đang được giữ khá ổn định. Nhưng hàng hóa hiện phần lớn đang nằm trong tay người trồng tiêu và họ đang chờ giá lên để bán hàng.
Hiện tại, tiêu Ấn Độ đang bán với giá khoảng 720 Rupi/kg, tương đương 242.000 đồng/kg. Người trồng tiêu nước này hy vọng giá tiêu sẽ vượt qua mức kỷ lục trước đây là 765 Rupi/kg để đạt 800 Rupi/kg. Năm 2015-2016, xuất khẩu tiêu của Ấn Độ tăng 31% về số lượng và 43% về trị giá so với năm trước. Theo ước tính sơ bộ của Ban gia vị, xuất khẩu tiêu đạt 28.100 tấn. Đây chính là thời điểm ngành tiêu của Việt Nam bứt phá trên thị trường thế giới về sản lượng, giá cả và đặc biệt là giá trị.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc bộ cùng các tỉnh trọng điểm về hồ tiêu có nhiều nỗ lực kiềm chế bùng phát dịch bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Tuy nhiên, do diện tích hồ tiêu trồng mới tăng nhanh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn cao đã ảnh hưởng xấu đến năng suất cũng như chất lượng hồ tiêu…
Hướng tới sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững mang lại giá trị kinh tế cao, các tỉnh cần chú trọng nhân rộng mô hình liên kết DN cung cấp vật tư đầu vào và DN thu mua với nông dân để đảm bảo sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc.
Tính đến thời điểm này, tổng diện tích hồ tiêu của 9 tỉnh trọng điểm đạt gần 100.000 ha tăng gần 5.500 ha; trong đó, diện tích tiêu tại 4 tỉnh Tây Nguyên gần 55.400 ha (chiếm 56,7%), 3 tỉnh Đông Nam bộ gần 40.000 ha (chiếm 40,7%), 2 tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ hơn 2.500 ha… Gần 5.000 ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm chiếm gần 5% tổng diện tích trồng hồ tiêu.
Chính vì vậy, ngay từ thời điểm này việc cần làm ngay của các DN và người trồng tiêu là hướng đến sản xuất sạch, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là lợi ích từ mô hình trồng tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Tiêu chuẩn GlobalGAP (tên gọi mới của EUREP GAP sau 7 năm áp dụng và được chính thức thông báo tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 8 tại Băng-cốc tháng 9/2007) là một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu. Đại diện hợp pháp của Ban thư ký GlobalGAP là tổ chức phi lợi nhuận mang tên FoodPLUS GmbH có trụ sở tại Đức.
Năm 2012, chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu của Chính phủ Đan Mạch (GCF) tài trợ cho CTCP Vinacafe Sơn Thành nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất trồng tiêu theo hướng GlobalGAP. Trọng tâm của tiêu chuẩn này là hướng đến sản xuất tiêu sạch, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, một khi sản phẩm tiêu sạch được chứng nhận GlobalGAP sẽ có lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ông Phùng Quang Đàn, đại diện Công ty Vinacafe Sơn Thành cho biết, cây tiêu trồng ở đất Sơn Thành Tây đã hơn 20 năm với tổng diện tích gần 500 ha. Những năm qua nhờ tiêu mà đời sống người dân ngày càng khấm khá. Tuy nhiên để cây tiêu phát triển bền vững thì việc hướng người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là cần thiết.
Bên cạnh đó, để giúp nông dân tham gia chuỗi cung ứng hồ tiêu của thế giới, tiếp cận và ứng dụng công nghệ trồng trọt, chế biến tiên tiến, chúng tôi đã lập dự án hỗ trợ kỹ thuật canh tác, tưới tự động nhỏ giọt và thu mua nguyên liệu để chế biến tiêu trắng xuất khẩu, ông Đàn cho biết thêm.